Phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023

Chính phủ thống nhất cho phép 12 bộ, cơ quan trung ương và 10 địa phương được tiếp tục phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 173/NQ-CP ngày 27/10/2023 về việc phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

đầu tư
Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn nước ngoài, vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vốn của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm.

Chính phủ quyết nghị thống nhất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội các nội dung như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 8796/BKHĐT-TH. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan về các thông tin, số liệu báo cáo và đề xuất. 

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan liên quan khác về tính chính xác về thông tin, đối tượng, số liệu của từng dự án.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu; chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo; chủ động báo cáo, giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo đúng quy định.

Chính phủ thống nhất cho phép 12 bộ, cơ quan trung ương và 10 địa phương được tiếp tục phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 8796/BKHĐT-TH; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để phân bổ hết số vốn kế hoạch năm 2023 được giao theo đúng quy định và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn nước ngoài, vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vốn của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển, kế hoạch đầu tư vốn nguồn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao bổ sung 92.765 triệu đồng để thực hiện Tiểu dự án 2: Đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc thuộc Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao bổ sung 20.108 triệu đồng thực hiện Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Ủy ban Dân tộc được giao bổ sung 67.027 triệu đồng thực hiện Tiểu dự án 2: Đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc thuộc Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc.

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam được giao bổ sung 3.288 triệu đồng thực hiện Tiểu dự án 2: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc nhiệm vụ truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.

Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ cũng giao bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển, kế hoạch đầu tư vốn nguồn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho 16 tỉnh (Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, Sóc Trăng, Cà Mau) để thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn.

Thanh Hà