Phê duyệt Đề án “Tổ chức Hội thảo trao đổi về một số vấn đề trong Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi”

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1767/QĐ-BCT ngày 05 tháng 09 năm 2022 Phê duyệt Đề án “Tổ chức Hội thảo trao đổi về một số vấn đề trong Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi”.
nguoi tieu dung
Phê duyệt Đề án “Tổ chức Hội thảo trao đổi về một số vấn đề trong Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi”

Hội thảo nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi, trên cơ sở trao đổi với Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC), Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD).

Hội thảo dự kiến tiếp thu những đóng góp, ý kiến của chuyên gia đến từ Úc, và chuyên gia từ các tổ chức, cá nhân liên quan tham dự chương trình để kiện toàn các điều khoản của Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi trước khi Quốc hội họp ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011.

Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cùng với đó, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Vì vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tại Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27 tháng 7 năm 2021, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trong đó có dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi với kế hoạch trình Quốc hội chi ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Dự án Luật xác định các nguyên tắc xây dựng cơ bản, gồm: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của xã hội, có sự kế thừa, phát triển các quy định hiện hành, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệp quốc tế phù hợp với điều kiện tại Việt Nam; bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên cơ sở tăng cường nhận thức và năng lực tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Để thực hiện mục đích trên, việc tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết cho việc xây dựng và đổi mới pháp luật hiện hành.

 

Thanh Xuân