Phát triển chăn nuôi theo tái cơ cấu ngành: Trường hợp ngành Chăn nuôi lợn tại Việt Nam

NGUYỄN THỊ DƯƠNG NGA (Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

TÓM TẮT:

Chăn nuôi lợn là ngành đóng góp khoảng 3/4 tổng sản lượng thịt sản xuất và đây là ngành mang lại sinh kế cho hơn 4 triệu hộ chăn nuôi nhỏ. Tái cơ cấu ngành có ý nghĩa thiết thực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng trong ngành. Bài viết này nhằm đánh giá thực trạng phát triển chăn nuôi lợn theo xu thế tái cơ cấu ngành tại Việt Nam và đề xuất một số giải phát phát triển chăn nuôi lợn trong thời gian tới.

Từ khóa: Tái cơ cấu, nông nghiệp, chăn nuôi lợn.

1. Đặt vấn đề

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực (bao gồm cả an ninh dinh dưỡng) vềtrước mắt và lâu đài, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo. Bên cạnh đó, chú trọng tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính và các tác động tiêu cực khác đối với môi trường. Chăn nuôi là ngành quan trọng đóng góp vào sinh kế của hơn 9 triệu hộ nông dân trong cả nước, trong đó chăn nuôi lợn đóng góp khoảng 3/4 tổng sản lượng thịt sản xuất và mang lại sinh kế cho hơn 4 triệu hộ chăn nuôi nhỏ. Bài viết này nhằm mục đích đánh giá thực trạng một số kết quả chính trong thực hiện tái cơ cấu trong chăn nuôi lợn, qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện thành công tái cơ cấu ngành trong thời gian tới.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng hoàn toàn số liệu thứ cấp thu thập từ Tổng cục Thống kê, báo cáo chăn nuôi lợn của các cơ quan, tổ chức liên quan và tổng quan tài liệu từ các nghiên cứu trước. Phương pháp sử dụng phân tích số liệu là thống kê mô tả và so sánh.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Tình hình phát triển chăn nuôi lợn theo tái cơ cấu ngành Chăn nuôi

Đề án tái cơ cấu ngành Chăn nuôi được phê chuẩn bằng Quyết định số 984/QĐ-BNN-CN ngày 9/05/2014, kèm theo đó là các giải pháp và chính sách được thực thi. Trong chăn nuôi lợn, các giải pháp cụ thể đi kèm khá đa dạng, trong đó có việc rà soát, quy hoạch lại các vùng chăn nuôi lợn gắn với an toàn dịch bệnh, kiểm soát môi trường; nâng cao chất lượng đàn giống. Các chính sách hỗ trợ bao gồm xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống văn bản quyphạm pháp luật ngành Chăn nuôi, chính sách đất đai ưu tiên quỹ đất quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung. Đa dạng các hình thức và phương thức tín dụng và đơn giản hóa thủ tục hành chính để các tổ chức và cá nhân dễ dàng tiêu thụ sản phẩm trong nước vàxuất khẩu. Một số chỉ tiêu định lượng trong đề án được thể hiện ở Bảng 1. Theo đó, có sự chuyển dịch cơ cấu đàn lợn theo khu vực, giảm đàn lợn ở vùng đồng bằng sông Hồng từ 25,74% năm 2013 xuống 15% năm 2020; Cơ cấu sản lượng thịt lợn hơi giảm từ 74,2% xuống 62% vào năm 2020, song sản lượng thịt lợn tăng 40%-60%.

Tới thời điểm hiện tại có thể thấy sự phát triển chăn nuôi lợn theo hướng tái cơ cấu ngành như sau:

Thứ nhất, chuyển dịch phương thức chăn nuôi: Trong đề án khuyến khích phát triển các phương thức chăn nuôi thích hợp với các điều kiện chăn nuôi như hệ thống chuồng kín, chuồng hở, chăn nuôi áp dụng đệm lót sinh học. Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, tới năm 2014, song song với hoàn thiện công nghệ và nhân rộng, mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học đã được triển khai trên 40 tỉnh/thành phố, với 5,47 triệu m2 đệm lót sinh học. Việc áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn đã được triển khai thí điểm ở nhiều địa phương trong cả nước như Hà Nam, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Bình Phước ở cấp hộ và các doanh nghiệp. Đệm lót sinh học đã chứng tỏ các ưu việt song cũng còn một số vấn đề hạn chế như thói quen chăn nuôi của hộ và kết cấu chuồng trại sẵn có, nhiệt độ cao trong mùa hè ảnh hưởng tới sinh trưởng của đàn lợn. Việc tiếp cận kỹ thuật làm đệm lót sinh thái cho người chăn nuôi chưa phải lúc nào, nơi nào cũng thuận lợi nhất là các hộ chăn nuôi ở vùng sâu, vùng xa.

