Phú Thọ: Phát triển KCN, CCN đóng vai trò then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững

Phát triển KCN, CCN đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 4/7 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút được trên 155 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 12.555 tỷ đồng và 969 triệu USD.

Đầu tư phát triển mạnh mẽ vào các KCN, CCN nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước được coi là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, đồng thời cũng là hướng đi phù hợp, góp phần để thực hiện mục tiêu sớm đưa Phú Thọ cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.

Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển các KCN, CCN giai đoạn 2016-2020.

Theo quy hoạch phát triển, tỉnh sẽ có 7 Khu công nghiệp, diện tích 2.256 ha và 28 cụm công nghiệp, diện tích 1.368,39 ha. Các KCN, CCN đều được bố trí ở nơi có giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường thủy và đường sắt. Các khu được kết nối với nút lên xuống của đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 32C và Quốc lộ 2; thông thương với thủ đô Hà Nội, Cảng Hải phòng; các tỉnh Tây Bắc và tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.

Giai đoạn 2016- 2020, tỉnh Phú Thọ huy động được 3.741 tỷ đồng, đã đầu tư hoàn thành 1.247,8 ha, chiếm 33% diện tích . Đến hết năm 2020 có 4/7 KCN đã triển khai theo quy hoạch được duyệt, tỷ lệ lấp đầy các khu, CCN đạt >60%;

Luỹ kế đến hết năm 2020, đã thu hút được 155 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 12.555 tỷ đồng và 969 triệu USD. Một số dự án quy mô lớn, vốn đăng ký trên 2.000 tỷ đồng và trên 100 triệu USD, có 02 dự án công nghệ cao. Trong đó có 120 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Các KCN của tỉnh đã tạo ra không gian kinh tế góp phần thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào địa phương, góp phần đáng kể trong dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất công nghiệp, việc phát triển các KCN đã thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ.

Đối với CCN, đã có 21 CCN được thành lập trong tổng số 28 CCN trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích quy hoạch là 1.023,02 ha. Có 23/28 CCN có quy hoạch chi tiết xây dựng CCN được phê duyệt, trong đó diện tích đất công nghiệp 634,74 ha.

Cùng với sự phát triển của CCN, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các địa phương có CCN cũng đã có bước phát triển mạnh. Sự hình thành và phát triển các CCN có vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển đô thị, đồng thời sự phát triển các khu chức năng khác của đô thị có tác dụng thúc đẩy công nghiệp hoá nhanh hơn và hoàn thiện đô thị.

KCN,CCN
Phát triển KCN, CCN đóng vai trò then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho tỉnh Phú Thọ

Việc phát triển các KCN, CCN đã làm thay đổi quy mô công nghiệp của tỉnh so với nhiều năm trước. Với nhiều dự án mới đi vào hoạt động trong các khu, CCN đã làm tăng năng lực và quy mô của một số ngành sản xuất như vật liệu xây dựng, điện tử, sản xuất thép, chế biến nông sản, thực phẩm; tăng giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm và góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Đầu tư phát triển mạnh mẽ vào các KCN, CCN nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước được coi là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, đồng thời cũng là hướng đi phù hợp, góp phần để thực hiện mục tiêu sớm đưa Phú Thọ cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.

Mục tiêu phát triển KCN, CCN đến năm 2025

Mục tiêu phát triển KCN,CCN đến năm 2025 của tỉnh Phú Thọ là phát triển các KCN, CCN với quy mô phù hợp theo từng giai đoạn nhằm định hướng quỹ đất, phát triển hạ tầng cơ sở trọng điểm vào những khu vực có tiềm năng, đáp ứng nhu cầu mở rộng mặt bằng sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư, khoa học công nghệ, giải quyết việc làm và bảo vệ môi trường; gắn sản xuất với thị trường, vùng nguyên liệu;

KCN,CCN
Mục tiêu đến năm 2025 của tỉnh Phú Thọ là phát triển các KCN, CCN với quy mô phù hợp

Phấn đấu diện tích đất công nghiệp cho thuê năm đến năm 2025 đạt khoảng 700-760 ha. Hình thành một số khu vực trọng điểm trong các KCN để phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ đóng góp trong chuỗi liên kết sản xuất và các ngành công nghiệp ưu tiên mang tính đột phá dọc các tuyến trục giao thông quan trọng kết nối với các cảng biển, sân bay và cửa khẩu; tập trung lấp đầy và rà soát lựa chọn các loại hình KCN thích hợp đối với các KCN đã xây dựng.

