Phát huy thế mạnh của 14 tỉnh duyên hải miền Trung – Tây Nguyên

Triển khai thực hiện Chương trình hành động của UBND các tỉnh, thành phố về thực hiện Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27/02/2007 của Chính phủ về các chủ trương, chính sách lớn, để phát nền kinh tế n
Năm 2010, là năm kết thúc kế hoạch 5 năm “2006 – 2010” và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001- 2010 ). Thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2010 có ý nghĩa quan trọng, đặt nền tảng cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo trong bối cảnh kinh tế thế giới tuy có hồi phục và tăng trưởng, nhưng chưa thực sự thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi, tác động xấu đến kinh tế nước ta, giá cả các loại hàng hoá và lãi suất luôn trong xu hướng tăng. 

Xác định được điều này, ngay từ đầu năm 2010, Chính phủ đã kịp thời ban hành các chính sách, cùng các giải pháp và nhiệm vụ cụ thể, trong đó, trọng tâm là Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15/01/2010 và Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 06/4/2010, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát tăng cao; nền kinh tế nước ta tiếp tục giữ được sự ổn định và phát triển theo hướng tích cực. 

Hội nghị Ngành Công Thương 14 tỉnh được tổ chức thường niên, đây là dịp để các tỉnh đánh giá kết quả hoạt động, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, tìm kiếm các giải pháp và khả năng hợp tác, liên kết vùng, qua đó khai thác các tiềm năng và thế mạnh của các tỉnh, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong tương lai. Thực hiện các chủ trương của Chính phủ đề ra, năm 2010 tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng đã đạt được 93.571 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2009, vượt 2,3% kế hoạch năm. Có 7/14 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao là: Quảng Ngãi tăng 2,56 lần; Đăk Nông tăng 37,1%; Kon Tum tăng 27,2%; Ninh Thuận tăng 26,9%; Quảng Nam tăng 26,5%; Thừa Thiên - Huế tăng 26,3%; Gia Lai tăng 23,4%; Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp của vùng đã có bước chuyển dịch, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, công nghiệp khai khoáng giảm... 

Hệ thống hạ tầng công nghiệp được 14 tỉnh, thành phố ưu tiên quy hoạch và tập trung đầu tư một cách tích cực. Giai đoạn 2001-2010, theo quy hoạch toàn vùng có 09 khu kinh tế, diện tích 367.674 ha; 66 khu công nghiệp, diện tích 20.898,6 ha; 389 cụm công nghiệp, diện tích 11.404 ha. 

Đến ngày 31/12/2010 đã hình thành được 8 khu kinh tế, với tổng diện tích 198.064 ha; có 124 dự án đi vào hoạt động; 45 khu công nghiệp, tổng diện tích 10.695,2 ha, có 761 dự án đi vào hoạt động và 172 cụm công nghiệp, tổng diện tích 4.976 ha, có 1.183 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp của 14 tỉnh, thành được triển khai tích cực, ngày càng đa dạng, phong phú. Năm 2010, có 314 đề án khuyến công, trong đó có 44 đề án khuyến công quốc gia và 270 đề án khuyến công địa phương, tổng kinh phí thực hiện 19,149 tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2009. 

Năm 2010, hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại của Vùng đã tận dụng được những thuận lợi từ hội nhập kinh tế quốc tế, từ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và việc thực hiện giải pháp gói kích cầu của Chính phủ, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai cùng với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo nên sự thay đổi cơ bản trong nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt.

Theo đánh giá tại Hội nghị, sản xuất công nghiệp và thương mại tuy duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, nhưng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Khả năng chủ động nắm bắt những cơ hội, thuận lợi để thâm nhập và khai thác thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; Sự gắn kết, hỗ trợ phát triển hoạt động sản kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong Vùng chưa thực sự tích cực; Thiếu các giải pháp hữu hiệu, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Công tác cải cách hành chính, tuy đã được các cấp quan tâm thực hiện, nhưng tiến hành chưa đồng bộ, chưa đạt yêu cầu. Chủ trương, chính sách của Nhà nước về lĩnh vực Công Thương thiếu đồng bộ, kết quả thực hiện không cao, một số chương trình phát triển công nghiệp, thương mại ở nông thôn chưa được hỗ trợ vốn để đầu tư.

Giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 50.177,1 tỷ đồng, tăng 14,3 % so với cùng kỳ và đạt 45,6 % kế hoạch năm. Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm 2011, để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2011, ngành Công Thương 14 tỉnh, thành phố phấn đấu trong 6 tháng cuối năm: Giá trị SXCN đạt 59.399 tỷ đồng; Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 123.903 tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu: 2.576,5 triệu USD (cả năm đạt 5.283 triệu USD, tăng 13,56% so với năm 2010); Kim ngạch nhập khẩu: 2.372,2 triệu USD (cả năm đạt 5.864 triệu USD, tăng 5,64% so với năm 2010).

Để trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước, toàn Vùng phấn đấu huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển công nghiệp, thương mại; Chú trọng đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm hàng hoá, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững; Khai thác và tổ chức tốt thị trường nội địa, tăng xuất khẩu; Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ; nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho nhân dân.