Liên minh OPEC+, bao gồm 13 quốc gia thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và 10 quốc gia khai thác dầu thô ngoài khối OPEC do Nga đứng đầu. Liên minh OPEC+ đang kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu và Nga lần đầu tiên tham gia liên minh OPEC+ vào năm 2016. Saudi Arabia và Nga hiện là 2 quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và cũng là hai nhân tố chính chi phối các quyết định sản lượng khai thác của toàn liên minh OPEC+.
Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát và nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu suy giảm nghiêm trọng, liên minh OPEC+ đã quyết định giảm sản lượng khai thác ở mức kỷ lục 10 triệu thùng/ngày nhằm giúp cân bằng cung – cầu trên thị trường dầu mỏ.
Kể từ tháng 7/2021, liên minh OPEC+ quyết định khôi phục dần nguồn cung ra thị trường với mức tăng sản lượng khai thác mỗi tháng thêm 400.000 thùng/ngày. Khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu phục hồi mạnh, khiến giá dầu thô tăng vọt lên trên mức 85 USD/thùng vào tháng 10/2021, các nước phương Tây liên tục kêu gọi khối OPEC, đặc biệt là Saudi Arabia, tăng mạnh sản lượng khai thác. Tuy nhiên, Saudi Arabia vẫn kiên định việc chỉ nâng dần sản lượng khai thác.
Mọi việc thay đổi đột ngột sau phiên họp ngày 2/6, liên minh OPEC+ thống nhất sẽ nâng sản lượng khai thác thêm trong tháng 7 và tháng 8/2022 ở mức 648.000 thùng/ngày, cao hơn tới 200.000 thùng/ngày so với kế hoạch cũ. Giới quan sát nhận định quyết định của OPEC+ được đưa ra trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây bắt đầu khiến sản lượng khai thác dầu thô của Nga sụt giảm.
Trước thềm phiên họp, đã xuất hiện các thông tin cho thấy một số quốc gia khối OPEC muốn loại bỏ Nga ra khỏi thoả thuận khai thác sản lượng mới khi Nga liên tục không đạt mục tiêu khai thác được phân bổ trong những tháng gần đây. Việc loại Nga ra liên minh OPEC+ có thể mở đường cho Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) thuộc khối OPEC tăng cường nguồn cung ra thị trường.
Thoả thuận khai thác mới nhất của liên minh OPEC+ vẫn bao gồm Nga nhưng giới phân tích cảnh báo Nga sẽ tiếp tục không thể đạt các mục tiêu khai thác như liên minh này đề ra. Theo kế hoạch khai thác vừa được thông qua, Nga sẽ phải tăng sản lượng khai thác thêm 170.000 thùng/ngày kể từ tháng sau. Tuy nhiên, một số quan chức khối OPEC cho rằng Nga sẽ khó có thể nâng sản lượng khai thác sau khi Liên minh châu Âu đã thông qua việc cấm nhập khẩu lên tới 90% lượng dầu thô từ Nga vào cuối năm nay.
Ông Dan Pickering, giám đốc đầu tư tại hãng tư vấn tài chính Pickering Energy Partners (Hoa Kỳ), nhận định Nga sẽ mất dần sức ảnh hưởng trong liên minh OPEC+ khi châu Âu và các nước phương Tây còn lại tiến hành các biện pháp trừng phạt.
Trong khi đó, ông Paul Sankey, chuyên gia phân tích của hãng tư vấn năng lượng Sankey Research (Hoa Kỳ), nhận định sản lượng khai thác dầu thô cũng như hoạt động xuất khẩu dầu của Nga sẽ bị kiềm chế bởi các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.
Đồng thời, ông Paul Sankey nhấn mạnh toàn bộ liên minh OPEC+ đang đứng trước nguy cơ tan ra khi không thể đạt mục tiêu khai thác nhằm kiềm chế giá dầu thô do công suất khai thác dự phòng của các quốc gia thành viên hiện ở mức rất thấp. Liên minh OPEC+ thường tác động đến giá dầu trên thị trường bằng cách điều chỉnh sản lượng khai thác. Công suất dự phòng là phần công suất khai thác có thể đưa vào sử dụng ngay trong vòng 90 ngày và duy trì trong thời gian dài để đáp ứng các nhu cầu thị trường gia tăng đột biến.
Trong liên minh OPEC+, những quốc gia thực sự còn công suất dự phòng đủ dùng là Saudi Arabia và UAE. Tổng công suất dự phòng của cả hai quốc gia này hiện là 3 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2022. Trong đó, Arab Saudi hiện có công suất dự phòng đạt khoảng 1 triệu thùng/ngày nhưng nước này chưa có động thái thể hiện sẽ sử dụng triệt để phần công suất này.
Chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ Giovanni Staunovo thuộc ngân hàng đầu tư UBS (Thuỵ Sĩ) cho biết hầu hết các quốc gia thành viên của liên minh OPEC+ đều đã hoạt động hết công suất và không thể tăng thêm sản lượng hơn nữa.
Cho dù liên minh OPEC+ ra thông báo nâng mạnh sản lượng khai thác thêm hàng tháng, giá dầu thô trong tuần vừa qua vẫn tăng hơn 3%, xác lập tuần tăng giá thứ 6 liên tiếp. Trong đó, giá dầu thô Brent giao tháng 8/2021 đạt 121,08 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 7/2021 đạt 120,26 USD/thùng.