Dữ liệu cho thấy giá gạo đồ loại 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ hiện đang được chào bán tại mức 350 – 354 USD/tấn, giảm nhẹ so với mức 351 – 356 USD/tấn trong tuần trước. Hãng tin Reuters dẫn lời một thương nhân xuất khẩu gạo tại thành phố Kakinada (bang Andhra Pradesh, Ấn Độ) cho biết giá gạo Ấn Độ chịu áp lực giảm chủ yếu do nguồn cung dồi dào.
Bên cạnh đó, nhiều khách hàng đang tìm kiếm loại gạo 100% tấm để thay thế ngô làm thức ăn chăn nuôi do giá ngô đang ở mức cao; qua đó, ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng các loại gạo khác. Trong khi đó, việc đồng Rupee của Ấn Độ giảm xuống mức kỷ lục so với đồng USD trong tuần trước đã giúp tăng lợi thế cạnh tranh của gạo Ấn Độ trên thị trường quốc tế.
Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Thái Lan hiện được giao dịch tại mức 450 USD/tấn, tăng so mức 430 – 445 USD/tấn trong tuần trước. Một hãng xuất khẩu gạo tại Bangkok (Thái Lan) cho biết hiện nguồn cung gạo Thái Lan trên thị trường vẫn đang dồi dào nhưng giá gạo tăng chủ yếu do giá phân bón ở mức cao khiến chi phí sản xuất tăng.
Bên cạnh đó, đồng Baht Thái đã tăng giá so với đồng USD. Trong khi đó, một thương nhân khác cho biết nhu cầu đối với gạo Thái Lan đã giảm xuống trong vài tuần gần đây vì giá gạo nước này ở mức cao, kém cạnh tranh hơn so với các đối thủ khác.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện được chào bán tại mức 415 – 420 USD/tấn, không đổi so với mức giá cách đây 1 tuần. Hãng tin Reuters dẫn lời một thương nhân xuất khẩu gạo tại TP.Hồ Chí Minh cho biết Philippines hiện vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam; tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu gạo sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ tăng lên trong thời gian tới trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) đã có hiệu lực.
Tại Bangladesh, giá gạo trong tuần vừa qua đã tăng trở lại so với một tuần trước đó cho dù nguồn cung gạo tại nước này vẫn đang ở mức tốt. Các thương nhân trên thị trường cho rằng đây là hiệu ứng từ việc giá gạo trên thị trường quốc tế tăng cao và xuất hiện lo ngại Ấn Độ có thể hạn chế xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ và một số thương nhân kinh doanh gạo tại nước này thì Ấn Độ hiện chưa có kế hoạch siết chặt hoạt động xuất khẩu gạo. Trong năm tài khoá 2021/2022 (3/2022 – 3/2022), xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã đạt mức kỷ lục 21,2 triệu tấn, cao hơn đáng kể so với mức 17,8 triệu tấn của năm tài khoá 2020/2021.
Trong niên vụ kết thúc vào tháng 6/2022, sản lượng gạo của Ấn Độ lập kỷ lục gần 130 triệu tấn, tăng hơn 8 triệu tấn so với năm ngoái. Các quan chức Ấn Độ cũng khẳng định nước này đang có lượng gạo dự trữ đủ lớn. Ấn Độ vừa qua đã hạn chế xuất khẩu đường và tạm ngưng xuất khẩu lúa mì nhằm đảm bảo nguồn cung trên thị trường nội địa.