Chỉ riêng trong 2 tuần vừa qua, các doanh nghiệp gạo Ấn Độ đã ký được các đơn hàng xuất khẩu với tổng khối lượng lên tới 1 triệu tấn, giao từ tháng 6 đến tháng 9/2022. Đồng thời, các đối tác nhập khẩu gạo cũng nhanh chóng hoàn thiện thủ tục mở Thư tín dụng (L/C) nhằm đảm bảo các đơn hàng sẽ vẫn được thực thi ngay cả khi Ấn Độ hạn chế hoặc tạm ngưng xuất khẩu gạo.
Ông Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành hãng xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ Satyam Balajee, cho biết “Các khách hàng quốc tế đã đặt trước đơn hàng giao hàng cho 3 đến 4 tháng tới và mọi đối tác đều đã mở L/C nhằm đảm bảo việc giao hàng được thực thi”.
Thông thường, các khách hàng nhập khẩu gạo của Ấn Độ chỉ ký hợp đồng trước thời điểm nhập từ 1 – 2 tháng và sẽ chỉ mở L/C khi họ đã chắc chắn có đơn vị nhận vận chuyển hàng.
Giới quan sát nhận định nhiều đối tác nhập khẩu gạo trên toàn cầu đang đẩy nhanh tiến độ thu mua gạo từ Ấn Độ do lo ngại nước này có thể siết chặt xuất khẩu như đã áp dụng với mặt hàng lúa mì và đường khi giá lương thực có xu hướng tăng vọt trên toàn cầu.
Việc các khách hàng quốc tế đẩy mạnh thu mua gạo Ấn Độ có thể làm giảm nhu cầu đối với gạo của Việt Nam và Thái Lan trong thời gian tới trong bối cảnh Ấn Độ đang có mức giá gạo cạnh tranh nhất trên thị trường.
Ấn Độ hiện là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với sản lượng xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 21,4 triệu tấn trong năm 2021, tăng 46% so với năm 2020. Tính từ đầu năm đến nay, nước này đã xuất khẩu được 9,6 triệu tấn gạo tương đương với cùng kỳ năm ngoái.
Hãng tin Reuters dẫn lời các thương nhân xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết nguồn cung gạo ra thị trường trong những tháng tới có thể sẽ giảm xuống do các đối tác đang đẩy mạnh thu mua ở thời điểm hiện tại.
Trước đó, vào ngày 15/5, Ấn Độ đã bất ngờ tuyên bố cấm xuất khẩu lúa mì vô thời hạn nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước và chỉ cho phép các lô hàng lúa mì có L/C được mở trước ngày 13/5 được phép xuất khẩu. Đến ngày 27/5, nước này quyết định áp hạn ngạch xuất khẩu đường trong niên vụ 2021/2022 ở mức 10 triệu tấn nhằm kìm giữ giá mặt hàng này trên thị trường nội địa. Ấn Độ hiện là quốc gia có sản lượng lúa mì lớn nhất và sản lượng đường lớn thứ hai thế giới.