Hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ) dẫn một thông báo của Chính phủ Ấn Độ cho biết nước này sẽ tạm ngưng xuất khẩu lúa mì nhằm kìm hãm đà tăng vọt của loại ngũ cốc này trên thị trường nội địa. Lạm phát tại Ấn Độ trong tháng 4 vừa qua đã chạm mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây; giá lúa mì tại Ấn Độ hiện lên tới 465 USD/tấn, cao gần 2 lần so với mức giá hỗ trợ tối thiểu của chính phủ nước này.
Chính phủ Ấn Độ cho biết các đơn hàng xuất khẩu lúa mì theo hình thức thư tin dụng không huỷ ngang đã được ký, phát hành trước thời điểm lệnh cấm có hiệu lực vẫn sẽ được thực hiện. Bộ Lương Thực Ấn Độ kỳ vọng giá lúa mì tại quốc gia này sẽ giảm nhiệt sau khi lệnh cấm xuất khẩu có hiệu lực.
Quyết định ngưng xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ, quốc gia có sản lượng lúa mì cao thứ hai thế giới, được đưa ra trong bối cảnh nguồn cung lúa mì trên toàn cầu đã thiếu hụt trầm trọng vì cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine. Giới phân tích cảnh báo lệnh cấm của Ấn Độ sẽ gây ra cú sốc cung mới cho thị trường lúa mì nói riêng và thị trường lương thực toàn cầu. Ngoài Ấn Độ hiện không có nhà cung cấp lớn nào khác trên thị trường lúa mì.
Chuyên gia phân tích thị trường ngũ cốc Andrew Whitelaw thuộc hãng Thomas Elder Markets (Australia) cảnh báo thế giới đang bắt đầu thiếu hụt lúa mì với việc sản lượng lúa mì vụ Đông của Hoa Kỳ bị giảm vì hạn hán, nguồn cung từ Pháp đang cạn dần và nguồn cung từ Ukraine thì bị hạn chế bởi chiến tranh.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời một doanh nghiệp thương mại quốc tế có trụ sở tại Mumbai (Ấn Độ) nhận định “Lệnh cấm này thực sự gây sốc, chúng tôi cho rằng Ấn Độ sẽ chỉ hạn chế xuất khẩu sau 2 hoặc 3 tháng nữa nhưng có lẽ lạm phát đã khiến Chính phủ Ấn Độ thay đổi ý định”.
Động thái này của Ấn Độ cũng làm “nóng” thêm xu hướng bảo hộ lương thực trên thế giới kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bắt đầu. Gần đây nhiều quốc gia đã tạm ngưng hoặc kiềm chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực, thực phẩm để đảm bảo nguồn cung nội địa khi giá nông sản tăng vọt. Đầu tháng 5, Indonesia đã cấm xuất khẩu dầu cọ - loại dầu thực vật phổ biến nhất trên thế giới; Serbia và Kazakhstan cũng đã áp đặt hạn ngạch với việc xuất khẩu ngũ cốc.
Trong ngày 14/5, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Cem Oezdemir cho biết, Đức và nhóm các quốc gia G7 bày tỏ "sự lo ngại" về động thái ngừng xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ và quyết định cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia.
"Nếu tất cả chúng ta bắt đầu áp đặt những giới hạn xuất khẩu này, hoặc thậm chí đóng cửa thị trường, điều đó chỉ làm cho cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn", Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Oezdemir nói tại một cuộc họp báo ở Stuttgart (Đức). Ông Oezdemir cũng nhấn mạnh lệnh cấm xuất khẩu lúa mì sẽ gây tổn hại cho chính Ấn Độ và những người nông dân nước này.
Trước khi quyết định cấm xuất khẩu, Ấn Độ đặt kế hoạch xuất bán 10 triệu tấn lúa mì trong năm nay, nhằm tận dụng sự gián đoạn nguồn cung và mở rộng thị trường mới tại châu Âu, châu Á và châu Phi.
Sản lượng lúa mì của Ấn Độ tăng 15% trong 9 năm qua, từ 93,5 triệu tấn trong năm 2012, lên 110 triệu tấn vào năm ngoái. Nhưng tình trạng nắng nóng kéo dài đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp tại nước này. Dự kiến sản lượng lúa mì của Ấn Độ niên vụ 2022/2023 sẽ giảm còn 105 triệu tấn.