Giảm nhập siêu từ Trung Quốc

Quan hệ thương mại Việt - Trung những năm qua có bước tăng trưởng nhanh. Thông tin từ Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 7 (CAEXPO 2010) diễn ra ở thành phố Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc), cho biết

Nhập siêu ngày càng cao 

Từ năm 2001 đến 2009 Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc từ 1,5 tỷ USD lên 5 tỷ USD, nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng rất nhanh từ 1,6 lên 16 tỷ USD, tăng đến 10 lần. Theo đó, nhập siêu từ Trung Quốc tăng khá nhanh từ mức gần như cần bằng năm 2001 đã tăng tới 11 tỷ USD trong năm 2009, trở thành mối quan ngại về cán cân thương mại. 

Tại sao nhập siêu? Trước hết phải thừa nhận môi trường thương mại giữa hai nước ngày càng được cải thiện, hiểu biết nhu cầu thị trường, các tập quán tiêu dùng; Tiếp đến là lợi thế thương mại do hai nước rất gần nhau về địa l‎í, với 6 tỉnh biên giới đất liền Việt Nam, các tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu, ba cửa khẩu quốc tế và nhiều cửa khẩu quốc gia, các lối mở, cặp chợ biên giới với thị trường rộng lớn của miền nam Trung Quốc,...làm cho hàng hóa qua lại thuận lợi, nhanh, cạnh tranh về giá cước; Cả hai nền kinh tế đang thời kỳ tăng trưởng, năng lực sản xuất cao, hướng xuất khẩu. Một trọng số phải kể đến đó là các nhà thầu Trung Quốc thắng thầu nhiều công trình ở Việt Nam đặc biệt là dự án nhiệt điện, bauxít, làm tổng thầu được nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư, hàng tiêu dùng, nhân lực cho công trình. Trong hợp tác kinh tế, thương mại đã hình thành hai tuyến hành lang kinh tế “Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng”, hành lang “Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng” và một “Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ”. 

Phân tích cơ cấu thương mại hai chiều Việt- Trung, 8 tháng đầu năm 2010 (xem bảng) cho thấy: Xuất khẩu vào Trung Quốc chỉ đạt 4 tỷ USD, nhập khẩu lên tới 12,5 tỷ USD (gấp hơn ba lần). Trung Quốc có quan điểm ngoại thương “tam khứ nhất bổ” tức là xuất ba thứ sản xuất nhiều để nhập một thứ cần thiết mà thiếu; Chính sách biên mậu của Trung Quốc rất tích cực, với chủ trương “hỗ thị dân biên” để “thắp sáng đường biên” đã tạo ra hạ tầng giao thông, điện, viễn thông,... với chất lượng cao về các cửa khẩu, cùng với những chính sách hỗ trợ thương nhân qua lại. 

Các nhận xét của doanh nhân Việt Nam: Trung Quốc tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp của họ quan hệ thương mại với ta, dịch vụ tại các cửa khẩu, cảng biển cho phương tiện, hàng hóa, con người qua lại thuận lợi; mức hàng miễn thuế của cư dân Trung Quốc qua lại cũng ở mức cao hơn đến 4 lần so với ta. Chính dịch vụ hạ tầng thương mại tốt nên thương nhân Trung Quốc sẵn sàng xuất khẩu nhiều hơn và nhập khẩu lợi hơn. Những hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam có sức cạnh tranh với hàng hóa các quốc gia khác, cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam về giá cả, mẫu mã và các điều kiện thương mại.
Những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc ở mức 150 triệu USD trở lên trong 8 tháng qua là: Xăng dầu, phân bón, sản phẩm từ chất dẻo; Nhóm nguyên liệu dệt may như bông, sợi, vải, nguyên phụ dệt may da giầy... đạt tổng mức kim ngạch 2 tỷ USD chiếm gần 1/6 tổng kim ngạch nhập khẩu trong 8 tháng và tiếp tục chiếm trọng số nhập khẩu, riêng vải: 1,5 tỷ USD; Nhóm sắt thép và sản phẩm từ sắt thép các loại, kim loại thường chiếm đến 1,5 tỷ USD, riêng sắt thép: 1 tỷ USD; Trội hơn cả là nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 2,8 tỷ USD chiếm gần ¼ kim ngạch nhập khẩu của 8 tháng, nhóm này tiếp tục chiếm trọng số do nhà thầu Trung quốc triển khai các công trình. 

