Chốt phiên giao dịch ngày 1/6 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 8/2022 giảm mạnh 1,7% xuống còn 115,60 USD/thùng; trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô Brent chạm mức 120,80 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao tháng 7/2022 (hợp đồng hết hạn vào ngày 1/6) tăng 1% lên 122,84 USD/thùng.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 7/2022 giảm 0,4% xuống còn 114,67 USD/thùng.
Giới quan sát nhận định giá dầu thô chịu áp lực tiêu cực sau khi tờ Wall Street Journal (Hoa Kỳ) dẫn lời một quan chức của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết một số thành viên OPEC đang cân nhắc việc loại Nga khỏi thoả thuận khai thác dầu thô mới trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây bắt đầu hạn chế khả năng của Nga trong việc tăng sản lượng khai thác.
Theo Wall Street Journal, việc loại Nga ra khỏi thoả thuận khai thác sản lượng mới có thể mở đường cho Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và các quốc gia khác trong OPEC tăng cường sản lương khai thác. Đây cũng là điều mà các quốc gia phương Tây liên tục kêu gọi OPEC thực hiện nhằm hạ nhiệt đà tăng nóng của dầu thô kể từ khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine diễn ra.
Trong năm ngoái, liên minh OPEC+ bao gồm OPEC và 10 quốc gia ngoài khối OPEC do Nga lãnh đạo đã đạt đồng tăng dần sản lượng khai thác dầu hàng tháng để điều tiết nguồn cung trên thị trường. Tuy nhiên, sản lượng khai thác dầu thô của Nga hiện được dự báo giảm khoảng 8%. Đến nay, OPEC chưa có động thái chính thức nào về tăng sản lượng dầu mạnh hơn để bù đắp cho phần sản lượng mất mát của Nga. Tuy nhiên, một số nước vùng Vịnh thuộc OPEC đã bắt đầu lên kế hoạch tăng sản lượng nhanh hơn sau vài tháng nữa, theo Wall Street Journal.
Dù không phải là một thành viên OPEC, Nga đã phối hợp điều tiết sản lượng dầu với OPEC kể từ năm 2016. Liên minh OPEC+ kiểm soát hơn 50% nguồn cung dầu thô trên toàn cầu, mang lại cho Nga vị thế lớn trên thị trường.
Tờ Wall Street Journal dẫn lời nguồn tin cho biết OPEC bắt đầu thảo luận việc loại Nga khỏi thoả thuận sản lượng từ trước khi Liên minh châu Âu (EU) nhất trí cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga và không cho phép các công ty bảo hiểm cung cấp hợp đồng cho dầu Nga. Tuy nhiên, lệnh cấm của EU vào ngày 31/5 đã khiến OPEC đẩy mạnh thảo luận về vấn đề này.
Trước đây, OPEC từng hoãn các nghĩa vụ về sản lượng đối với các thành viên gặp trở ngại, bao gồm Iran khi nước này bị phương Tây trừng phạt hồi thập niên 1990. Libya, Venezuela và Iran hiện đều được miễn bất kỳ nghĩa vụ sản lượng nào trong OPEC. Nga hiện không đạt mục tiêu sản lượng do liên minh OPEC+ đề ra trong những tháng gần đây.