Nội dung công nghiệp hoá trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965

Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa được cụ thể hóa thành phương hướng, nhiệm vụ phát triển toàn ngành công nghiệp và các phân ngành công nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965).
công nghiệp hoá
Nhà máy Dệt 8-3 chính thức được khánh thành ngày 08/3/1965 sau 5 năm xây dựng (Ảnh: TTXVN)

Theo sách "Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010", nội dung công nghiệp hoá trong giai đoạn này được xác định:

Thứ nhất, xác định rằng, thực chất của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là làm cách mạng khoa học kỹ thuật; phát triển công nghiệp nặng để từng bước cải tạo kỹ thuật và trang bị kỹ thuật cho các ngành kinh tế quốc dân.

Thứ hai, xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; coi đây là khâu quyết định nhất để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa tiến lên.

Thứ ba, thực hiện một bước việc ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp toàn diện và ra sức phát triển công nghiệp nhẹ. Ba bộ phận công nghiệp nặng - nông nghiệp - công nghiệp nhẹ, thúc đẩy nhau phát triển với nhịp độ nhanh và theo tỷ lệ cân đối.

Thứ tư, kết hợp chặt chẽ ba mặt: (i) phát huy cao độ tinh thần tự lực cánh sinh; (ii) sử dụng sự giúp đỡ của các nước anh em một cách hợp lý và có lợi nhất; và (iii) tích cực mở rộng sự hợp tác kinh tế của ta với các nước anh em.

Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa được cụ thể hóa thành phương hướng, nhiệm vụ phát triển toàn ngành công nghiệp và các phân ngành công nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965). Cụ thể như sau:

Điện lực: Phát triển thủy điện kết hợp với phát triển nhiệt điện, nhằm giảm giá thành xây dựng và giá thành phát điện, điều hòa việc cung cấp điện, phục vụ kịp thời cho nhu cầu phát triển kinh tế trong kế hoạch 5 nǎm và chuẩn bị một phần cho kế hoạch sau. Đi đôi với việc xây dựng các nhà máy mới, cải tiến thiết bị, tǎng thêm công suất một số nhà máy sẵn có. Ở các địa phương, chú trọng lợi dụng sức nước, sức gió, hơi mêtan, xây dựng những trạm phát điện nhỏ để phục vụ cho nhu cầu của địa phương.

Kế hoạch 5 năm 1961-1965 cũng yêu cầu trong những nǎm 1961 - 1963, phải nghiên cứu mọi biện pháp để giảm nhẹ tình hình cǎng thẳng về cung cấp điện, đồng thời phải tập trung sức xây dựng xong các công trình đúng thời hạn để khắc phục sớm khó khǎn về thiếu điện.

Luyện kim: Nhiệm vụ chủ yếu về công nghiệp luyện kim là cố gắng cung cấp phần lớn nhu cầu về gang, thép thông thường cho xây dựng cơ bản và một phần cho việc chế tạo cơ khí. Xây dựng xong Khu gang thép Thái Nguyên với công suất 200.000 tấn/năm; chú trọng phát triển sớm các lò cao cỡ nhỏ ở những nơi có điều kiện để sản xuất gang và xây dựng một số xí nghiệp liên hợp gang thép cỡ nhỏ. Để phục vụ cho công nghiệp gang thép, cần xây dựng và khai thác các mỏ sắt, đá vôi, đất chịu lửa,… xây dựng một số xưởng luyện các loại hợp kim gang cần cho việc nấu thép. Đồng thời, cần xúc tiến việc điều tra, thǎm dò, thiết kế, tích cực chuẩn bị để tiếp tục phát triển hơn nữa công nghiệp gang thép trong kế hoạch 5 nǎm lần thứ hai.

Về luyện kim màu, Kế hoạch 5 năm yêu cầu xúc tiến việc khai thác và sản xuất chì, kẽm, khai thác bauxite và luyện nhôm, tích cực tǎng thêm khả nǎng khai thác cromit, huy động tốt nhà máy thiếc. Đối với những mỏ đồng có trữ lượng ít, cần xây dựng cơ sở khai thác và sản xuất quy mô nhỏ.

