Thương mại Việt-Úc phát triển khá nhanh trong giai đoạn 2005-2014, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam (2,74%) và chiếm tỷ trọngquá nhỏ bé trong tổng kim ngạch ngoại thương của Úc (1,21%). Vì vậy, bài viết xin đi sâu phân tích thực trạng quan hệ thương mại Việt - Úc giai đoạn 2005-2014, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp phát triển mối quan hệ này giai đoạn 2015-2025.
Việt Nam đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Úc vào ngày 26/02/1973. Quan hệ giữa hai nước không ngừng củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Ngày 7/9/2009, nhân chuyến thăm Úc, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Úc Kenvin Rudd đã nhất trí nâng quan hệ Việt - Úc thành “Quan hệ đối tác toàn diện”. Tiếp đó, lãnh đạo cấp cao hai nước đã ký “Chương trình hành động thực hiện triển khai quan hệ đối tác toàn diện giai đoạn 2010-2013”. Ngày 16-19/3/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm chính thức Úc, hai bên ra tuyên bố về “Tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Việt - Úc”. Việc thiết lập và tăng cường quan hệ đối tác toàn diện đã đưa quan hệ giữa Việt Nam và Úc bước sang giai đoạn mới về chất. Quan hệ hợp tác Việt - Úc ngày càng phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế - thương mại.
1. Thực trạng quan hệ thương mại Việt - Úc giai đoạn 2005-2014
Việt Nam ký với Úc Hiệp định thương mại và hợp tác kinh tế ngày 14/6/1990, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư ngày 5/3/1991, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập ngày 13/4/1972 (bổ sung sửa đổi ngày 22/11/1996). Hai nước cùng tham gia Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Úc - Niu Di Lân (AANZFTA) từ ngày 01/01/2010. Các hiệp định trong lĩnh vực kinh tế - thương mại được ký kết giữa Việt Nam và Úc đã thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại song phương không ngừng phát triển.
Thương mại là lĩnh vực phát triển nhất trong quan hệ hợp tác kinh tế -thương mại giữa hai nước. Hiện Việt Nam và Úc đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 đạt 6,05 tỷ USD, tăng 18,68% so với năm 2013. Trong khi Úc là bạn hàng xuất khẩu đứng thứ 8 và bạn hàng nhập khẩu đứng thứ 12 của Việt Nam thì theo chiều ngược lại Việt Nam là bạn hàng đứng thứ 14 của Úc cả về nhập khẩu và xuất khẩu. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Úc có xu hướng gia tăng. Tính đến thời điểm này, Úc vẫn luôn là thị trường xuất siêu của Việt Nam, năm 2014 xuất siêu 1,93 tỷ USD.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt - Úc tăng giảm thất thường trong giai đoạn 2005-2014. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân 7,83%/năm, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 5,01%/năm, kim ngạch nhập khẩu tăng 17,06%/năm (xem Bảng 1).
Trong quan hệ thương mại với Úc, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường này. Tổng trị giá xuất siêu của nước ta sang Úc giai đoạn 2005-2014 là 18,2 tỷ USD, năm 2008 xuất siêu lớn nhất (2,9 tỷ USD).
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Úc sụt giảm mạnh vào năm 2009 (-46,12%) do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Úc sụt giảm và xuất khẩu dầu thô của Việt Nam sang thị trường này giảm mạnh (Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, nên hạn chế xuất khẩu dầu thô). Kim ngạch xuất khẩu Việt - Úc giảm bình quân 2,99%/năm giai đoạn 2005-2009. Kể từ năm 2010, Hiệp định AANZFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu của Úc giảm theo Hiệp định, nên kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này gia tăng đáng kể. Bởi vậy, kim ngạch xuất khẩu Việt - Úc tăng bình quân 10,22%/năm giai đoạn 2010-2014.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt - Úc giai đoạn 2005-2014 chiếm 3,99% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và chỉ chiếm 1,70% tổng kim ngạch nhập khẩu của Úc. Việt Nam là thị trường nhập khẩu thứ 25/223 của Úc giai đoạn này. Như vậy, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Úc còn cách xa so với tiềm năng của nước ta và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của phía Bạn.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Úc giai đoạn 2005-2014 gồm: dầu thô, điện thoại và linh kiện, thủy sản, hạt điều, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép,v.v.... (xem Bảng 2).
Mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Úc giai đoạn 2005-2014 là dầu thô 66,05%, tiếp theo là thủy sản 4,73%, điện thoại và linh kiện 4,56%, gỗ và sản phẩm gỗ 2,77%,... Mười mặt hàng xuất khẩu chủ yếu chiếm 88,48% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt - Úc, các mặt hàng còn lại chỉ chiếm 11,52%.
Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam sang thị trường Úc. Cá tra Việt Nam ngày càng phổ biến ở Úc, nhưng tôm lại là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất.Xuất khẩu tôm chiếm 62% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Úc năm 2014. Hiện, Việt Nam đứng thứ hai về xuất khẩu tôm sau Trung Quốc.
Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Úc ngày càng được đa dạng hóa (tỷ trọng các mặt hàng khác trong cơ cấu hàng xuất khẩu có xu hướng gia tăng). Tuy nhiên, mức độ đa dạng hóa hàng xuất khẩu chưa cao. Xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào dầu thô. Hàng xuất khẩu của nước ta sang thị trường này chủ yếu là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất.
Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Úc giai đoạn 2005-2014 đã có sự cải thiện theo hướng giảm dần tỷ trọng nhiên liệu, nguyên liệu thô và hàng sơ chế, tăng tỷ trọng hàng chế biến, chế tạo.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Úc tăng giảm thất thường giai đoạn 2005-2014, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước này (0,72%). Tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Úc giai đoạn 2005-2009 (20,47%/năm) cao hơn so với giai đoạn 2010-2014 (9,27%/năm).
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Úc giai đoạn 2005-2014 phải kể tới lúa mì, kim loại thường, hàng dệt may, sắt thép, bông các loại,... (xem Bảng 3).
Mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Úc giai đoạn 2005-2014 là lúa mì 24,13%, tiếp theo là kim loại thường khác 19,49%, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng 3,30%, sắt thép các loại 2,93%, bông các loại 2,46%,v.v... . Mười mặt hàng nhập khẩu chủ yếu chiếm 60,67% tổng kim ngạch nhập khẩu Việt - Úc, các mặt hàng còn lại chiếm 39,33%.
Hàng nhập khẩu
của nước ta từ thị trường Úc chủ yếu là nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất,
chế biến hàng xuất khẩu và hàng tiêu dùng trong nước. Nhập khẩu của Việt Nam từ Úc năm 2014 có xu thế tăng mạnh
so với năm 2013, đặc biệt đối với một số nhóm hàng là đầu vào cho sản xuất
trước đây nước ta thường nhập khẩu từ Trung Quốc, như chất dẻo nguyên liệu tăng
117,5%, nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 96%, quặng và khoáng sản khác
tăng 83,9%, bông tăng 74,8%,v.v... .
Nhìn vào bức tranh thương mại giữa Việt Nam và Úc, những kết quả đạt được như sau
- Qui mô thương mại gia tăng, trong vòng 10 năm (2005-2014) tăng 1,97 lần. Cụ thể, năm 2005 kim ngạch thương mại Việt-Úc đạt 3.068,8 triệu USD, đến năm 2014 đã tăng lên 6.047,9 triệu USD.
- Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng bình quân 7,83%/năm, giai đoạn thực thi AANZFTA có tốc độ tăng trưởng (9,89%/năm) cao hơn so với giai đoạn trước khi thực thi Hiệp định(2,04%/năm).
- Cơ cấu hàng xuất khẩu đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: Tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến chế tạo, giảm dần tỷ trọng hàng nguyên liệu thô và sơ chế. Hàng nhập khẩu từ thị trường này cũng đang giảm dần nhóm hàng tiêu dùng trong nước như sữa và sản phẩm sữa, thức ăn gia súc và nguyên liệu, gia tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.
- Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Úc và hàng nhập khẩu từ thị trường này ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Những năm gần đây đã có một số mặt hàng xuất khẩu mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thương mại Việt - Úc còn những tồn tại, hạn chế sau
- Qui mô thương mại gia tăng giai đoạn 2005-2014, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng quá nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam (2,74%) và trong tổng trị giá ngoại thương của Úc (1,21%).Như vậy, thương mại Việt - Úc hiện còn cách xa so với tiềm năng kinh tế của hai nước.
- Kim ngạch thương mại song phương tăng giảm thất thường trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng còn thấp (7,83%/năm) so với tốc độ tăng trưởng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam (17,58%/năm) và của Úc (8,83%/năm).
