Quan hệ thương mại Việt Nam - Úc: Thực trạng và Giải pháp (Kỳ 2)

Việt Nam và Úc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức năm 1973. Quan hệ hợp tác Việt - Úc không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực. Với việc thiết lập quan hệ đối tác toàn d

2. Giải pháp phát triển quan hệ thương mại Việt - Úc giai đoạn 2015-2025

Giải pháp về phía Chính phủ

- Nâng cao hiệu quả triển khai Hiệp định AANZFTA:Tận dụng những thỏa thuận trong AANZFTA về hỗ trợ tài chính nâng cao năng lực và đào tạo nhân lực cho các cơ quan chức năng để giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình thực thi Hiệp định; Đề xuất với phía Úc áp dụng cơ chế “Doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ”, vừa tiết kiệm được thời gian và chi phí xin C/O tạo thuận lợi thương mại. Đối với những lô hàng xuất khẩu có trị giá nhỏ, doanh nghiệp rất ngại đến các tổ chức xin cấp C/O. Áp dụng cơ chế này sẽ tăng tỷ lệ tận dụng C/O trong xuất khẩu hàng hóa sang Úc cao hơn.

- Chú trọng phát triển các ngành hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường Úc: Chính phủ cần có chính sách cụ thể để phát triển các ngành hàng xuất khẩu chủ lực sang Úc. Thông qua sự hỗ trợ về vốn, ưu đãi về thuế, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp,v.v.... Việt Nam có thể phát triển được nền sản xuất nội địa (phát triển kinh tế ngành và kinh tế vùng), đồng thời nâng cao được khả năng cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường này.

Đối với nhóm hàng nông, thủy sản: Quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, nông sản xuất khẩu. Rà soát và điều chỉnh quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, nông sản xuất khẩu kết hợp với việc lập các dự án đầu tư cụ thể, gắn với quy hoạch phát triển nông nghiệp, thủy lợi và đê biển, nâng cao hiệu quả đầu tư và sử dụng đất đai mặt nước vào nuôi trồng thủy sản, nông sản; Kiểm soát chặt chẽ từ khâu nuôi trồng đến khâu thu hoạch (quy trình nuôi, trồng; sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, kháng sinh) và xuất khẩu để hàng nông, thủy sản đáp ứng được quy định kiểm dịch của Úc nhằm tiến tới tôm tươi đông lạnh, hoa quả tươi của Việt Nam được cấp phép nhập khẩu vào Úc vì đối với hàng nông sản quan trọng nhất là gỡ được các rào cản của Úc.

Đối với nhóm hàng dệt may: Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để đảm bảo cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành dệt may giúp giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm do không phải nhập khẩu và kiểm soát được khâu sản xuất nguyên phụ liệu, đồng thời tận dụng được ưu đãi trong Hiệp định AANZFTA do đáp ứng được quy tắc xuất xứ.

- Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ:Ngành công nghiệp hỗ trợ của nước ta kém phát triển làm cho hiệu quả xuất khẩu một số nhóm hàng thấp (hàng dệt may, da giày, điện tử). Chính phủ cần có chiến lược và kế hoạch tổng thể, có chính sách đầu tư thỏa đáng để phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm đảm bảo nội địa hóa cho phần lớn các linh phụ kiện cho ngành công nghiệp lắp ráp, đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày. Phát triển các ngành công nghiệp này sẽ giúp cho nước ta nâng cao được hiệu quả xuất khẩu một số nhóm hàng mà Việt Nam phải nhập khẩu chủ yếu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.

- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Úc đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Tăng cường thu hút đầu tư của Úc vào công nghiệp chế biến, chế tạo thông qua những ưu đãi. Qua đó, Việt Nam nâng cao được sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp này, đưa chúng kết nối và hội nhập được vào mạng lưới sản xuất toàn cầu và khu vực. Nhờ vậy, sản phẩm chế biến, chế tạo của Việt Nam vừa đáp ứng được quy tắc xuất xứ theo AANZFTA, vừa vượt qua được các rào cản (SPS, TBT) khắt khe của thị trường này. Vì thế, Việt Nam tận dụng được những ưu đãi trong Hiệp định để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Úc.

- Nâng cao năng lực ứng phó với hàng rào phi thuế quan của Úc: Xây dựng hệ thống các cơ quan quản lý và chứng nhận chất lượng đạt chuẩn từ trung ương tới địa phương, tiêu chuẩn cho hàng hóa và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Kiểm soát chặt chẽ từ khâu nguyên liệu tới thành phẩm. Chú trọng nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý chất lượng thông qua đào tạo nguồn nhân lực và nâng cấp, trang bị máy móc hiện đại để có kết quả kiểm tra chính xác, tương thích với các nước phát triển; Đẩy nhanh quá trình công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn và kiểm tra với Úc để cho hàng xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là hàng nông thủy sản thuận lợi trong việc thâm nhập thị trường này; Thiết lập cơ chế giám sát đột xuất đối với những mặt hàng/doanh nghiệp thường xuyên vi phạm tiêu chuẩn nhập khẩu của Úc để tìm biện pháp giải quyết triệt để, tránh gây ảnh hưởng xấu tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung.

- Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại: Các cơ quan chức năng Chính phủ cần tiếp tục đàm phán với Úc để đẩy nhanh việc cấp giấy phép nhập khẩu cũng như giảm nhẹ các quy định nhập khẩu đối với trái vải Việt Nam; Mở cửa thị trường cho các loại trái cây tươi khác của Việt Nam như Thanh Long, Xoài, Nhãn, Chôm Chôm,…; Xem xét lại các quy định về kiểm dịch tôm tươi và tôm tươi đông lạnh của Việt Nam. Trong khi chờ xem xét dỡ bỏ việc kiểm dịch nêu trên, nên có thỏa thuận song phương về việc thống nhất phương pháp kiểm dịch virus.

Tăng cường công tác dự báo và cung cấp thông tin về sự điều chỉnh các hàng rào thương mại của nước này đối với hàng nhập khẩu cho các doanh nghiệp để họ kịp thời ứng phó với những thay đổi về quy trình sản xuất và công nghệ chế biến nhằm thích ứng với tiêu chuẩn SPS, TBT của Úc, tăng khả năng cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường.

Giải pháp về phía doanh nghiệp

- Tích cực, chủ động trong việc tìm hiểu thông tin về thị trường Úc và những ưu đãi mà hàng xuất khẩu Việt Nam được hưởng trong Hiệp định AANZFTA: Doanh nghiệp cần tích cực vào các trang web hữu ích để tìm thông tin về thị trường Úc, Hiệp định AANZFTA (lộ trình giảm thuế của Úc, yêu cầu về xuất xứ đối với từng mặt hàng) và các hướng dẫn của các Bộ, ngành chức năng liên quan đến việc thực thi Hiệp định như http://vietnamexport.com, http://www.moit.gov.vn,http://www.mof.gov.vn,http://www.trungtamwwto.vn,http://www.austrade.gov.au; Doanh nghiệp tra cứu Phụ lục thuế để xem mặt hàng xuất khẩu của mình được giảm thuế như thế nào theo AANZFTA. Dựa vào mức thuế ưu đãi và xuất xứ nguyên liệu để khai và xin C/O form AANZ qua các tổ chức cấp C/O của Việt Nam.

- Đẩy mạnh xuất khẩu sang Úc những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế và được hưởng nhiều ưu đãi trongHiệp định AANZFTA:Các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế và được hưởng ưu đãi trong Hiệp định như rau quả và rau quả chế biến, thiết bị điện tử, cao su và sản phẩm cao su, nhựa và sản phẩm nhựa, hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt và sản phẩm sắt, túi sách ví va li mũ ô và dù, hạt tiêu, sản phẩm gốm sứ, sản phẩm mây tre cói thảm. Các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu thật kỹ nội dung của Hiệp định, lộ trình cắt giảm thuế của Úc, từng điều khoản đối với lĩnh vực mình quan tâm nhằm tận dụng được những ưu đãi trong Hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang thị trường này.

-Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường Úc: Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Úc khá đơn điệu và chất lượng hàng còn nhiều bất cập khi so sánh với cơ cấu và chất lượng hàng xuất khẩu của các đối thủ cạnh tranh khác như Trung Quốc, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a. Do đó, để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường này, các doanh nghiệp cần phải đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc đầu tư đổi mới công nghệ và chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO 9000, HACCP,...) đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khoẻ, môi trường.