Tiếp tục tập trung  phát triển các ngành công nghiệp chế biến – chế tạo như: chế biến nông, lâm sản – thực phẩm, hàng tiêu dùng, giấy, vật liệu xây dựng; công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo máy, vật liệu xây dựng mới, hóa – dược phẩm, chế biến thực phẩm, may mặc,…

Đối với các CCN: Diện tích đất công nghiệp cho thuê năm đến 2025 đạt khoảng 700-710ha. Phát triển các CCN gắn với công nghệ tiên tiến dựa trên các đặc trưng và thế mạnh của từng địa phương, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp đồng thời tạo hạt nhân thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở các địa phương, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Phân bố không gian các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Vùng công nghiệp động lực trung tâm: Phát triển các KCN, CCN của Tỉnh tập trung ở vùng “Công nghiệp động lực” gồm thị xã Phú Thọ và các huyện Thanh Ba, Cẩm Khê, Phù Ninh và Tam Nông nhằm phát huy thế mạnh về vị trí địa lí và khả năng kết nối liên tỉnh thông qua 2 tuyến đường bộ cao tốc, đường sắt và đường sông.

Thị xã Phú Thọ là hạt nhân của tiểu vùng, ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, lựa chọn những ngành có công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao, có cam kết chuyển giao công nghệ, phát triển các hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Ở các địa phương còn lại, các ngành công nghiệp có triển vọng thu hút là chế biến thực phẩm – đồ uống, chế biến nông, lâm sản, dệt may, da giày, điện tử,…

KCN,CCN
Giai đoạn 2021-2025, Phú Thọ phát triển các KCN, CCN gắn với công nghệ tiên tiến dựa trên các đặc trưng và thế mạnh của từng địa phương

Vùng công nghiệp Tây Bắc: Phát triển các KCN, CCN tại vùng “Công nghiệp Tây Bắc” gồm các huyện Đoan Hùng, Hạ Hòa dựa trên lợi thế về giao thông tương đối thuận lợi (nhưng vị trí cách xa thủ đô Hà Nội và các cảng biển hơn so với vùng “Công nghiệp động lực”).

Tại các địa bàn này hiện nay mới có các CCN đi vào hoạt động trong khi các KCN chưa được hình thành. Các ngành công nghiệp khuyến khích thu hút vào các KCN, CCN ở khu vực này bao gồm sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm - đồ uống, chế biến chè, thức ăn gia súc, chế biến gỗ,...

Vùng công nghiệp Tây Nam: triển các KCN, CCN tại vùng “Công nghiệp Tây Nam” gồm các huyện Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn là địa bàn khó khăn trong phát triển công nghiệp nói chung và các KCN, CCN nói riêng do hạn chế về giao thông kết nối. Trong giai đoạn trước mắt cân ưu tiên phát triển hình thức CCN gắn với các hoạt động chế biến nông lâm sản, thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng (gạch xây dựng các loại), cơ khí…

Các khu vực Tp Việt Trì, huyện Lâm Thao và huyện Thanh Thủy hạn chế hình thành mới và phát triển các KCN, CCN do ưu tiên quỹ đất cho phát triển đô thị, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Phát triển KCN, CCN đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 4/7 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút được trên 155 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 12.555 tỷ đồng và 969 triệu USD. Một số dự án quy mô lớn, vốn đăng ký trên 2.000 tỷ đồng và trên 100 triệu USD, có 02 dự án công nghệ cao. Trong đó có 120 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. 18 CCN đã và đang đi vào hoạt động, thu hút được trên 130 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh vào các CCN (gồm 99 dự án trong nước và 31 dự án FDI), số vốn đăng ký đạt trên 6,1 nghìn tỷ đồng, diện tích đã đăng ký thuê là 490,3 ha. Trong đó, số dự án thực hiện là 106 dự án, với diện tích đất đã cho thuê là 254,3 ha và đã có 103 dự án đã đi vào sản xuất với tổng số vốn đầu tư đạt trên 4 nghìn tỷ đồng, tạo ra giá trị sản xuất đạt trên 11.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách 1.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho trên 14 nghìn lao động.

Phát triển các KCN, CCN đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh Phú Thọ nhờ nâng cao hiệu quả sử dụng đất, kết cấu hạ tầng, nguồn lao động và nguyên liệu tại chỗ, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường từ đó góp phần nâng cao thu nhập của người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho Tỉnh.

 

Nguyên Vỵ