Thứ hai, phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng chăn nuôi công nghiệp, cókiểm soát: Việc chuyển dịch các hình thức chăn nuôi từ quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn hơn vẫn đang diễn ra, vào năm 2011 chỉ có 3.293 trang trại chăn nuôi lợn và con số này đã tăng lên 14.481 vào năm 2016, tăng trưởng mạnh mẽ nhất so với các loại hình trang trại khác và cũng chiếm cơ cấu lớn nhất so với các loại hình khác.

Trong thời gian gần đây, xu hướng chăn nuôi theo hình thức công nghiệp cũng gia tăng như ở các tập đoàn lớn như CP, DABACO xây dựng các trang trại chăn nuôi tập trung áp dụng công nghệ cao hoặc chăn nuôi khép kín.

Thứ ba, về phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong đó có áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP). Tính đến hết năm 2015, đã có 11.201 hộ chăn nuôi lợn tự nguyện tham gia áp dụng quy trình này và đã được tập huấn tại các vùng thực hiện VietGAHP, trong đó có khoảng 7000 lượt hộ đã được cấp chứng chỉ. Lợi ích của áp dụng VietGAHP là tăng năng suất chăn nuôi, giảm tỷ lệ dịch bệnh trong chăn nuôi lợn nông hộ. Cụ thể là giảm thời gian vỗ béo đối với lợn thịt khoảng 17% (từ 135 ngày xuống 112 ngày), giảm tỷ lệ chết của lợn trong giai đoạn vỗ béo từ 15% xuống còn 4,62%. Điều này cũng đồng nghĩa với giảm chi phí và nâng cao chất lượng thịt, cải thiện thu nhập cho người chăn nuôi và nâng cao sức cạnh tranh của ngành thịt lợn. Ngoài các lợi ích về kinh tế, đã có sự thay đổi về nhận thức và thực hành của nông dân trong chăn nuôi lợn nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh và tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm, ví dụ như giữ gìn vệ sinh bằng cách thực hiện khử trùng, ngừng sử dụng thuốc kháng sinh cho lợn trước khi xuất chuồng theo đúng thời gian quy định. Ngoài ra, môi trường chăn nuôi được cải thiện rõ rệt thông qua sử dụng hầm biogas trong xử lý chất thải chăn nuôi. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã được nâng cao rõ rệt với kết quả các mẫu thịt lợn VietGAHP không có tồn dư kháng sinh hay hormone tăng trưởng, so với con số 15% mẫu với chăn nuôi thông thường trước đó.

Thứ tư, chuyển dịch theo vùng sinh thái: Xu hướng này dịch chuyển cơ cấu đàn lợn theo vùng sinh thái diễn ra khá chậm, tới hết năm 2015 thì cơ cấu đàn lợn vùng đồng bằng sông Hồng vẫn là 25,44%, vùng Đông Nam Bộ là 11,14% và vùng đồng bằng sông Cửu Long là 12,9% (tăng so với mục tiêu), vùng Trung du miền núi phía Bắc có sự dịch chuyển nhẹ lên 24,65%, vùng Tây Nguyên giảm còn 6,48%.

Thứ năm, tái cơ cấu vật nuôi và chuyển dịch chất lượng đàn vật nuôi. Mục tiêu của tái cơ cấu ngành Chăn nuôi là giảm sản lượng thịt lợn hơi xuống còn 62% vào năm 2020 (Bảng 1). Sự chuyển dịch này khá chậm, với con số của năm 2015 ước tính 73%. Cơ cấu đàn lợn đã có sự thay đổi và tiến bộ về giống. Năm 2013, tỷ lệ ltỷ nái ngoại là 19,8% và mục tiêu là đạt 30-33% vào năm 2020, song thực tế tỷ lệ này đã tăng lên 20,4% vào năm 2014 và đạt 22,4% vào năm 2015. Trong các cơ sở sản xuất giống lớn, lợn ngoại chiếm khoảng 93%, lợn lai chiếm 5,6% và lợn nội chiếm dưới 2%.

