Phú Thọ phát triển chè thành ngành kinh tế chủ lực

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất chè, xây dựng ngành chè thành ngành hàng chủ lực có giá trị gia tăng cao, ngày 10/8/2022 UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 3092/KH-UBND về phát triển chè trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025.

Phát triển cây chè trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2021 đã đạt kết quả quan trọng: năng suất, sản lượng chè tăng cao so với năm 2015; đến hết năm 2021, diện tích chè toàn tỉnh đạt 15,4 nghìn ha, năng suất chè búp tươi đạt 122,5 tạ/ha, tăng 18% (+18,8 tạ/ha), sản lượng chè búp tươi đạt 185,2 nghìn tấn, tăng 14% (+22,8 nghìn tấn) so với năm 2016. Tư duy, nhận thức về phát triển sản xuất hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm của người dân có nhiều chuyển biến tích cực; diện tích các vùng sản xuất tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị được mở rộng, hình thành và phát triển 142 vùng sản xuất chè xanh tập trung với diện tích 3,25 nghìn ha; tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất chè được ngày càng được nhân rộng đã góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Hệ thống cơ sở chế biến chè ngày càng phát triển, với sản lượng chế biến bình quân khoảng 60 nghìn tấn/năm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu; cơ cấu sản phẩm chè qua chế biến có sự dịch chuyển theo hướng tăng tỷ lệ chè xanh và chè khác (chè ô long, chè ướp hương, chè Matcha,...) chiếm khoảng 30%; công tác quản lý, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu chè ngày càng được quan tâm.

Nhà máy chè
Công ty TNHH MTV Thế hệ mới sản xuất chè Cozy có trụ sở tại Phú Hộ, tỉnh phúc Thọ

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển sản xuất chè còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác chỉ đạo của một số địa phương còn chưa được quan tâm, chưa xác định vùng sản xuất hàng hóa để tập trung chỉ đạo; sản xuất qui mô nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, nhận thức về sản xuất hàng hóa, an toàn thực phẩm còn hạn chế; liên kết giữa phát triển vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến thiếu chặt chẽ, đa số tiêu thụ qua thương lái, không có hợp đồng, còn tình trạng tranh mua, tranh bán chè nguyên liệu; việc áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác còn hạn chế, năng suất, chất lượng chè còn thấp, chưa đảm bảo an toàn thực phẩm; tỷ lệ cơ cấu giống chè phục vụ chế biến chè xanh chất lượng cao còn thấp, sản phẩm chủ yếu là chè đen, sản phẩm chế biến chủ yếu xuất thô, giá bán thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao; hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn mang tính hình thức, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ còn khó khăn.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất chè, xây dựng ngành chè thành ngành hàng chủ lực có giá trị gia tăng cao, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã Ban hành Kế hoạch phát triển chè trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022- 2025, với mục tiêu cơ cấu lại ngành chè theo hướng tăng cường liên kết, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả các hình thức doanh tổ chức sản xuất, hình thành và phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng; Ứng dụng khoa học công nghệ đồng bộ trong các khâu từ sản xuất, đến chế biến góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất; sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP, hữu cơ…), xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm và phát triển bền vững; tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; Tăng cường liên kết phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, trong đó tập trung rà soát quỹ đất Công ty lâm nghiệp trực thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam bàn giao về cho tỉnh quản lý, thu hút đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chè xanh chất lượng cao gắn với chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ chè; chú trọng cải tạo vùng nguyên liệu chè hiện có, trồng bổ sung thay thế diện tích chè cằn xấu bằng các giống có chất lượng cao phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Chè Phú Thọ
Năm 2020, nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ” đã được cấp văn bằng bảo hộ

Để hoàn thành mục tiêu, Tỉnh Phú Thọ tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường liên kết theo hợp đồng giữa doanh nghiệp chế biến với hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo sự ổn định, đủ nguyên liệu chè tươi cho chế biến thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến chè theo công nghệ mới, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến (HACCP, ISO), kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè; hình thành, phát triển các chuỗi sản xuất bền vững, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt, đưa khoa học công nghệ, trình độ quản trị và kinh tế số vào chuỗi giá trị.

Đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, các quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ, áp dụng công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; Áp dụng công nghệ sau thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm, ưu tiên chế biến tinh, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm (chè xanh chất lượng cao, chè Ô long, matcha, nước uống đóng chai từ chè phẩm đối với chè nguyên liệu phục vụ nhu cầu chế biến; Xây dựng các mô hình thử nghiệm, hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăm sóc, thâm canh, sản xuất chè an toàn đảm bảo tính toàn diện, tổng thể theo chuỗi giá trị; thường xuyên theo dõi, đánh giá khuyến cáo các giống chè có năng suất, chất lượng cao phù hợp với từng vùng, địa phương, phù hợp với mục đích chế biến chè xanh, chè đen và thị trường tiêu thụ; Tăng cường hợp tác với các Trường đại học, các Viện, Trung tâm ...

Chè Sông Lô
Dây chuyền sản xuất chè đen tại Công ty Chè Sông Lô

Nâng cao năng lực dự báo, đánh giá về thị trường tiêu thụ, kịp thời cung cấp thông tin về thị trường để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân năng lực tiếp cận thị trường (thiết lập mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, bảo hộ thương hiệu...); Xây dựng hệ thống cung ứng chè theo hướng hiện đại, kết nối được sản xuất với phân phối, tiêu dùng nông sản thành chuỗi giá trị, ổn định và bền vững; củng cố, phát triển các điểm, các kênh phân phối chính thức và uy tín như cửa hàng giới thiệu sản phẩm, siêu thị, sàn giao dịch thương mại điện tử, hình thành hệ thống bán buôn, bán lẻ; đẩy mạnh quảng bá và bán hàng trên mạng xã hội (Facebook, zalo...); Tích cực tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm chè Phú Thọ tại các lễ hội, hội chợ; tổ chức các Lễ hội chè, Tuần lễ văn hóa chè Đất Tổ… gắn với các sự kiện quan trọng của tỉnh; biên tập, xây dựng các ấn phẩm, tập san giới thiệu, quảng bá chè Phú Thọ; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và nghiên cứu, tiếp cận các thị trường xuất khẩu như: Nga, Đài Loan, Nhật Bản, các nước Eu, Pakistan……

Hỗ trợ tạo lập, quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè trên cơ sở đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tăng cường xúc tiến việc xây dựng, đăng ký nhãn mác hàng hoá, chuẩn hoá chất lượng sản phẩm để các doanh nghiệp chế biến chè của tỉnh được gắn “thương hiệu Quốc gia chè Việt Nam”; đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ Nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ” tại một số thị trường nước ngoài tiềm năng như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước Trung đông.

UBND tỉnh giao Sở Công Thương Phú Thọ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, khai thác, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiềm năng, đồng thời khai thác tốt các thị trường truyền thống; đề xuất các giải pháp để khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến theo hướng làm chủ công nghệ tiên tiến, gắn với thị trường tiêu thụ ổn định.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 57 cơ sở chế biến chè có công suất chế biến trên 1 tấn chè búp tươi/ngày, trong đó có 21 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACCP; 14 HTX, 18 làng nghề, trên 800 cơ sở chế biến chè thủ công hộ gia đình, có 18 sản phẩm chè đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên, trong đó có 10 sản phẩm chè hạng 4 sao. Năm 2020, nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ” đã được cấp văn bằng bảo hộ góp phần nâng cao uy tín, giá trị kinh tế, sức cạnh tranh của các sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh; hiệu quả sản xuất chè ngày càng được nâng cao, nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu từ cây chè, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương.

Nguyên Vỵ