Trước những diễn biến dị thường chưa từng có từ trước đến này của thị trường xăng dầu do tác động của cuộc chiến giữa Nga - Ukraine và ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, Petrolimex đã làm tốt sứ mệnh bình ổn thị trường và chia sẻ với khó khăn của người dân, doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022
Tại cuộc họp bàn về những giải pháp, đối sách phù hợp cả trước mắt và lâu dài để tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội vào ngày 28/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh về tình hình thế giới đang diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ; lạm phát tăng cao đồng thời với nguy cơ giảm phát tăng kinh tế, đồng tiền của nhiều quốc gia mất giá; cạnh tranh chiến lược gay gắt.
Việc thay đổi định hướng chính sách ở nhiều nước làm thu hẹp thị trường, tác động đến các chuỗi cung ứng đã tác động tiêu cực đến nước ta trên nhiều lĩnh vực, nhất là xuất, nhập khẩu, giá xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Thủ tướng lưu ý, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, khả năng chống chịu thì có hạn, cho nên chỉ cần một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước.
Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho thấy công tác chỉ đạo điều hành xăng dầu của Chính phủ, trong đó trực tiếp là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính thời gian qua luôn quyết liệt, bám sát tình hình thực tế để đáp ứng nhu cầu xã hội, bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
Nhìn lại 6 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukraine, thị trường dầu khí biến động lớn và liên tục đảo chiều làm gián đoạn nguồn cung, khiến giá dầu thô tăng mạnh lên mức chưa từng có trong 14 năm trở lại đây; trong đó đỉnh điểm là giai đoạn cuối tháng 2 đến giữa tháng 3 khi giá dầu vượt mốc 130 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014 bất chấp xu thế chuyển đổi xăng dầu sang điện trong giao thông.
Nhu cầu xăng dầu trong khu vực tăng trở lại do hồi phục sau Covid, nguồn cung xăng dầu thành phẩm không đủ đáp ứng nhu cầu dẫn đến thiếu hụt và đẩy giá sản phẩm tăng mạnh. Thị trường thế giới giao dịch bất thường do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến mức chênh giữa giá sản phẩm và giá dầu thô trong một số phiên bị đẩy lên rất cao.
Mức cao nhất ghi nhận được là 71,69 USD/bbl vào ngày 24/6/2022 đối với DO, xăng cũng lên mức hơn 30 USD/thùng trong tháng 5-6/2022 trong khi bình thường, mức này chỉ xoay quanh 6-10 USD/thùng. Mức phụ thu cũng bị đẩy lên rất cao khoảng 8-12 USD/thùng đối với xăng, DO 0.05% ở mức +10,75 USD/bbl; DO 0.001% ở mức +14,46 USD/bbl.
Ở trong nước, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng trở lại, trong khi các Nhà máy lọc dầu trong nước hoạt động thiếu ổn định khiến cho công tác tạo nguồn, điều hành tồn kho gặp nhiều khó khăn.
Nguồn cung khan hiếm, chi phí thực tế thực tế tăng cao nhưng chưa được phản ánh kịp thời vào giá bán. Các thời điểm biên độ giá tăng lớn, một số thương nhân đầu mối/thương nhân phân phối/cửa hàng xăng dầu ngoài xã hội hạn chế bán hàng đã tạo ra áp lực lớn cho các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn như vậy nhưng Petrolimex luôn tiên phong, nghiêm túc nhất trong việc duy trì bán xăng dầu 24/7 đáp ứng kịp thời nhu cầu thiết yếu của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong thời điểm căng thẳng nhất trong Quý 1.2022, lượng xăng dầu cung ứng cho thị trường của PLX chiếm tới khoảng 70-75% nhu cầu tieu thụ của cả nước dù phải chịu thiệt thòi lớn do giá xăng dầu tạo nguồn cao hơn giá được Nhà nước công bố bán ra thị trường với độ trễ bình quân là 10 ngày (riêng chu kỳ sau Tết âm lịch độ trễ là 21 ngày, chu kỳ đầu tháng 6/2022 độ trễ là 13 ngày)…
Tác động tổng hòa của các nguyên nhân trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh xăng dầu 6 tháng đầu năm 2022 của Petrolimex, khiến cho kết quả chưa đạt kỳ vọng đề ra dù đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp.
Đến thời điểm hiện tại, tổng sản lượng xuất bán hợp nhất toàn Tập đoàn 6 tháng 2022 là 6.97 triệu m3, tấn; đạt 57,2% kế hoạch và tăng 1,1% so với cùng kỳ 2021; trong đó, bán nội địa gần 5,1 triệu m3, tấn, đạt 58,0% kế hoạch và tăng 9% so cùng kỳ 2021; Riêng kênh bán lẻ đạt hơn 3 triệu m3,tấn, đạt 57,7% kế hoạch và vượt 9% so với cùng kỳ 2021, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 59,5% tổng sản lượng bán nội địa.
Tuy nhiên, lợi nhuận hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 293 tỷ đồng giảm mạnh so với cùng kỳ và không đạt tiến độ kế hoạch; trong đó lợi nhuận kinh doanh xăng dầu lỗ 595 tỷ đồng (đã bao gồm khoản trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho của Công ty mẹ tại 30/6/2022 lên tới 1.259 tỷ đồng, nếu loại trừ tác động này lợi nhuận kinh doanh xăng dầu lãi 664 tỷ đồng đạt 56% kế hoạch và lợi nhuận hợp nhất lãi 1.552 tỷ đồng đạt 51% kế hoạch).
Trong Quý III và Quý IV tới, Petrolimex dự báo tình hình thị trường xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp, nỗi lo về suy thoái kinh tế có thể tác động làm giá dầu sụt giảm; tuy nhiên nguồn cung sản phẩm cũng có thể gián đoạn bất cứ lúc nào nếu xung đột Nga-Ukcraina bị đẩy cao, trong khi cầu xăng dầu trên thế giới vẫn duy trì ổn định ở trạng thái sau Covid và sẽ tăng khi bước vào mùa đông 2022, nguồn cung trong nước chưa đáp ứng được hết nhu cầu…
Với bối cảnh này, Petrolimex đã và sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường, kiểm soát chi phí, hướng tới các kết quả tối ưu trong hoạt động SXKD với tư cách là công cụ điều tiết cân đối lớn của Chính phủ trong năm 2022.