Những “ngọn lửa ấm” ở lưng trời Ca Tâu

Ở cái nơi rét mướt và xa ngái ấy, vẫn có những “ngọn lửa ấm” âm thầm “cháy”, thắp lên ánh sáng, niềm tin cho đám trẻ bản cao.

Đường lên bản cao

Là những người làm báo, đi nhiều, chúng tôi đã đặt chân tới hầu hết các tỉnh, thành của dải đất hình chữ S này. Duy có Điện Biên thì chưa. Cứ như thể là “để dành” để “làm” một chuyến đi nào đó thật đáng nhớ và ý nghĩa.

Đường lên Ca Tâu
Đường lên Điện Biên

Tính từ thủ đô Hà Nội, Điện Biên không quá xa, nhưng để đi lên những bản cao trên đó thì phải chuẩn bị kỹ, từ xe cộ, người lái, đồ đạc, sức khỏe. Thế nên nhấp nhứ mấy lần, sau những chuyến đi từ thiện thường niên của Tạp chí Công Thương đến với những Lạc Sơn (Hòa Bình), Bản Khoang (Lào Cai), Nam Mẫu (Bắc Kạn), Trạm Tấu (Yên Bái), lần này chúng tôi quyết định lên với nơi xa nhất của huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), lên với cô trò mầm non của bản Ca Tâu, xã Xa Dung.

Điểm trường Ca Tâu
Điểm trường Ca Tâu

Ca Tâu là điểm trường thuộc Trường mầm non Ban Mai (xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông). Cách đây vài tháng, điểm trường này chỉ vỏn vẹn là 2 căn nhà ghép gỗ siêu vẹo, nằm cheo leo, heo hút trên những bản làng lâu đời của người Thái. Mấy năm về trước, từ trung tâm xã Xa Dung, để vào điểm trường này, các cô giáo không có cách nào khác là phải đi xe máy hoặc cuốc bộ mất cả ngày đường, bất kể trời nắng hay mưa. Những cung đường vắt vẻo bên sườn núi, phía dưới là vực thẳm sâu hun hút. Đường đi khó, nên Ca Tâu đến giờ vẫn chưa có điện và cũng rất khó để xây dựng bất cứ công trình gì.

Ca Tâu

Sau chuyến khảo sát của Ban chấp hành Chi đoàn Tạp chí Công Thương, nhận được báo cáo chi tiết, Lãnh đạo Tạp chí quyết định: “Tạp chí Công Thương sẽ huy động nguồn lực, sự sẻ chia của các doanh nghiệp trong ngành Công Thương để làm một lớp học khang trang cho các con ở điểm trường Ca Tâu”.

Sau hai tháng lên dự toán, huy động kinh phí, giám sát xây dựng cùng với các đồng chí công an của huyện Điên Biên Đông hỗ trợ chở từng viên gạch, bao cát, tấm tôn. Cuối cùng một phòng học rộng 40m2 cùng khoảng sân trường bê tông 70m2 cũng đã hoàn thành.

Điểm trường Ca Tâu
Điểm trường Ca Tâu

Thật khó mà diễn tả cho hết được niềm vui của cô trò nơi đây. Chúng tôi lên Ca Tâu đúng vào ngày khánh thành công trình. Lên để chia sẻ niềm vui, để hiểu, lên để đồng cảm với những khó khăn của các “cô giáo cắm bản”.

“Lửa ấm” ở lưng mây

Xuất phát từ sáng sớm, sau 10 tiếng chạy xe, xế chiều chúng tôi mới có mặt ở trung tâm huyện Điện Biên Đông. Người đầu tiên chúng tôi gặp là chàng trai trẻ tên Trung – chiến sỹ công an của huyện – người thường xuyên liên hệ và hỗ trợ vận chuyển vật liệu vào điểm trường. Trung bảo: “May quá các anh chị đi xe 2 cầu. Vì vào Ca Tâu mà không có xe 2 cầu thì không lên được đâu”.

Ca Tâu
Trường mầm non Ban Mai nằm cheo leo trên ngọn núi cao

Xa Dung cách trung tâm huyện gần 40 cây số, đoạn đường với nhiều dốc cao, khi nắng đất sỏi làm trượt bánh xe, bụi tung như sương mù, khi mưa đường vừa trơn, vừa lầy lội. Đón chúng tôi là cô hiệu trưởng Trường mầm non Ban Mai – Lục Thị Minh Hiền. Đôi má ửng hồng vì cái lạnh buốt của miền sơn cước Tây Bắc, mái tóc buộc gọn, đôi mắt đen láy sáng bừng, cô giáo Hiền kể về hành trình gắn bó với mảnh đất được coi là quê hương thứ hai của mình.

Ca Tâu
Cô giáo Hiền (thứ hai từ trái sang) hạnh phúc khi các con có lớp học mới

Năm 2011, cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm, cô giáo Hiền đã không quản khó khăn, tình nguyện lên Xa Dung nhận công tác. Vào thời điểm ấy, khi nghe đến Điện Biên, nhiều người đã thấy xa xôi lắm rồi, chứ đừng nói đến cắm sâu tận trong bản. Tuổi trẻ, lần đầu xa nhà, những đêm cô quạnh nơi núi rừng Tây Bắc, không điện, không điện thoại liên lạc khiến cô sinh viên sư phạm mới ra trường không khỏi nhớ nhà, nhớ người thân. Những lúc đó, cô chỉ biết nhắm nghiền mắt rồi nghĩ: “Khó khăn rồi cũng qua cả thôi!”

“Lâu rồi thành quen, em bắt đầu hòa nhập cuộc sống nơi đây. Hằng ngày, em lấy việc chăm, dạy các con làm niềm vui và bầu bạn. Ở đây, không chỉ mình em, các cô khác cũng thế, nếu không chịu được khổ, không yêu nghề thì khó mà bám trụ lâu dài” - cô Hiền chia sẻ.

Ca Tâu
Ca Tâu

Tối hôm đó chúng tôi nghỉ lại điểm trường Trung tâm (thuộc Trường mầm non Ban Mai) để sáng mai vào Ca Tâu. Ngồi quanh bếp lửa hồng, uống ly rượu mầm thóc, ăn bắp ngô nướng rồi nghe các cô kể chuyện mà cảm xúc không khỏi dâng trào. Ở núi, có những buồn vui giấu kín vào đêm, có những cơn nhớ thương thi thoảng lại trỗi lên, day dứt đến nao lòng. Thanh xuân gửi lại nơi lưng chừng mây trắng, các cô giáo người quê Thái Bình, người Thanh Hóa vẫn lặng lẽ chọn đi về phía của những gian lao, để là “ngọn lửa” sưởi ấm cho các bé thơ giữa cái rét mướt nơi đây.

Thật may là giờ ngày càng có nhiều cô giáo cũng là người đồng bào, lớn lên từ bản cao, trưởng thành rồi dạy chính con em người dân tộc mình. Nhưng thế chẳng phải là đỡ khó khăn hơn. Tròn 6 năm kể từ khi tốt nghiệp Trung cấp, Lầu Thị Mỷ trúng tuyển viên chức giáo dục và đến nhận công tác tại Trường mầm non Ban Mai. Hai đứa con ở lại quê nhà cùng với bố, Mỷ khăn gói lên đường, từ quê núi phía Bắc vòng vào núi phía Đông. Nơi này, còn xa xôi và gian khó hơn cả quê của cô. Một quãng ngừng chen giữa câu chuyện. “Em nhớ con quá!”, đáy mắt của cô giáo trẻ hình như đã đầy nước. Hơn một tháng ròng, Mỷ chỉ mới gặp được chồng con một lần, dù nhà không xa như các cô khác. Có gì thăm thẳm bằng nỗi nhớ, khi chỉ được nhìn, được nghe tiếng bi bô của con trẻ qua màn hình điện thoại. “Bao giờ mẹ về?”, câu hỏi của những đứa trẻ cứ cứa vào lòng đêm, dậy lên bao nỗi niềm chỉ biết gửi vào lặng im gió núi...

