Phát huy hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là một trong những thành tựu nổi bật nhất của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trở thành một chính sách lớn, từng bước đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng thuận lớn của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, nhân dân. Bắt đầu được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011, chi trả DVMTR chuyển hướng từ chỗ dựa vào ngân sách nhà nước, sang huy động các nguồn vốn xã hội hóa cho việc quản lý và bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

 

anh 1
Cắm biển khu vực thực hiện chi trả DVMTR - Quỹ BV&PTR tỉnh Điện Biên

Thời gian qua, chính sách chi trả DVMTR đã đi vào cuộc sống và trở thành nguồn tài chính bền vững, huy động nguồn vốn từ xã hội, giúp làm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước chi cho bảo vệ và phát triển rừng, góp phần vào gia tăng giá trị của ngành lâm nghiệp cũng như tăng trưởng GDP. Nguồn tài chính này đã góp phần trong việc quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, tạo việc làm, sinh kế bền vững cũng như nâng cao nhận thức cho người dân.

Trong 10 năm, tổng số tiền chi trả DVMTR đạt 16.422 tỷ đồng, bình quân chiếm 18,5% so với tổng đầu tư toàn xã hội vào ngành lâm nghiệp. Diện tích rừng trong lưu vực cung ứng DVMTR được chi trả tiền DVMTR rừng tăng từ gần 1,4 triệu ha năm 2011 đến năm 2020 là trên 6,5 triệu ha; chiếm 44% tổng diện tích rừng của cả nước, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 90%.

Năm 2020, cả nước thu được 2.574,03 tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ cơ sở sản xuất thủy điện, chiếm gần 90% tổng thu của cả nước; tổng diện tích rừng trong lưu vực cung ứng DVMTR được hỗ trợ quản lý bằng tiền DVMTR là 6,5 triệu ha rừng, chiếm 44% tổng diện tích rừng toàn quốc, trong đó 2,7 triệu ha của chủ rừng là tổ chức khoán quản lý bảo vệ cho 30.233 cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng, nhóm hộ và tổ chức khác.

Với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp và cấp ủy Đảng chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của các bên liên quan, hệ thống Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) cả nước đã đảm bảo thực hiện chính sách chi trả DVMTR đúng tiến độ và chất lượng, hoàn thành tốt kế hoạch nhiệm vụ.

Quỹ BV&PTR Việt Nam đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, chỉ đạo hướng dẫn hệ thống Quỹ thực hiện chính sách chi trả DVMTR; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Tổng cục Lâm nghiệp mở rộng nguồn thu DVMTR mới được quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp trình Chính phủ đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng cũng như thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).

Tiền DVMTR đã góp phần hỗ trợ công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng, chủ rừng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng trong bối cảnh dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên; đồng thời giúp cải thiện thêm thu nhập cho đồng bào nghèo, hỗ trợ cho người dân miền núi gắn bó, bảo vệ rừng, nâng cao đời sống, cải thiện sinh kế.

Hệ thống Quỹ BV&PTR đã ký được hàng nghìn hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR. Dự kiến năm 2021, kế hoạch thu tiền DVMTR đạt 2.800 tỷ đồng, đảm bảo hỗ trợ duy trì cho 6,5 triệu ha rừng trong lưu vực cung ứng DVMTR bằng nguồn tiền DVMTR.

Để phát huy hiệu quả của chính sách, trong thời gian tới, Quỹ BV&PTR Việt Nam phối hợp cùng Quỹ BV&PTR cấp tỉnh tập trung phấn đấu tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả chính sách chi trả DVMTR theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, đảm bảo thu đúng, thu đủ; chi đúng, chi đủ, kịp thời, công khai, minh bạch; tiếp tục nghiên cứu, áp dụng chuyển đổi số trong công tác thu, chi, xác định diện tích rừng, xây dựng bản đồ chi trả DVMTR; phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan đôn đốc, có phương án thu tiền DVMTR chậm nộp.

Minh Huế