Thứ sáu, chuyển dịch liên kết trong sản xuất và tái cơ cấu theo chuỗi giá trị, ngành hàng. Hiện trạng sản xuất nhỏ lẻ trong nông hộ vẫn đang phổ biến và liên kết giữa các hộ này trong chuỗi khá lỏng lẻo. Tuy nhiên gắn với các mô hình chăn nuôi lợn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAHP), đã xuất hiện các chuỗi thực phẩm từ nông trại tới bàn ăn như chuỗi thịt lợn Bảo Châu, chuỗi thịt sinh học Xuka, chuỗi thịt lợn Lebio, chuỗi thịt lợn Nam Hà Nội. Đã hình thành chuỗi cung cấp sản phẩm thịt an toàn với hơn 14.000 hộ áp dụng quy trình VIETGAHP trong chăn nuôi, đi qua các lò mổ và hệ thống chợ bán lẻ/cửa hàng được nâng cấp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đề án tái cơ cấu ngành Chăn nuôi cũng đặt ra mục tiêu xuất khẩu thịt lợn hơi đạt 1 triệu tấn vào năm 2020, tuy vậy cho đến nay lượng thịt lợn xuất khẩu của Việt Nam rất hạn chế, chủ yếu là tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Cục Chăn nuôi đưa ra con số ước tính xuất khẩu trên50 ngàn tấnnăm2014 và 75 - 80 nghìn tấn năm 2015.Tuy vậy, cuối năm 2016, xuất khẩu đi Trung Quốc đã giảm mạnh và đẩy giá giảm sâu xuống mức kỷ lục, thậm chí xuống dưới 25.000 đ/kg.

Hình 1: Diễn biến giá lợn hơi tại miền Nam, 2013 - 2017

3.2. Các tồn tại, thách thức đối với chăn nuôi lợn trong bối cảnh tái cơ cấu ngành Chăn nuôi

Mặc dù chăn nuôi lợn đã đạt được những thành công bước đầu trong thực hiện tái cơ cấu ngành, nhưng vẫn còn các tồn tại và hạn chế sau. Thứ nhất, chăn nuôi nông hộ vẫn là kiểu hình chăn nuôi phổ biến với quy mô nhỏ, phân tán nên kiểm soát dịch bệnh và khả năng liên kết trong chuỗi cũng như đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y là yếu kém. Thứ hai, liên kết trong ngành hàng chăn nuôi lợn còn yếu, mới chỉ xuất hiện ở những trang trại hoặc cơ sở chăn nuôi lớn, hợp đồng gia công hoặc các nhóm/ HTX sản xuất thịt lợn an toàn. Thứ ba, các chính sách và hỗ trợ trong phát triển ngành Chăn nuôi lợn hướng chủ yếu tới sản xuất mà chưa chú trọng tới phát triển tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Điều này có thể thấy qua mục tiêu phát triển năm 2020 tăng quy mô đàn lợn lên 30 - 50% so với năm 2013, tuy nhiên đàn lợn tính tới thời điểm tháng 4/2017 đạt 28.911.285 con, tăng 10% so với năm 2013 nhưng dư cung đã khiến giá thịt lợn giảm tồi tệ nhất trong vòng 4 năm qua (Hình 1).

Thứ tư, việc áp dụng hệ thống quản lý kiểm soát nguy cơ ô nhiễm đất và chất thải chăn nuôi cũng như phát triển nguồn năng lượng từ biogas còn hạn chế, vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi phổ biến, gây ra các vấn đề liên quan sức khỏe con người, vật nuôi và vấn đề xã hội ở khu vực nông thôn.

Thứ năm, năng suất chăn nuôi của Việt Nam còn thấp, chi phí không cạnh tranh, điển hình là nhập khẩu thịt lợn đã gia tăng từ 1,7 triệu USD năm 2010 tới 8,8 triệu USD năm 2014. Ngoài ra vấn đề nhập khẩu (lậu) thịt kém phẩm chất vừa làm giảm tính cạnh tranh của thịt lợn trong nước cũng như nguy cơ mất an toàn thực phẩm cho người dân. Trong thời gian tới, cùng với xu thế hội nhập kinh tế với hiệp định TPP, các thay đổi về nhu cầu thịt lợn do cấu trúc và quy mô dân số, nhận thức về an toàn thực phẩm, cũng như thay đổi phong cách sống sẽ là các thách thức cơ bản cho ngành Chăn nuôi lợn của Việt Nam.

Thứ sáu, thông tin thị trường (cung - cầu) sản phẩm thịt nói chung và thịt lợn nói riêng ở Việt Nam còn chưa thống nhất và bất đối xứng. Các số liệu ước tính mức tiêu dùng thịt lợn bình quân/người rất khác nhau giữa nhiều nguồn số liệu (Tổng cục Thống kê, USDA, FAO), số liệu xuất khẩu lợn qua biên giới cũng chưa chính xác do tính chất tiểu ngạch. Thông tin về chất lượng sản phẩm chưa rõ ràng và thiếu niềm tin của người tiêu dùng. Điều này dẫn tới dự báo thị trường thịt lợn rất khó khăn và khó có thể cung cấp được các khuyến nghị với người chăn nuôi.

