Cụ thể, Citi nâng dự báo giá dầu thô Brent trung bình trong quý 2/2022 lên thêm 14 USD, đạt 113 USD/thùng, trong quý 3 và quý 4/2022 cũng tăng thêm 12 USD lên mức lần lượt là 99 USD và 85 USD/thùng. Đối với năm 2023, Citi dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt mức trung bình 75 USD/thùng, tăng 16 USD so với mức dự báo gần nhất.
Trong phiên giao dịch ngày 6/6, giá dầu thô Brent giao tháng 8/2022 giao dịch quanh mốc 119 USD/thùng. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent đã tăng gần 53%, chủ yếu do tình trạng suy giảm nguồn cung từ Nga dưới các biện pháp trừng phạt của phương Tây về cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine.
Citi cho biết việc nâng dự báo giá dầu thô trong thời gian tới do thị trường dầu mỏ toàn càu có thể tiếp tục đối mặt với tình trạng căng thẳng nguồn cung trong ngắn hạn khi nguồn cung dầu thô từ Iran ra thị trường quốc tế khó có thể sớm tăng lên như các kỳ vọng trước đây. Theo Citi, sự chậm trễ trong các cuộc đàm phán nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhắm vào Iran là yếu tố chính khiến nước này khó có thể tăng cường xuất khẩu dầu trong thời gian tới.
Citi nhận định việc phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu của Iran sẽ có tác động đến thị trường thế giới kể từ quý 1/2023. Nguồn cung từ Iran sẽ giúp tổng nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu sẽ tăng thêm 0,5 triệu thùng/ngày trong giai đoạn đầu và lên tới thêm 1,3 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023. Trước đó, Citi nhận định nguồn cung dầu thô của Iran ra thị trường quốc tế sẽ gia tăng vào giữa năm nay.
Đối với Nga, mặc dù sản lượng và lượng dầu xuất khẩu của Nga đang trong xu hướng giảm những tháng gần đây nhưng Citi nhận định các dự đoán rằng sản lượng dầu của Nga sẽ giảm từ 2 – 3 triệu thùng/ngày khó có thể xảy ra. Theo ngân hàng này, việc Nga chuyển hướng xuất khẩu dầu từ châu Âu sang châu Á có thể khiến sản lượng và lượng dầu xuất khẩu của nước này không giảm quá nhiều, chỉ có thể giảm trong khoảng 1 – 1,5 triệu thùng/ngày.
Cuối tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua việc cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga qua đường biển. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết các biện pháp trừng phạt mới của EU sẽ “cắt giảm khoảng 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga tới EU vào cuối năm nay".
Trước khi lệnh cấm này được thông qua, EU nhập khẩu khoảng 2,4 triệu thùng dầu/ngày từ Nga. Citi đánh giá trong số 1,9 triệu thùng dầu/ngày trước đây được Nga xuất khẩu sang EU bằng đường biển thì có khoảng 0,9 triệu thùng dầu/ngày có thể được Nga chuyển hướng thành công sang các thị trường khác như Trung Quốc, Ấn Độ. Citi cũng cho biết một phần nhỏ dầu thô của Nga có thể duy trì chỗ đứng ở một số thị trường ở châu Âu có ít khả năng tiếp cận với các nguồn cung dầu không phải từ Nga.
Bên cạnh đó, Citi nhận định tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu trên toàn cầu trong năm nay sẽ chỉ đạt 2,3 triệu thùng/ngày, thấp hơn các dự báo trước đây do tốc độ tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu chậm lại dưới áp lực lạm phát, cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine, và tình hình phong toả phòng chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Ngoài ra, việc giá dầu thô ở mức cao cũng ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu sử dụng nhiên liệu của người tiêu dùng.