Hãng tin Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) ông Suhail Al-Mazrouei cho biết Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang gặp khó khăn trong việc nâng sản lượng khai thác theo đúng kế hoạch đề ra, kết hợp với sự phục hồi nhu cầu sư dụng dầu thô của Trung Quốc trong thời gian tới có thể khiến giá dầu thô xác lập đỉnh giá mới. UAE là một trong những quốc gia khai thác dầu thô chủ chốt của khối OPEC.
"Với mức nhu cầu sử dụng dầu thô hiện giờ, chúng ta vẫn còn xa ngưỡng giá kỷ lục, bởi Trung Quốc thậm chí còn chưa tái mở cửa nền kinh tế", ông Suhail Al-Mazrouei cảnh báo.
Ngày 2/6, OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh bao gồm Nga (hay còn gọi là Liên minh OPEC+) đã đạt thỏa thuận nâng sản lượng khai thác thêm 648.000 thùng dầu/ngày trong tháng 7 và tháng 8 tới đây. Mặc dù mức tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng 400.000 thùng/ngày theo kế hoạch cũ, nhiều nhà phân tích cảnh báo giá dầu thô sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới do nguồn cung không thể theo kịp mức tăng lên của nhu cầu, đặc biệt là nguồn cung dầu thô từ Nga đang suy giảm.
Các chuyên gia nhận định liên minh OPEC+ sẽ không thể đạt mục tiêu tăng sản lượng do phần công suất dự phòng ngày càng cạn kiệt và hiệu quả khai thác suy giảm. Công suất dự phòng là phần công suất khai thác có thể đưa vào sử dụng ngay trong vòng 90 ngày và duy trì trong thời gian dài để đáp ứng các nhu cầu thị trường gia tăng đột biến.
Trong liên minh OPEC+, hiện chỉ có Saudi Arabia và UAE còn phần công suất dự phòng đủ lớn để nâng sản lượng thêm. Nhiều quốc gia trong khối này đã chạm đến giới hạn năng lực khai thác trong ngắn hạn.
Bộ trưởng Năng lượng UAE cũng thừa nhận “Sản lượng của liên minh OPEC+ hiện đang thấp hơn mức mục tiêu khai thác khoảng 2,6 triệu thùng/ngày. Đây là một con số lớn”.
Những bình luận của UAE như một lời thừa nhận rằng thỏa thuận nâng sản lượng vừa qua của OPEC+ sẽ không có tác động quá nhiều trong việc kìm hãm đà tăng vọt của giá dầu thô. Tổng thư ký OPEC ông Mohammad Barkindo cũng cảnh báo về việc thiếu hụt công suất khai thác dự phòng của các quốc gia thành viên OPEC.
“Ngoại trừ 2-3 thành viên, tất cả đều đã sản xuất với công suất tối đa", ông Mohammad Barkindo nhấn mạnh.
Ông Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích thuộc hãng môi giới tài chính OANDA (Hoa Kỳ), cho biết ngay cả những quốc gia thành viên chủ chốt của khối OPEC như Saudi Arabia, UAE và Kuwait cũng đang gặp khó khăn trong việc duy trì sản lượng khai thác, sản lượng xuất khẩu dầu của những nước này trong tháng 5 vừa qua đã giảm đáng kể so với tháng 4.
Trong khi đó, Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đang bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả phòng chống dịch vốn áp dụng trong hơn hai tháng qua. Điều này có thể khiến nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc tăng thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Al-Mazrouei, nếu không có thêm vốn đầu tư trên toàn cầu thì liên minh OPEC+ sẽ không thể đảm bảo đủ nguồn cung dầu khi nhu cầu phục hồi hoàn toàn sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.
"Giá có thể tăng vọt lên mức chưa từng thấy, nếu dầu và khí đốt của Nga hoàn toàn bị loại bỏ khỏi thị trường", ông Suhail Al-Mazrouei cảnh báo.