Niềm vui của các em nhỏ cũng là hạnh phúc của các cô
Niềm vui của các em nhỏ cũng là hạnh phúc của các cô

Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm. Tất cả các cô trong trường được “huy động” để chở người trong đoàn vào bản Ca Tâu bằng xe máy. 2 chiếc ô tô chỉ dành để chở đồ. Chúng tôi toát mồ hôi khi băng qua đỉnh núi, ngọn đồi để vào điểm trường nằm trên bản Ca Tâu. Nhìn vẻ mặt căng thẳng, hồi hộp của tôi, cô giáo Yến pha trò: “Đường thế này là đẹp lắm rồi, chứ vào mùa mưa lũ trơn trượt lắm, nhà báo muốn đi phải quấn xích vào bánh xe mới chạy nổi”. Tôi hỏi: “Trên này chắc việc đi lại là vất vả, nguy hiểm nhất cô giáo nhỉ!?”

Ca Tâu
Ca Tâu
Ca tâu

“Cũng chẳng biết điều gì là vất vả nhất, là khổ nhất. Đã chọn nghiệp “gieo mầm”, chọn lấy miền núi cao này để gắn bó, cô nào cũng biết là chọn lấy vất vả về phần mình. Ai rồi cũng sẽ quen, sẽ thấy mọi thứ bình thường lắm. Nhiều khi trượt ngã trên đường, lấm lem, ướt sũng đứng giữa trời, nhưng tụi em vẫn cười, vẫn vui. Đi qua rồi, nhìn lại sẽ thấy con dốc từng làm mình trượt ngã cũng... bình thường, thấy những gian khó cũng chỉ là trải nghiệm. Mọi thứ giúp em trưởng thành hơn, vững vàng hơn và càng tin tưởng vào lựa chọn của mình, khi đến với nghề giáo” – Yến tâm sự.

Có 10 cây số mà mất gần 1 giờ đồng hồ trèo đèo, lội suối, đổ dốc cao, điểm trường Ca Tâu mới hiện ra trước mắt. Trong không gian tĩnh mịch của núi rừng, tiếng hát bi bô của các con vang lên rộn ràng. Các con đã được ngồi trong phòng học mới, có mái che nắng mưa, có cửa chắn gió, sương. Không còn phải run lên cầm cập sau mỗi cơn gió lùa ở lớp học ghép gỗ cũ.

Lớp học trong mây
Chúng tôi gọi lớp học ở Điểm trường Ca Tâu là "Lớp học trong mây"

Sẽ khó có thể kể hết những gian khó ở “lớp học trong mây”, giữa trập trùng núi. Nơi đó - nơi không có điện, sóng điện thoại chập chờn nhưng lại có tình cảm của những người Thái, người Lào hồn hậu chân tình, và lũ trẻ con với những đôi mắt đen láy sáng trong như những sớm mai miền cao mây trắng. Nơi đó – nơi người dân không có tiền đóng góp xây dựng như dưới xuôi, bà con tự san đất, đốn tre làm hàng rào, trồng hoa quanh trường cho lũ trẻ bên phòng học mới. Nơi đó – nơi các cô như những “ngọn lửa” ấm thắp sáng niềm tin, xua tan cái giá rét, mây mù.

Ca tâu
Chúng tôi thấy ấm lòng vì được đóng góp một phần cho hạnh phúc đến trường của các con

Ngày mai trời có nắng. Mái trường lại ríu rít tiếng nói cười con trẻ. Được đến lớp, vẫn luôn là một thứ hạnh phúc diệu kỳ. Và chúng tôi thấy ấm lòng vì được đóng góp một phần trong thứ hạnh phúc ấy – dù rất nhỏ.

Bài: Thế Đạt - Ảnh: Quang Sáng