Hiện nguồn cung sắt thép phế liệu nhập khẩu đáp ứng 17% tổng nhu cầu sử dụng của Hàn Quốc - quốc gia sản xuất thép lớn thứ 6 thế giới. Trong đó, Nga cung cấp tới 13% tổng lượng sắt thép phế liệu được nhập khẩu vào Hàn Quốc.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga hiện khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn và rủi ro trong việc tiếp tục nhập khẩu sắt thép phế liệu từ Nga. Bên cạnh đó, Nga cũng nâng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng sắt thép phế liệu nhằm điều tiết nguồn cung, kiềm chế đà tăng giá của mặt hàng này trên thị trường nội địa.
Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets (Anh) cho thấy giá sắt thép phế liệu tại Hàn Quốc đã tăng gần 40% kể từ khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng nổ hồi cuối tháng 2 vừa qua. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của nhiều ngành công nghiệp nặng vốn tiêu thụ thép lớn và chiếm vai trò quan trọng trong nền kinh tế Hàn Quốc như sản xuất ô tô, đồ gia dụng và đóng tàu.
Do đó, nhằm đảm bảo duy trì nguồn cung sắt thép phế liệu cho sản xuất công nghiệp và kiểm soát giá hiệu quả, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đang xem xét phương án quản lý sắt thép phế liệu như mặt hàng chiến lược.
Nhu cầu sử dụng sắt thép phế liệu của Hàn Quốc đang ngày càng tăng lên khi nước này đẩy mạnh sản xuất thép bằng phương pháp lò hồ quang điện nhằm thay thế công nghệ luyện thép bằng lò cao vốn có mức phát thải khí nhà kính cao.
Tình trạng khan hiếm nguồn cung từ Nga đang buộc hàng loạt hãng sản xuất thép lớn tại Hàn Quốc như Hyundai Steel và POSCO chạy đua tìm kiếm các nhà cung cấp mới. Thậm chí, hãng Dongkuk Steel đã triển khai một nhà máy thu gom thép phế liệu tại Nhật Bản để đảm bảo nguồn cung.
Hãng nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie (Anh) cho biết sản lượng thép thô được sản xuất bằng công nghệ lò hồ quang điện sẽ chiếm 48% tổng sản lượng thép thô toàn cầu vào năm 2050 so với mức 30% trong năm 2021; cùng với đó, tỷ trọng của thép thô sản xuất bằng công nghệ lò cao sẽ giảm xuống tương ứng.