Ninh Bình tập trung thu hút đầu tư ngành công nghiệp trọng điểm

Có 5 KCN đã xây dựng và đi vào hoạt động là khu công nghiệp Tam Điệp I; Khánh Phú; Gián Khẩu; Phúc Sơn; Khánh Cư cơ bản được lấp đầy. Bên cạnh đó tỉnh đã được phê duyệt quy hoạch 25 CCN với diện tích quy hoạch 971,07 ha.

Theo Sở Công Thương Ninh Bình cho biết, để tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chủ động xúc tiến thu hút đầu tư tại các thị trường trọng tâm, trọng điểm của tỉnh, Ninh Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thiết thực để thu hút đầu tư như chính sách đất đai, ưu đãi về thuế, đào tạo lao động, cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, theo quy hoạch đã được phê duyệt, toàn tỉnh 7 KCN với tổng diện tích 1.472 ha, chiếm 1,061% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. 

Đến nay, có 5 KCN đã xây dựng và đi vào hoạt động là khu công nghiệp Tam Điệp I; Khánh Phú; Gián Khẩu; Phúc Sơn; Khánh Cư cơ bản được lấp đầy. Bên cạnh đó tỉnh đã được phê duyệt quy hoạch 25 CCN với diện tích quy hoạch  971,07 ha. 

Tỉnh Ninh Bình đã thành lập 17 cụm công nghiệp, trong đó các CCN: Cầu Yên,  Ninh Phong, Yên Ninh, Gia Vân, Sơn Lai, Phú Sơn tỷ lệ lấp đầy đạt 100%; CCN  Ninh Vân đạt 33,6%, CCN Đồng Hướng đạt 52,3%, CCN Mai Sơn đạt 49,82%,  CCN Khánh Nhạc đạt 71,6%, CCN Gia Phú đạt 46,5%, CCN Văn Phong đạt  26,17%, CCN Gia Lập đạt 3,4%; 04 Cụm công nghiệp đang trong quá trình triển  khai gồm: Khánh Thành, Khánh Hải 2, Khánh Hồng, Khánh Thượng. 

Những quyết sách thu hút đầu tư của Ninh Bình đang rất đúng và trúng
với tình hình mới hiện nay

Kết quả này đã khẳng định những quyết sách về thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Bình là đúng và trúng trong giai đoạn hiện nay. Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư, những năm qua tỉnh đã xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Tích cực đổi  mới, đa dạng hóa các nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ cùng với việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. 

Theo báo cáo, năm 2020, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, ước đạt gần 85,76 nghìn tỷ, mặc dù không đạt mục tiêu đề ra nhưng vẫn tăng 11,4% so với năm 2019. Một số sản phẩm công  nghiệp có mức tăng khá so với năm 2019 như: kính nổi đạt 480 nghìn tấn, tăng  20,8%; giày dép các loại đạt 39,3 triệu đôi, tăng 6,4%; cấu kiện tháp, cột bằng sắt thép đạt 14,2 nghìn tấn, gấp 2,5 lần; cần gạt nước ô tô đạt 13,1 triệu cái, tăng  68,4%...

Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình cho biết, thời gian tới, Tỉnh sẽ tiếp tục công khai, minh bạch thủ tục hành chính, rà soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đất đai, môi trường... nâng cao vai trò Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ  năng hành chính, tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức làm nhiệm vụ xúc tiến đầu tư. Hiện tại, Sở Công Thương đang cung cấp 152 quy trình điện tử, trong đó cung cấp 43 quy trình ở mức độ 4, 32 quy trình ở mức độ 3 và 77 quy trình ở mực độ 2, trung bình hàng ngày Sở tiếp nhận khoảng 20 đến 30 bộ hồ sơ của các tổ chức, cá nhân.

Về giải pháp thu hút đầu tư của Ngành Công Thương Ninh Bình, Sở sẽ tập trung thu hút đầu tư các ngành công nghiệp phụ trợ vào các cụm công nghiệp trong tỉnh để trong tương lai các doanh nghiệp trong nước sẽ chủ động hơn về nguồn nguyên liệu, tránh phụ thuộc vào các thị trường lớn. Tận dụng các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký song phương, đa phương để tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, các khu vực ít chịu ảnh hưởng của dịch.

Thu Hoài