Phát biểu trước báo chí tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thuỵ Sĩ), bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho biết WTO đang cố gắng kêu gọi các quốc gia thành viên kiểm soát chặt chẽ lương thực thay vì cấm hay hạn chế xuất khẩu.
Lời kêu gọi của bà Ngozi Okonjo-Iweala được đưa ra ngay sau khi Ấn Độ quyết định giới hạn lượng đường xuất khẩu trong niên vụ 2021/2022 chỉ ở mức 10 triệu tấn; trước đó, quốc gia này đã cấm xuất khẩu lúa mì. Ấn Độ hiện là quốc gia xuất khẩu đường và sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới. Trong ngày 25/5, Malaysia ban hành lệnh cấm xuất khẩu thịt gà kể từ ngày 1/6 cho đến khi giá cả và nguồn cung mặt hàng này trên thị trường ổn định trở lại.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh “Chúng tôi không muốn tình trạng thiếu hụt lương thực trở nên trầm trọng hơn dẫn đến giá cả hàng hoá tăng vọt. Hiện có khoảng 22 nước với 41 lệnh hạn chế hoặc cấm xuất khẩu với thực phẩm".
Tổng giám đốc WTO cũng cho biết các hàng hoá đầu vào phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp như hạt giống, phân bón tại nhiều nước cũng nằm trong diện bị hạn chế giao dịch. Tuy nhiên, hãng tư vấn thị trường Fitch Solutions (Hoa Kỳ) cho biết số quốc gia siết chặt, hạn chế hoặc cấm xuất khẩu lương thực hiện đã lên tới 30 quốc gia kể từ khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2 vừa qua.
Bà Sabrin Chowdhury, trưởng bộ phận thị trường hàng hoá của Fitch Solutions, cảnh báo thế giới đang đối mặt với việc chủ nghĩa bảo hộ lương thực ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng lương thực hồi năm 2007 – 2008. Chủ nghĩa bảo hộ lương thực được nhận định sẽ còn tăng dần trong các tháng tới đây, khiến thế giới đối mặt với rủi ro cao về một cuộc khủng hoảng lương thực quy mô toàn cầu.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala hy vọng việc WTO giám sát công khai các biện pháp kiểm soát, hạn chế xuất khẩu lương thực sẽ ngăn cản được các nước thành viên đưa ra các quyết định tương tự.
"Vì lý do an ninh lương thực, các nước có thể hạn chế xuất khẩu trong một thời gian nhưng quyết định này chỉ nên mang tính tạm thời. Điều này cũng cần có sự minh bạch và cân đối", bà Ngozi Okonjo-Iweala nói.
Trong tuần trước, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho rằng giải pháp hữu hiệu cho rủi ro khủng hoảng lương thực hiện nay là đưa Ukraine trở lại vào chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, cũng như khôi phục nguồn cung phân bón của Nga và Belarus với thị trường thế giới. Ông cho biết đang "liên hệ tích cực" với Nga và Ukraine, cũng như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm nỗ lực khôi phục hoạt động xuất khẩu lương thực về mức bình thường.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến nguồn cung cấp phân bón, lúa mỳ và các mặt hàng khác từ hai nước này bị gián đoạn, gây ảnh hưởng mạnh đến thị trường lương thực toàn cầu.