4. Kết luận và một số giải pháp đề xuất

Tái cơ cấu ngành Chăn nuôi lợn trong thời gian qua đã đạt được những thành công đáng kể trên cả phương diện tổ chức kinh tế, kỹ thuật. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại cơ bản liên quan tới sản xuất quy mô nhỏ, liên kết yếu, các chính sách hỗ trợ chăn nuôi chưa hướng nhiều tới tiêu thụ sản phẩm, ô nhiễm môi trường, năng suất chăn nuôi thấp và giá thành cao và thông tin thị trường bất đối xứng. Nhằm thực hiện thành công phát triển chăn nuôi lợn theo đề án tái cơ cấu ngành trong thời gian tới, một số giải pháp sau đây được đề xuất. Thứ nhất, trong thời gian tới vẫn cần hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhỏ có tiềm năng phát triển lên quy mô lớn hơn, các hỗ trợ chính sách đất đai, tín dụng, đào tạo tập huấn và tổ chức liên kết các hộ này. Thứ hai, cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi và chế biến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; hỗ trợ liên kết với các doanh nghiệp thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã theo chuỗi giá trị. Thứ ba, chính sách phát triển tăng đàn cần có sự điều chỉnh mục tiêu gắn với thị trường tiêu thụ vì hiện tại cung đã vượt tiêu dùng trong nước. Thứ tư, cần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi như con giống, thức ăn, thuốc thú y, kinh doanh giết mổ và bán lẻ thịt, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, vấn đề an toàn thực phẩm; cần kiểm soát chất lượng thịt nhập khẩu để đảm bảo cạnh tranh công bằng trên thị trường. Thứ năm, khuyến khích doanh nghiệp chủ động đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi và nghiên cứu phát triển nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài và tăng cạnh tranh. Thứ sáu, cần cải thiện công tác dự báo thị trường chăn nuôi một cách chính xác, kịp thời. Đây chính là cơ sở cho tất cả các mục tiêu cũng như hoạt động của đề án tái cơ cấu ngành Chăn nuôi nói chung và phát triển chăn nuôi lợn nói riêng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi (2014). Quyết định số 984/ QĐ-BNN-CN của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt đề án “Tái cơ cấu ngành Chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

2. Dự án LIFSAP (2016). Báo cáo tổng quan triển khai phát triển chăn nuôi nông hộ trong dự án LIFSAP.

3. Nguyễn Đăng Vang (2015). Một số vấn đề cần quan tâm khi tái cơ cấu ngành Chăn nuôi.

4. Nguyen Thi Duong Nga, Ho Ngoc Ninh, Pham Van Hung, M Lucila Lapar (2014). The Pig Value Chain in Vietnam: A Situational Analyis Report. ILRI (Research Report). Nairobi, Kenya: ILRI.

5. Nguyễn Văn Giáp (2016). Thị trường chăn nuôi Việt Nam - Thay đổi cấu trúc để nâng cao cạnh tranh. NXB Hồng Đức.

6. Thủ tướng Chính phủ (2013). Quyết định số 899/QĐ - TTg về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

7. Thông báo số 2560 TB-BNN-VP (2014). Thông báo ý kiến kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại Hội nghị toàn quốc về “Tổng kết kinh nghiệm và kết quả sau 3 năm áp dụng mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi 2011 - 2013”.

8. Tổng cục Thống kê (2016). Báo cáo sơ bộ kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016.

9. Tổng cục Thống kê (2017). Số liệu thống kê về nông lâm thủy sản

LIVESTOCK DEVELOPMENT

IN THE CONTEXT OF AGRICULTURE RESTRUCTURING:

CASE OF PIG PRODUCTION IN VIETNAM

● NGUYEN THI DUONG NGA

Faculty of Economics and Rural development,

Vietnam National University of Agriculture

ABSTRACT:

Pig production contributes about three-fourths of Vietnams meat production and it is also the livelihood of more than 4 million smallholders. Restructuring agriculture sector is important in order to improve productivity, quality, competitiveness and added value in the sector. This paper aims to evaluate the development of pig production in the context of agriculture restructuring in Vietnam and propose key solutions to develop pig production in the coming time.

Keywords: Restructuring, agriculture, pig production.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây