Cụ thể, OPEC+ thống nhất sẽ nâng sản lượng khai thác thêm trong tháng 7 và tháng 8/2022 ở mức 648.000 thùng/ngày, cao hơn tới 200.000 thùng/ngày so với kế hoạch cũ. Quyết định của OPEC+ được đưa ra trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây bắt đầu khiến sản lượng khai thác dầu thô của Nga sụt giảm. Nga hiện là quốc gia có sản lượng khai thác dầu lớn thứ 3 thế giới, sau Hoa Kỳ và Saudi Arabia.
Sau thông tin này, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã bày tỏ hoan nghênh “quyết định quan trọng của liên minh OPEC+”, đặc biệt là vai trò của Saudi Arabia trong việc dẫn dắt liên minh này đạt được sự thống nhất về đảm bảo nguồn cung năng lượng.
Vào đầu giờ sáng nay (ngày 3/6, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 7/2022 giao dịch quanh mức 117,54 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 7/2022 giao dịch quanh ngưỡng 116,66 USD/thùng.
Trong giai đoạn vừa qua, phương Tây đã liên tục gây sức ép, yêu cầu các quốc gia thành viên OPEC cần nâng cao sản lượng khai thác hơn nữa nhằm hạ nhiệt giá dầu thô trong bối cảnh cuộc xung độ quân sự Nga – Ukraine bùng phát.
Trước thềm phiên họp ngày 2/6 của liên minh OPEC+, tờ Wall Street Journal, Financial Times và Reuters đưa tin một số thành viên của OPEC cân nhắc tạm ngừng thực hiện thoả thuận sản lượng của OPEC+ và loại Nga ra khỏi thoả thuận khai thác, mở đường cho các quốc gia như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất tăng cường sản lượng khai thác khi giá dầu thô chạm mức 125 USD/thùng giữa tuần này. Đây là mức giá cao nhất kể từ đầu tháng 3/2022.
Saudi Arabia trước đó liên tục phớt lờ đề nghị của Hoa Kỳ về việc tăng sản lượng và kiên trì tuân thủ hạn ngạch trong thoả thuận khai thác với Nga. Tuy nhiên, lo ngại giá dầu thô tăng cao có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái, ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phục hồi nhu cầu sử dụng dầu có thể đã khiến Saudi Arabia và các quốc gia trong khối OPEC thay đổi quyết định.
Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt đồng thuận cấm nhập khẩu phần lớn dầu thô từ Nga, có thể khiến nhu cầu dầu thô của EU đối với các nguồn dầu thô khác ngoài Nga tăng vọt, kéo theo đó là giá các loại dầu thô này. Do đó, OPEC cần gia tăng sản lượng để kiềm chế giá dầu thô ở mức “hợp lý”.
Hãng tin Reuters cho biết sản lượng khai thác dầu thô của Nga đã giảm 1 triệu thùng/ngày trong những tháng gần đây do các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, thông báo của liên minh OPEC+ trong ngày 2/6 không đề cập đến bất kỳ sự sụt giảm sản lượng nào của các thành viên.
Liên minh OPEC+ cho rằng nguyên nhân khiến giá dầu thô tăng vọt trong những tuần gần đây là nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu phục hồi tốt khi nhiều nền kinh tế lớn dỡ bỏ phong toả và dự báo nhu cầu của các nhà máy lọc hoá dầu sẽ tăng lên sau thời gian bảo dưỡng định kỳ.
[Quảng cáo]