Bà Zuraida Kamaruddin, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Hàng hóa Malaysia, chia sẻ qua một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters rằng Malaysia có thể sẽ giảm 50% thuế suất thuế xuất khẩu dầu cọ của nước này, từ mức 8% hiện nay xuống còn 4 – 6% trong ngắn hạn. Hiện đề xuất này đang được Bộ Tài chính Malaysia xem xét và quyết định cuối cùng có thể được đưa ra sớm nhất vào tháng 6 tới đây.
Giới quan sát nhận định Malaysia, quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn thứ hai thế giới, đang tìm cách nâng thị phần trên thị trường dầu ăn thế giới trong bối cảnh Indonesia hiện cấm xuất khẩu dầu cọ thô và sản phẩm dầu cọ tinh chế khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung trở nên nghiêm trọng. Dầu cọ là loại dầu thực vật được sử dụng phổ biến nhất thế giới và đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp như chế biến thực phẩm, mỹ phẩm và nhiên liệu.
Giá các loại dầu thực vật trên thế giới đã tăng vọt trong hơn một năm trở lại đây do nhu cầu sử dụng tăng mạnh khi nhiều nền kinh tế tái mở cửa trở lại. Trong khi đó, diễn biến thời tiết tiêu cực và thiếu hụt lao động dưới tác động của đại dịch Covid-19 lại khiến nguồn cung nhiều loại dầu thực vật suy giảm.
Xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng nổ hồi cuối tháng 2 vừa qua đã khiến nguồn cung dầu hướng dương từ Ukraine đứt gãy. Ukraine hiện là quốc gia xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất thế giới. Tiếp sau đó, việc Indonesia ngưng xuất khẩu dầu cọ kể từ ngày 22/4 cho đến khi có thông báo mới đã đẩy tình trạng căng thăng nguồn cung dầu thực vật lên ngưỡng cao. Indonesia cho biết việc tạm ngưng xuất khẩu dầu cọ là nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa và kiềm chế đà tăng nóng của giá thực phẩm tại nước này.
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu cọ đã tăng khoảng 35% lên mức cao nhất mọi thời địa, giá dầu đậu nành cũng chạm mức cao kỷ lục với mức tăng khoảng 50%. Điều này góp phần khiến giá lương thực, thực phẩm tăng vọt những tháng vừa qua. Nhiều tổ chức kinh tế lớn cảnh báo thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực mới.
Bên cạnh việc đề xuất giảm thuế xuất khẩu, bà Zuraida Kamaruddin còn cho biết Malaysia sẽ tạm hoãn việc triển khai quy định yêu cầu người dân sử dụng dầu diesel sinh học có chứa 30% hàm lượng từ dầu cọ nhằm ưu tiên cung cấp dầu cọ cho các ngành công nghiệp thực phẩm nội địa và quốc tế. Bà Zuraida Kamaruddin nhấn mạnh “Malaysia sẽ ưu tiên cung cấp thực phẩm cho thế giới trước”.