Vào lúc 11h00 sáng nay ngày 8/6, giá dầu thô Brent giao tháng 8/2022 tiếp tục tăng nhẹ 0,41% lên 121,02 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 0,39% lên 119,95 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô Brent đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 31/5; trong khi đó, giá dầu thô WTI chạm ngưỡng cao nhất trong vòng 13 tuần trở lại đây.
Giá dầu thô đang được nâng đỡ nhờ lo ngại tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ còn kéo dài trong thời gian tới khi nguồn cung dầu thô từ Iran ra thị trường quốc tế khó có thể sớm tăng lên như các kỳ vọng trước đây.
Đồng thời, nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc được nhận định có thể tăng trong thời gian tới khi nước này tái mở cửa nền kinh tế. Hiện tại thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thượng Hải, trung tâm kinh tế lớn nhất Trung Quốc, đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau hơn 2 tháng phong toả, hạn chế di chuyển nghiêm ngặt.
Giới chức Hoa Kỳ cho biết phía Iran đang đặt ra nhiều điều kiện về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhắm vào nước này, khiến tiến trình đàm phán thoả thuận hạt nhân giữa các cường quốc phương Tây với Iran diễn ra chậm hơn so với dự kiến. Ngân hàng Citi (Hoa Kỳ) cũng vừa nâng mạnh dự báo giá dầu thô trong năm nay, chủ yếu do dự báo xuất khẩu dầu của Iran sẽ vẫn ở mức thấp.
Cụ thể, Citi nâng dự báo giá dầu thô Brent trung bình trong quý 2/2022 lên thêm 14 USD, đạt 113 USD/thùng, trong quý 3 và quý 4/2022 cũng tăng thêm 12 USD lên mức lần lượt là 99 USD và 85 USD/thùng. Đối với năm 2023, Citi dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt mức trung bình 75 USD/thùng, tăng 16 USD so với mức dự báo gần nhất. Trước đó, Citi nhận định nguồn cung dầu thô của Iran ra thị trường quốc tế sẽ gia tăng vào giữa năm nay.
Giám đốc điều hành của hãng giao dịch dầu hàng đầu thế giới Trafigura (Singapore) nhận định giá dầu thô có thể sớm đạt mức 150 USD/thùng trong năm nay. Trong khi đó, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nâng dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 135 USD/thùng trong nửa cuối năm nay và nửa đầu năm 2023, tăng 10 USD so với dự báo gần nhất do tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ còn kéo dài.
Nếu các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Iran được dỡ bỏ, nguồn cung từ Iran sẽ giúp tổng nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu sẽ tăng thêm 0,5 triệu thùng/ngày trong giai đoạn đầu và lên tới thêm 1,3 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích còn cho rằng sản lượng khai thác dầu thô của liên minh OPEC+ sẽ khó có thể tăng lên trong thời gian tới cho dù liên minh này đạt thoả thuận nâng đáng kể sản lượng khai thác thêm trong tháng 7 và tháng 8 tới đây. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Các nhà phân tích cho rằng trong khối OPEC, hiện chỉ còn Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Xê-út (UAE) có công suất khai thác dự phòng thực sự đủ lớn để tiếp tục nâng sản lượng khai thác thêm. Trong khi đó, sản lượng khai thác cũng như sản lượng xuất khẩu của Nga, quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.