Chế tạo cơ khí: Sản xuất một số loại máy móc công cụ chính xác cấp II trở xuống, một số loại thiết bị phối hợp đi theo với thiết bị toàn bộ, thiết bị về điện từ 100 kW trở xuống, tàu thủy từ 1.000 tấn trở xuống, xà lan, tàu kéo, canô, toa xe, một số thiết bị khoan lò, thiết bị thi công xây dựng cơ bản loại nhỏ.

Sản xuất các loại nông cụ cải tiến, một số máy móc nông nghiệp loại nhỏ, các loại máy móc giản đơn chế biến nông sản, ép gạch... để phục vụ nông nghiệp và công nghiệp địa phương.

Bảo đảm sửa chữa lớn và sản xuất một số loại phụ tùng, dụng cụ cho các ngành công nghiệp, vận tải, xây dựng cơ bản...

Kết hợp các xưởng cơ khí sẽ xây dựng trong kế hoạch 5 nǎm với các cơ sở sẵn có, bố trí thành một màng lưới cơ khí ở các địa phương để thực hiện các nhiệm vụ nói trên.

Gấp rút thống nhất và tǎng cường quản lý ngành cơ khí, phân công sản xuất hợp lý giữa các cơ sở quốc doanh và công tư hợp doanh, giữa các cơ sở của trung ương và các cơ sở địa phương để tận dụng khả nǎng hiện có và sử dụng tốt các cơ sở sẽ xây dựng thêm.

 Khai thác than: Thỏa mãn đầy đủ nhu cầu trong nước về các loại than không khói, đồng thời tǎng thêm mức xuất khẩu. Về than mỡ, cần hết sức đẩy mạnh thǎm dò, thiết kế... để tiến tới giải quyết cho nhu cầu luyện cốc.

Hướng chính để tǎng sản lượng than vẫn là Hòn Gai, Cẩm Phả; Chú trọng nâng cao trình độ khai thác cơ giới hóa và dần dần mở rộng việc khai thác bằng hầm lò; Đồng thời tranh thủ mở các công trường khai thác ở Uông Bí, Mạo Khê, Tràng Bạch, Làng Cẩm. Ngoài ra, các địa phương có những mỏ than nhỏ, tổ chức khai thác để phục vụ nhu cầu của công nghiệp địa phương.

Hóa chất và phân bón: Sản xuất phân bón và thuốc trừ sâu cho nông nghiệp, đồng thời sản xuất một số hóa chất cơ bản như xút, axit sunfuric, một số loại nguyên liệu hóa chất như thuốc nhuộm, sản xuất thuốc kháng sinh và một số dược liệu, sản xuất bông tơ nhân tạo theo quy mô nhỏ và tích cực chuẩn bị tiến tới sản xuất bông tơ nhân tạo theo quy mô lớn.

Xây dựng sớm nhà máy phân đạm; tích cực mở rộng khai thác mỏ apatit, xây dựng nhà máy làm giàu quặng, đẩy mạnh khai thác apatit để trao đổi với các nước anh em; tích cực thǎm dò quặng lưu huỳnh cần cho việc sản xuất axit sunfuric.

Dệt, may và da: Mở rộng và cải tiến Nhà máy Dệt Nam Định, Nhà máy Sợi và cải tiến nghề dệt thủ công. Xây dựng các nhà máy dệt kim, dệt bao tải, chế biến gai, đan lưới đánh cá, thuộc da, đóng giầy.

Nâng cao kỹ thuật bật bông, kéo sợi; nghiên cứu dùng các loại cây có sợi như đay, gai... để dệt vải. Cần tổ chức thu mua và thuộc da lợn để tǎng sản lượng da.

Công nghiệp thực phẩm: Thỏa mãn nhu cầu về một số thực phẩm chủ yếu như đường, nước mắm và tǎng thêm mức cung cấp về một số sản phẩm khác. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc chế biến những sản phẩm để xuất khẩu.

Sử dụng tốt nǎng lực của nhà máy cá hộp; phát triển thêm các nhà máy xay loại vừa và nhỏ. Đi đôi với kế hoạch phát triển nông trường quốc doanh, cần xây dựng và sắp xếp hợp lý các cơ sở chế biến nông sản, như xưởng chè, xưởng chế biến cà phê, xưởng làm hoa quả hộp, bột, thịt, sữa.

Đào Mạnh Đức