Chính phủ Ấn Độ vừa quyết định nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, cho phép xuất khẩu trở lại các lô lúa mì đang chờ thông quan xuất khẩu. Cụ thể, Ấn Độ sẽ cho phép xuất khẩu các lô lúa mì đã được giao cho lực lượng hải quan nước này kiểm tra để xuất khẩu hoặc đã được đăng ký xuất khẩu vào hệ thống của hải quan tính đến ngày 13/5.
Các lô hàng lúa mì có thư tín dụng (LC) hoặc giấy bảo lãnh thanh toán được phát hành trước ngày 13/5 cũng sẽ được phép xuất khẩu. Ngoài ra, Ấn Độ cũng cho phép xuất khẩu lúa mì sang Ai Cập. Giới quan sát ước tính các động thái trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan khoảng 0,35 triệu tấn lúa mì tại cảng Kandla, Ấn Độ. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng số khoảng 2 – 2,2 triệu tấn lúa mì chờ xuất khẩu bị giữ lại tại các cảng của nước này.
Trước đó, vào ngày 15/5, Ấn Độ bất ngờ tuyên bố ngưng xuất khẩu lúa mì nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước khi lạm phát tại nước này chạm mức cao nhất 8 năm trở lại đây và giá lúa mì nội địa tăng cao gần gấp 2 lần so với mức giá hỗ trợ tối thiểu của chính phủ.
Nhiều nhà phân tích cảnh báo quyết định cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung lúa mì trên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn và có thể khiến nhiều quốc gia đối mặt với khủng hoảng an ninh lương thực. Nguồn cung lúa mì trên toàn cầu vốn đã suy giảm nghiêm trọng dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine.
Các Bộ trưởng Nông nghiệp thuộc Nhóm các quốc gia công nghiệp và phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã bày tỏ sự lo ngại về quyết định cấm xuất khẩu của Ấn Độ sẽ khiến giá lúa mì trên toàn cầu vốn ở mức cao kỷ lục sẽ tiếp tục tăng lên, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực.
Ấn Độ là quốc gia có sản lượng lúa mì lớn thứ hai thế giới, chiếm trên 14% tổng sản lượng lúa mì toàn cầu trong năm 2020. Phần lớn sản lượng lúa mì của Ấn Độ là nhằm phục vụ tiêu dùng trong nước. Theo Bộ Thương mại Ấn Độ, việc xuất khẩu lúa mì vẫn sẽ được phép tiến hành với các quốc gia dễ bị tổn thương thông qua các thỏa thuận giữa các Chính phủ, nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực.
Trước lệnh cấm lần này, Ấn Độ đặt kế hoạch xuất khẩu 10 triệu tấn lúa mì, trị giá 4 tỷ USD trong năm nay, nhằm tận dụng sự gián đoạn nguồn cung và mở rộng thị trường mới tại châu Âu, châu Á và châu Phi.