Cơ sở hoá lỏng khí tự nhiên Freeport LNG tại tiểu bang Texas (Hoa Kỳ) hiện buộc phải ngưng hoạt động trong ít nhất 3 tuần tới sau khi xảy ra sự cố hoả hoạn vào ngày 8/6 vừa qua. Công suất của Freeport LNG hiện chiếm 20% tổng công suất hoá lỏng khí tự nhiên của Hoa Kỳ. Đây cũng là đầu mối chuyển giao chính đối với các lô khí LNG xuất khẩu của Hoa Kỳ đến Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.
Dữ liệu của hãng tin Reuters cho thấy trong những tháng gần đây, khoảng 70% sản lượng khí LNG của Freeport LNG được xuất khẩu đến châu Âu. Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan hiện là những khách hàng châu Âu lớn nhất của Freeport LNG.
Đối với thị trường châu Á, giới phân tích đánh giá việc Freeport LNG ngưng hoạt động sẽ khiến Hàn Quốc mất đi nguồn cung khí tương đương 17% tổng nhu cầu sử dụng hàng tháng của nước này, con số này đối với Nhật Bản là khoảng 3,5% tổng nhu cầu sử dụng hàng tháng.
Do đó, việc Freeport LNG phải ngưng hoạt động trong khoảng thời gian đáng kể khiến nhiều chuyên gia năng lượng cảnh báo thị trường toàn cầu sẽ đối mặt với các rủi ro lớn trong ngắn hạn. Nhất là khi sự cố này xảy ra đúng thời điểm đường ống dẫn khí đốt chính của châu Âu là Nord Steam 1 và một số cơ sở khai thác khí tại Na Uy đang tiến hành bảo dưỡng.
Một số nhà phân tích nhận định châu Âu có thể tạm thời chống đỡ việc đứt gãy nguồn cung khí LNG từ Freeport LNG bằng cách sử dụng lượng khí đốt dự trữ hiện có. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc nếu thời gian sửa chữa tại Freeport LNG càng kéo dài thì lượng khí dự trữ tại châu Âu sẽ càng sụt giảm. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu đang phải tìm cách tăng cường dự trữ để chuẩn bị cho mùa Đông tới đây trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga có thể suy giảm bất kỳ lúc nào.
Ông Tamir Druz, giám đốc điều hành hãng tư vấn năng lượng Capra Energy (Hoa Kỳ), nhận định nếu như sự cố tại Freeport LNG kéo dài nhiều tháng thì giá khí LNG tại châu Âu sẽ tăng vọt so với khu vực châu Á. Điều này sẽ khiến các quốc gia châu Á và châu Âu phải cạnh tranh quyết liệt để đảm bảo nguồn cung khí LNG trong thời gian tới.
Trong phiên giao dịch ngày 9/6, giá khí tự nhiên tại châu Âu đã có lúc tăng vọt thêm 20% do lo ngại tình trạng khan hiếm nguồn cung trong thời gian tới.
Chốt phiên giao dịch ngày 9/6, chỉ số giá khí LNG cho thị trường Nhật Bản – Hàn Quốc (JKM) cũng tăng mạnh 7,8% lên mức 23,486 USD/mmBtu. Chỉ số giá khí LNG JKM thường được xem là mức giá tham khảo chuẩn cho các giao dịch khí LNG tại thị trường châu Á.