Theo dữ liệu của chuyên trang tài chính tổng hợp Trading Economics (Hoa Kỳ), tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent đã tăng hơn 55% và tăng hơn 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá khí tự nhiên hiện nay tại Bắc Mỹ cũng ghi nhận mức tăng 148,5% so với hồi đầu năm và tăng 197% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên những mức tăng này vẫn còn thấp hơn so với giá than đá. Cụ thể, giá than đá tại cảng Newcastle (Australia) hiện được giao dịch quanh ngưỡng 400 USD/tấn, tăng 140% so với hồi đầu năm và tăng tới 237% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá than đá tại Newcastle thường được sử dụng làm giá tham khảo chuẩn cho các giao dịch than đá tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Đầu tháng 3, giá than đá đã có lúc đạt mức cao kỷ lục 422,6 USD/tấn sau khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra khiến các dòng chảy năng lượng trên toàn cầu bị rối loạn. Mặc dù sau đó đã giảm mạnh vào cuối tháng 3 nhưng giá than đã liên tục tăng trở lại.
Nhiều chuyên gia phân tích nhận định giá than đá trên thế giới có thể còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới khi tình trạng căng thẳng nguồn cung của nhiều loại năng lượng như dầu mỏ, khí tự nhiên… vẫn chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt. Hãng tư vấn năng lượng hàng đầu thế giới Rystad Energy (Na Uy) cảnh báo giá than đá trên thế giới có thể vượt ngưỡng 500 USD/tấn trong năm 2022. Nếu dự báo này thành hiện thực thì đây sẽ là mức giá than cao nhất trong vòng 200 năm trở lại đây.
Theo Rystad Energy, việc giá khí tự nhiên tăng mạnh trên toàn cầu, đặc biệt là tại châu Âu dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine sẽ buộc nhiều quốc gia châu Âu phải tạm thời tăng cường sử dụng nguồn điện than. Trong ngày 4/6, Liên minh châu Âu (EU) chính thức thông qua việc cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga qua đường biển. Dự kiến EU có thể giảm đến 90% lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay. Trước đó, EU đã cấm hoàn toàn nhập khẩu than đá từ Nga kể từ tháng 8 tới đây.
Những động thái này sẽ khiến EU phải tăng cường tìm kiếm các nguồn cung năng lượng khác ngoài Nga. Cuối tháng 5 vừa qua, Đức - nền kinh tế lớn nhất EU đã công bố kế hoạch kéo dài tuổi thọ các nhà máy điện than sắp ngưng hoạt động tại nước này. Nếu kế hoạch này được thông qua, các nhà máy điện than này sẽ được đưa vào diện dự phòng cho đến đầu năm 2024. Trong năm 2020, Đức đã quyết định chi đến 44,5 tỷ USD để loại bỏ điện than vào năm 2030.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã giảm thuế suất thuế nhập khẩu các loại than về 0% trong giai đoạn từ tháng 5/2022 đến tháng 3/2023 nhằm đảm bảo an ninh năng lượng khi nước này đối mặt nguy cơ mất điện diện rộng trong mùa hè năm nay. Giới phân tích nhận định bất kỳ động thái tăng cường thu mua than của Trung Quốc sẽ khiến giá than toàn cầu tăng lên. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu than lớn thứ ba thế giới.
Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhu cầu sử dụng điện than trên toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi khiến nhu cầu sử dụng năng lượng tăng mạnh nhưng việc giá dầu và khí tự nhiên ở mức cao sẽ khiến nhu cầu sử dụng than đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay.
IEA dự báo sản lượng điện của các nhà máy nhiệt điện than trên toàn cầu sẽ tăng 9% trong năm nay. Trong năm 2021, sản lượng điện than toàn cầu đã giảm 4% do nhu cầu sử dụng năng lượng suy giảm vì đại dịch Covid-19. Theo IEA, nhu cầu sử dụng điện trong năm nay sẽ vượt xa tốc độ tăng trưởng của các nguồn cung cấp điện ít phát thải khí nhà kính, buộc các quốc gia kể cả các nền kinh tế giàu phải phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch.