OPEC+ giảm mạnh ước tính dư cung dầu thô trên thị trường

Báo cáo được chuẩn bị trước thềm cuộc họp của liên minh OPEC+ cho thấy tổ chức này ước tính dư cung dầu thô trên thị trường sẽ chỉ ở mức 1 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm mạnh so với mức 1,4 triệu thùng/ngày được ước tính trước đó.
Khai thác dầu thô tại Trung Đông
Nhiều nhà quan sát nhận định liên minh OPEC+ khó có thể đạt được mục tiêu đầy tham vọng nâng mạnh sản lượng khai thác thêm trong tháng 7 và tháng 8 tới đây khi công suất khai thác dự phòng tại nhiều nước thành viên đã cạn kiệt (Ảnh: Reuters)

Hãng tin Reuters dẫn một báo cáo được chuẩn bị trước phiên họp định kỳ của liên minh OPEC+ vào ngày 29 và 30/6 tới đây cho thấy OPEC+ ước tính mức dư cung dầu thô trên thị trường toàn cầu sẽ chỉ ở mức 1 triệu thùng/ngày trong năm nay. Con số này thấp hơn nhiều so với mức dự báo dư cung 1,4 triệu thùng/ngày được OPEC+ đưa ra trước đó.

Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Việc liên minh OPEC+ hạ ước tính mức dư cung dầu thô diễn ra trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu nhiều quốc gia thành viên tổ chức này vẫn đang ở dưới mức hạn ngạch được phân bổ. Trước đó, các  thành viên OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng trong tháng 5/2022 lên thêm 432.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, OPEC+ đã không thể đạt được mục tiêu này và sản lượng khai thác thực tế thấp hơn mục tiêu khai thác đến 2,7 triệu thùng/ngày. Nguyên nhân chủ yếu do một số quốc gia thành viên gặp khó khăn về mặt kỹ thuật trong việc nâng thêm sản lượng khai thác và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

OPEC+ hiện đặt mục tiêu nâng sản lượng khai thác thêm trong tháng 7 và tháng 8 tới đây lên mức 648.000 thùng dầu/ngày. Nhiều nhà quan sát nhận định OPEC+ khó có thể đạt được mục tiêu đầy tham vọng này khi công suất khai thác dự phòng tại nhiều nước thành viên đã cạn kiệt.

Công suất dự phòng là phần công suất khai thác có thể đưa vào sử dụng ngay trong vòng 30 ngày và duy trì ít nhất trong vòng 90 ngày để đáp ứng các nhu cầu thị trường gia tăng đột biến.

Việc OPEC+ tiếp tục sản xuất dưới ngưỡng mục tiêu đề ra sẽ khiến ước tính dư cung giảm xuống trong thời gian tới. Một trong những quốc gia thuộc OPEC không thể nâng sản lượng khai thác thêm là Nigeria - quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất châu Phi. Sản lượng khai thác dầu thô của Nigeria trong tháng 5 thấp hơn tới 500.000 thùng/ngày so với mức hạn ngạch được phân bổ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria trong tuần trước cho biết nước này có thể đạt được mục tiêu khai thác của OPEC vào cuối tháng 8.  

Trong khi đó, Libya - quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ ba châu Phi cho biết có thể phải ngưng phần lớn hoạt động xuất khẩu dầu thô của nước này trong vài ngày khi tình trạng bất ổn chính trị tại đây leo thang. Đồng thời, Ecuador cũng cảnh báo nước này sẽ phải ngưng toàn bộ hoạt động khai thác dầu thô trong vòng 2 ngày do các cuộc biểu tình nổ ra tại nhiều nơi. Ecuador là quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ 5 tại khu vực Nam Mỹ.

Chuyên gia phân tích thị trường Stephen Brennock thuộc hãng môi giới giao dịch dầu thô hàng đầu thế giới PVM (Anh), nhận định mặc dù thị trường lo ngại về suy thoái kinh tế nhưng “có sự đồng thuận chi phối thị trường rằng nhu cầu sử dụng nhiên liệu sẽ ở mức cao nhưng nguồn cung tiếp tục rơi vào tình trạng căng thẳng trong những tháng mùa Hè này”. Do đó, ông Stephen Brennock cho rằng giá dầu thô sẽ còn được nâng đỡ trong thời gian tới.

Giới quan sát nhận định liên minh OPEC+ nhiều khả năng sẽ giữ nguyên cam kết nâng sản lượng như trong tháng trước. Ông Michael Lynch, Chủ tịch hãng tư vấn Strategic Energy & Economic Research (Hoa Kỳ), nhận định các quốc gia có sản lượng khai thác thấp trong liên minh OPEC+ sẽ phản đối việc nâng sản lượng khai thác lên cao hơn so với kế hoạch trước đây do công suất khai thác dự phòng tại những nước này đã cạn kiệt.

Trong khi đó, Nga - quốc gia đứng đầu các nước khai thác dầu thô đồng minh của OPEC sẽ không muốn các nước khác chiếm lĩnh thị phần và Saudi Arabia - quốc gia lãnh đạo khối OPEC mong muốn duy trì sự hợp tác giữa các bên. 

Tường Vy