Đã qua giai đoạn khó khăn, sản lượng điện sẽ tăng mạnh trong năm 2024
Trong bối cảnh nguồn cung khí đầu vào tại khu vực Đông Nam Bộ đang suy giảm nhanh do trữ lượng khai thác còn lại không nhiều, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã cổ phiếu POW - sàn HoSE) cho biết đang trong quá trình đàm phán mua khí bổ sung cho nhà máy điện Cà Mau 1&2 sau năm 2028 với đối tác Jadestone từ mỏ Nam Du - U Minh.
Bên cạnh đó, việc Kho cảng LNG Thị Vải giai đoạn 1 với công suất qua kho trung bình khoảng 1 triệu tấn/năm đã chính thức được khánh thành và dự án mở rộng giai đoạn 2 với công suất 3 triệu tấn/năm sẽ góp phần bổ sung nguồn khí LNG cho các nhà máy điện khí tại khu vực Đông Nam Bộ.
Nguồn cung khí đầu vào ổn định sẽ giúp các nhà máy vận hành liên tục; đồng thời, các nhà máy điện Nhơn Trạch 2 và Cà Mau 2 sẽ không còn thực hiện đại tu trong năm 2024 nên sản lượng điện khí trong năm 2024 sẽ hồi phục tích cực.
Đồng thời, sản lượng điện than của PV Power dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm sau nhờ cả 02 tổ máy của Nhà máy Điện Vũng Áng 1 vận hành trọn năm. Đồng thời, giá than đầu vào có xu hướng ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho PV Power và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thu xếp nguồn cung than dồi dào giúp nhà máy vận hành liên tục trong các tháng cao điểm mùa khô.
Về tiến độ triển khai Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3&4, PV Power cho biết tính đến thời điểm cuối tháng 10/2023, công tác thiết kế đã đạt khoảng 70% kế hoạch và mua sắm thiết bị đạt khoảng 60% kế hoạch, tiến độ tổng thể dự án ước đạt 55% kế hoạch. Ngày 16/10 vừa qua, máy phát điện và tuabin khí nhà máy điện Nhơn Trạch 3 đã được đưa vào bệ phóng đảm bảo tiến độ phát điện theo kế hoạch.
Liên quan đến vấn đề thu xếp vốn, PV Power cho biết dự án Nhơn Trạch 3&4 có tổng mức đầu tư được phê duyệt khoảng 1,4 tỷ USD với cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay ở mức 25%/75%. Trong đó, phần vốn vay đến từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.
PV Power cho biết có kế hoạch gia tăng tiền mặt khoảng 5.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án nguồn điện lớn như Nhơn Trạch 3&4, LNG Quảng Ninh... Trước đó, cuối tháng 7/2023, HĐQT PV Power đã ban hành nghị quyết chấp thuận giao dịch cung cấp dịch vụ tư vấn xây dựng và triển khai thực hiện phương án tăng vốn điều lệ với hãng Chứng khoán Dầu khí (PSI).
Theo đánh giá của hãng chứng khoán Vietcombank Securities (VCBS), tại thời điểm cuối quý 3/2023, PV Poweer hiện đang có hơn 3.600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế giữ lại và hơn 4.000 tỷ đồng ở quỹ đầu tư phát triển có thể giúp PV Power thực hiện tăng vốn mà không cần huy động thêm nguồn vốn bên ngoài.
PV Power có thể ghi nhận khoản doanh thu 1.000 tỷ đồng
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo PV Power cho biết có thể ghi nhận doanh thu chênh lệch giá khí giai đoạn 2019 - 2020 với số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, trong giai đoạn 2019 - 2020, Nhà máy điện Cà Mau 1&2 và Nhà máy đạm Cà Mau sử dụng nguồn khí được phân bổ từ quyền nhận của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và khí mua ngoài từ tập đoàn Petronas (Malaysia) với tỷ lệ 50%:50%. Thực tế Nhà máy Đạm Cà Mau sử dụng nguồn khí giữa PVN và PetroNas với tỷ lệ dao động từ khoảng 90%/10% và 70%/30%, do đó nguồn khí mua ngoài từ Petronas của PV Power luôn cao hơn mức 50% dẫn đến giá khí đầu vào cao hơn (giá khí từ PetroNas được xác định bằng 12,7% giá dầu thô Brent).
Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chưa đồng ý chi trả doanh thu bán điện phát sinh từ khoản chênh lệch giá khí trên. Khoản chênh lệch giá khí trên trong giai đoạn 2019-2022 ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng (70 tỷ năm 2022 và 240 tỷ năm 2023). PV Power hiện đang thỏa thuận với EVN để có thể ghi nhận khoản doanh thu này trong giai đoạn 2024-2026.
Bên cạnh đó, PV Power cho biết sẽ không phải thanh toán 80 triệu USD đối với phần khí không sử dụng cho Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS, mã cổ phiếu GAS) trong năm 2021.
Trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2021, Nhà máy điện Cà Mau 1&2 sử dụng nguồn khí đầu vào từ Lô PM3-CAA tại khu vực chồng lấn ngoài khơi giữa Việt Nam và Malaysia. Sau khi đạt điểm cân bằng khí giữa vào năm 2020, Nhà máy Điện Cà Mau 1&2 đã ký lại hợp đồng mua bán điện PPA vào năm 2021 thay cho hợp đồng PPA vào năm 2008 và chính thức tham gia thị trường điện. Khi đó, Nhà máy Điện Cà Mau 1&2 đã ký lại hợp đồng mua bán khí GSA với nghĩa vụ bao tiêu khí (take or pay) với đơn vị cung cấp khí thượng nguồn là PV GAS.
Trong năm 2021, PV Power đã phát sinh khoản phải trả 80 triệu USD (tương ứng khoảng 1.900 tỷ đồng) cho phần khí không sử dụng. Tuy nhiên, PV Power hiện đang đàm phán với PV GAS để chuyển phần khí này sang sử dụng trong giai đoạn 2024- 2026 và không phải thanh toán khoản phải trả này cho PV GAS.
Kết thúc quý 3/2023, PV Power ghi nhận doanh thu và lãi ròng lần lượt giảm 6% và 74% so với quý 3/2022; nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng điện thương phẩm giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, PV Power ghi nhận tổng doanh thu đạt 21.533 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lãi ròng đạt 883 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, hoàn thành 71% mục tiêu doanh thu và 79% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Nhiều tổ chức tài chính hiện nhận định hoạt động kinh doanh của PV Power đã vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo VCBS, sản lượng điện của PV Power trong năm 2024 sẽ tăng hơn 15% so với cả năm nay khi hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng phục hồi thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ điện (02 lĩnh vực này chiếm khoảng 50% trong cơ cấu tiêu thụ điện). Đồng thời, sản lượng các nhà máy nhiệt điện của PV Power kỳ vọng sẽ tiếp tục được huy động ở mức cao dưới tác động của hiện tượng El Nino và tổ máy S1 của Nhà máy Điện Vũng Áng đã vận hành ổn định trở lại từ tháng 8/2023.