Nếu muốn trụ vững trên thị trường Úc, các doanh nghiệp Việt Nam phải hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, ở đó chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu chứ không phải là sản lượng và giá cả thấp. Do vậy, việc hình thành chuỗi liên kết là rất cần thiết để có thể cạnh tranh trên thị trường.

- Xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn: Doanh nghiệp cần lựa chọn chiến lược sản phẩm và chiến lược thâm nhập thị trường Úc phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tế của thị trường và khả năng của doanh nghiệp. Không nên thâm nhập thị trường một cách vội vàng mà cần có quá trình lâu dài: từ giới thiệu sản phẩm, tạo lòng tin, thiết lập quan hệ rồi mới thực hiện giao dịch kinh doanh; Nghiên cứu đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như tránh các hàng rào kỹ thuật đã có và sẽ có trong tương lai.

-Chú trọng xây dựng thương hiệu cho hàng xuất khẩu:Đăng ký và bảo vệ thương hiệu hàng xuất khẩu. Vấn đề sở hữu trí tuệ rất được coi trọng ở Úc. Doanh nghiệp cần có chính sách xây dựng thương hiệu, đăng ký và bảo vệ thương hiệu dài hạn. Đặc biệt, khi hàng xuất khẩu đã có chỗ đứng trên thị trường thì nhất thiết doanh nghiệp phải đăng ký và bảo vệ thương hiệu hàng hóa tránh bị mất hay tranh chấp thương hiệu.

Doanh nghiệp cần có hiểu biết về các quy định chất lượng hàng hóa, vệ sinh thực phẩm, an toàn sinh học,... thiết lập hệ thống kiểm tra cũng như thường xuyên đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đảm bảo sản phẩm xuất sang thị trường Úc luôn có chất lượng cao, đáp ứng được đòi hỏi khe khắt về tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn mà các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra là cách tốt nhất bảo vệ thương hiệu hàng hóa. Ví dụ, theo quy định, bất cứ lô hàng nhập khẩu nào không đáp ứng yêu cầu kiểm tra về kỹ thuật và an toàn của Úc thì danh tính của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu cũng như thương hiệu của sản phẩm đó đều được thông báo rộng rãi trên cả nước. Người tiêu dùng Úc rất quan tâm tới vấn đề an toàn, nếu để việc này xảy ra sẽ là một bất lợi lớn, ảnh hưởng xấu tới thương hiệu hàng hóa cũng như đến việc xuất khẩu của doanh nghiệp sang Úc về sau.

Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm của Việt Nam là hết sức cần thiết. Giải pháp ưu việt nhất là cung cấp các sản phẩm đổi mới có giá trị gia tăng cao, có xuất xứ tốt hơn là chỉ đơn giản cung cấp các nguyên liệu thô và chủng loại hàng rẻ tiền. Việc này sẽ giúp nâng tầm thương hiệu Việt Nam, xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng và thay đổi nhận thức về việc Việt Nam chỉ cung cấp các sản phẩm rẻ tiền mà người Úc thường quan niệm hàng rẻ tiền là hàng có chất lượng không tốt. Việc xây dựng thương hiệu với xuất xứ tốt là đặc biệt quan trọng Nếu có thể, xây dựng vài câu chuyện về xuất xứ của các sản phẩm địa phương gắn với con người ở đấy. Hãy nhớ “Người Úc muốn mua toàn bộ câu chuyện, không chỉ mỗi thức ăn”.

Tóm lại, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Úc đang ngày càng phát triển. Để mối quan hệ này phát triển tương xứng với tiềm năng kinh tế của hai bên và tương xứng với tầm đối tác toàn diện đòi hỏi nỗ lực từ cả hai phía, cần sự hợp tác hơn nữa từ phía Úc. Với cơ cấu kinh tế bổ sung cho nhau, Hiệp định AANZFTA đang được triển khai và trong bối cảnh gia tăng hội nhập khu vực và toàn cầu, Quan hệ thương mại Việt - Úc sẽ phát triển mạnh hơn nữa, tạo ra một bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự vươn lên tầm cao mới của quan hệ giữa hai nước.