Giá dầu thô còn tăng cao trong thời gian tới
Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô Brent neo quanh mức 122 USD/thùng, tiệm cận mức cao nhất trong vòng 14 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đây là mức giá khi nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của Trung Quốc đang ở mức thấp vì các biện pháp phong toả kéo dài hơn 2 tháng qua.
Do đó, nhiều nhà phân tích cảnh báo người tiêu dùng toàn cầu có thể đối mặt với mức giá dầu thô cao kỷ lục trong những tháng tới đây khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong toả, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại nước này tăng lên. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Ngày 10/6, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) ông Suhail Al-Mazrouei cảnh báo "Với mức nhu cầu sử dụng dầu thô hiện giờ, chúng ta vẫn còn xa ngưỡng giá kỷ lục, bởi Trung Quốc thậm chí còn chưa tái mở cửa nền kinh tế".
Đồng quan điểm trên, bà Amrita Sen, chuyên gia phân tích thị trường tại hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects (Anh), nhận định “Giá dầu thô đang ở mức 120 USD/thùng khi không có Trung Quốc. Vì thế, nếu Trung Quốc quay trở lại thị trường thì giá dầu sẽ tăng cao hơn nữa”.
Nhu cầu sử dụng nhiên liệu của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ ngay sau khi nước này tái mở cửa nền kinh tế. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc dự báo mức tiêu thụ nhiên liệu của Trung Quốc trong quý 3/2022 có thể tăng 12% so với quý 2/2022.
Trong khi đó, Ngân hàng Quốc tế Trung Quốc nhận định nhu cầu về dầu thô của nước này sẽ phục hồi nhẹ trong quý 3 nhưng sẽ tăng mạnh trong quý 4/2022. Điều này sẽ khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường dầu mỏ toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Hoa Kỳ) vừa nâng dự báo giá dầu thô Brent trung bình trong nửa cuối năm nay và nửa đầu năm 2023 lên mức 135 USD/thùng, tăng 10 USD so với dự báo gần nhất. Tập đoàn tài chính Morgan Stanley (Hoa Kỳ) thậm chí còn nhận định giá dầu thô Brent có xác suất chạm ngưỡng 150 USD/thùng trong thời gian tới. Giá dầu Brent lập kỷ lục cao nhất mọi thời đại 147,5 USD/thùng vào tháng 7/2008.
Thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu toàn cầu
Bất chấp việc giá dầu thô neo cao, nhu cầu sử dụng nhiên liệu và các sản phẩm tinh chế từ dầu thô trên toàn cầu vẫn không có dấu hiệu suy giảm đáng kể. Ví dụ, dữ liệu mới nhất cho thấy sản lượng của các nhà máy lọc hoá dầu tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2020. Điều này phản ánh nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ vẫn đang ở mức cao cho dù giá bán lẻ xăng dầu tại đây hiện đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Giới phân tích cũng cho biết việc trợ giá hoặc giảm thuế đánh vào nhiên liệu đang được hàng loạt nước áp dụng khi giá nhiên liệu trên toàn cầu tăng vọt đang khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu vẫn tăng lên cho dù giá dầu thô ở mức cao.
Trong khi đó, nguồn cung xăng dầu trên toàn cầu đang có dấu hiệu suy yếu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết công suất lọc dầu trên toàn cầu trong năm 2021 đã lần đầu tiên giảm xuống sau 30 năm, giảm 730.000 thùng/ngày. Trong tháng 4 vừa qua, công suất lọc hoá dầu toàn cầu chỉ đạt 78 triệu thùng/ngày. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình 82,1 triệu thùng/ngày trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Bên cạnh đó, dự trữ nhiên liệu trên toàn cầu đã giảm quý thứ 7 liên tiếp. Do đó, cùng với đà tăng của giá dầu thô thì giá các loại nhiên liệu chưng cất từ dầu thô đã tăng vọt thời gian vừa qua. Ví dụ, tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô đã tăng hơn 51% thì giá dầu sưởi tại Hoa Kỳ đã tăng 71% và lợi nhuận của các nhà máy lọc hoá dầu tại châu Âu ước đạt mức kỷ lục 40 USD/thùng.
Đặc biệt, thị trường còn đối mặt với việc suy giảm nguồn cung từ Nga dưới tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Nga hiện là một trong những nước xuất khẩu sản phẩm tinh chế từ dầu như dầu diesel lớn nhất thế giới. Liên minh châu Âu vừa qua đã thông qua việc cấm nhập khẩu tới 90% lượng dầu thô và sản phẩm tinh chế từ dầu của Nga vào cuối năm nay.
Chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thậm chí đã yêu cầu ngành công nghiệp lọc dầu của nước này tái khởi động lại các nhà máy đã bị dừng hoạt động để gia tăng nguồn cung nhiên liệu.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Năng lượng UAE ông Suhail Al-Mazrouei thừa nhận “Sản lượng của liên minh OPEC+ hiện đang thấp hơn mức mục tiêu khai thác khoảng 2,6 triệu thùng/ngày. Đây là một con số lớn”.
Điều này cho thấy liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh, khó có thể đạt mục tiêu gia tăng sản lượng khai thác như đã đề ra và khó có thể kìm hãm đà tăng của giá dầu thô.