Những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong 8 tháng qua, có kim ngạch lớn: Sắn và các sản phẩm từ sắn đạt tới 322 triệu USD, than đá: 603 triệu USD, dầu thô: 230 triệu USD, xăng dầu :160 triệu USD, cao su: 674 triệu USD, gỗ và sản phẩm gỗ: 250 triệu USD, máy vi tính và linh kiện: 386 triệu USD, quặng sắt và các loại quặng khác chỉ gần 40 triệu USD. Tương lai, xuất khẩu cao su sống vẫn chiếm tỷ trọng cao, việc xuất khẩu than có thể giảm do cầu trong nước và tiết kiệm tài nguyên. Việc khởi động và tìm kiếm mặt hàng có kim ngạch xuất qua Trung Quốc đạt trên 1 tỷ USD là rất khó khăn. Nhóm nông sản xuất khẩu vào Trung Quốc gồm hải sản, rau quả, hạt điều, cà phê, chè, gạo trong 8 tháng qua chưa tới 300 USD bằng 1/3 kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đối với các mặt hàng tương tự là thủy sản, sữa và sản phẩm từ sữa, rau quả, dầu mỡ động thực vật. Riêng mặt hàng rau quả, bình quân mỗi tháng Việt Nam nhập của Trung quốc khoảng hơn 1 triệu USD, kim ngạch này còn duy trì và tăng chậm.

Nhập siêu mặt hàng rau quả trong 8 tháng qua là 50 triệu USD (tính cả nhập khẩu tiểu ngạch có thể lớn hơn) rõ ràng làm giảm việc làm và thu nhập của cả triệu nông dân. Các thương nhân cho biết, năng suất cây trồng của một số tỉnh miền nam Trung Quốc khá cao bởi sản xuất quy mô lớn với công nghệ hiện đại mà nông dân Việt Nam chưa được đầu tư thỏa đáng về hạ tầng, giống, kĩ thuật, tín dụng cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hoặc vấn đề mùa vụ tạo khoảng trống thị trường.

Để giảm nhập siêu

Việc giảm nhập siêu cần chú ý: Thứ nhất các thương nhân Việt Nam chủ động kích thích nhà sản xuất trong nước như đặt hàng và đấu thầu nhu cầu nhập khẩu; kiên trì thúc đẩy nhau sản xuất và tiêu thụ trong nước như vải cho dệt may, sắt thép xây dựng và tham gia đấu thầu cung ứng máy móc thiết bị cho các công trình Trung Quốc trúng thầu. Thứ hai, trong cơ chế thị trường hội nhập, tự do thương mại, buôn bán phải có lời nhưng nhập khẩu đâu đó một mặt hàng trong nước sản xuất được tức là chúng ta làm mất đi việc làm thu nhập và làm nản lòng các nhà sản xuất. Cơ sở tăm tre Bình Minh (Hà Nội) đã lên tiếng: “Ước tính, trong 5 tháng đầu năm 2010 tăm tre của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam là 82,5 tấn. Riêng trong năm 2009, nhập qua cảng Cát Lái 213,5 tấn loại tăm tre này... Như vậy số lượng tăm Trung Quốc nhập vào nước ta từ năm 2009 - tháng 6/2010 là gần 300 tấn tăm (tương đương 7 triệu hộp tăm)”

Việc lập hàng rào kỹ thuật là cần thiết, nhưng hàng rào đó phải áp dụng chung, nếu hàng rào quá chặt cứng sẽ cản trở chính chúng ta, ví dụ như sắt thép xây dựng, vải nguyên liệu là những thứ cần thiết cho sản xuất trong nước, là nguyên liệu làm hàng xuất khẩu. Các hiệp hội ngành hàng cần dự thảo hàng rào kỹ thuật đối với một số mặt hàng, lấy ý kiến doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Quan trọng hơn là các nhà sản xuất trong nước phải tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh, các doanh nghiệp cần có chiến lược đầu tư, tìm kiếm các ưu thế, lợi thế trong nước kể cả nhà nước hỗ trợ cơ sở hạ tầng; Hiệp hội ngành hàng, người tiêu dùng chung tiếng nói; Tìm hiểu chính sách và các kỹ năng quản trị doanh nghiệp, hàng rào thương mại, nhu cầu thị trường của Trung Quốc, để cải thiện cán cân thương mại.

Về việc các doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu nhiều dự án công trình với cái bẫy “giá rẻ” đòi hỏi chúng ta xem lại và sửa quy chế đấu thầu; Trước hết cần kiểm tra năng lực tài chính, công nghệ cũng như các chứng chỉ của nhà thầu; Giám sát đầu tư và siết đúng thời gian thi công dự án, điều chỉnh lại các hạng mục công trình phải đấu thầu; Các doanh nghiệp Việt Nam cần tự tin, liên kết với nhau để trúng thầu. Các chủ đầu tư trong nước hướng vào lợi ích doanh nghiệp trong nước, dâng cao ý thức tự lực, tự cường, giành cho nhau công ăn việc làm.