- Sự chuyển biến cơ cấu hàng xuất khẩu còn chậm, tỷ trọng nhiên liệu, nguyên liệu thô và hàng sơ chế vẫn chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này.
- Chất lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Úc còn bất cập. Nhóm hàng nông, thủy sản và thực phẩm chế biến chưa đáp ứng được quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của Úc. Nhóm hàng công nghiệp chủ yếu làm gia công cho nước ngoài, nguyên phụ liệu chính vẫn phải nhập khẩu nên chất lượng sản phẩm phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.
Nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, hạn chế nêu trên
- Chính sách thương mại và thuế của Úc khá minh bạch, nhưng hàng rào phi thuế quan (các quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, SPS, TBT,...) khá chặt chẽ. Tất cả các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu phải tuân thủ theo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm do Bộ Nông nghiệp đưa ra. Hàng nông sản phải tuân thủ các quy định về SPS. Sản phẩm công nghiệp cần tuân thủ theo các quy định về hàng rào kỹ thuật. Nhìn chung các mặt hàng nhập khẩu đều phải tuân thủ theo các quy định về bao gói, nhãn mác.
Úc là thị trường xuất khẩu thuỷ sản tiềm năng của Việt Nam. Vấn đề hiện nay là Úc đặt ra rất nhiều các qui định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn sinh học. Hàng thuỷ sản của Việt Nam vẫn còn vài trường hợp dư lượng kháng sinh, dư lượng thuốc diệt nấm và một vài trường hợp bị phát hiện bơm nước và tạp chất vào thuỷ sản. Các trường hợp vi phạm do Bộ Nông nghiệp Úc kiểm tra và phát hiện sẽ bị thông báo rộng rãi trên trang web của Chính phủ bao gồm cả tên nhà cung cấp và nước cung cấp. Vấn đề này sẽ huỷ hoại hình ảnh của Việt Nam, làm giảm giá trị và chất lượng của sản phẩm thuỷ sản Việt Nam. Do đó, hàng thủy sản của nước ta bị giảm giá trên thị trường Úc. Năm 2014 đã có 26 trường hợp hàng của Việt Nam (bao gồm cả thuỷ sản) bị trả về do vi phạm và việc này không chỉ gây tốn kém cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh hàng thủy sản Việt Nam.
- Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một hệ thống các cơ quan quản lý và chứng nhận chất lượng đạt chuẩn từ trung ương tới địa phương, hiện đang xây dựng tiêu chuẩn cho hàng hóa và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Năng lực của các cơ quan quản lý chất lượng còn yếu. Máy móc thiết bị kiểm tra còn lạc hậu nên kết quả kiểm tra trong một số trường hợp chưa chính xác. Công tác quản lý chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm còn lỏng lẻo từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm. Dẫn tới hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của Úc. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho hàng xuất khẩu nước ta khó đáp ứng yêu cầu về SPS, TBT theo Hiệp định AANZFTA để có thể tận dụng ưu đãi. Nếu hàng xuất khẩu Việt Nam đạt chất lượng tốt sẽ vượt qua được khâu kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của Úc và có thể thâm nhập thuận lợi vào thị trường này.
- Ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam kém phát triển, chưa đáp ứng được nguồn nguyên liệu, phụ liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu. Một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta như dệt may, da giày vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan nên không đáp ứng được quy tắc xuất xứ theo AANZFTA. Do đó, hai nhóm hàng này tận dụng chưa hiệu quả những ưu đãi trong Hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Úc.
- Chi phí, thủ tục hành chính để xin cấp C/O còn phức tạp, mất thời gian. Hiện nước ta chưa có đầu mối thống nhất về giải thích cam kết, hướng dẫn FTA. Việc giải thích, hướng dẫn áp dụng FTA vẫn còn tản mạn, chưa có sự nhất quán. Việc vận dụng cùng một quy định trong FTA, chẳng hạn việc áp dụng tiêu chí xuất xứ không giống nhau giữa các địa phương.
- Khi AANZFTA đi vào thực hiện, nhưng nhiều doanh nghiệp còn thụ động trong việc tìm hiểu Hiệp định này, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chỉ có một số doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp thường xuyên kinh doanh với thị trường Úc là chủ động tìm hiểu nội dung Hiệp định, các cam kết, ưu đãi mà hàng Việt Nam được hưởng trong AANZFTA ngay khi Hiệp định được ký kết và chưa có hiệu lực thi hành.
- Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm được, hoặc chưa cập nhật được các quy định nhập khẩu hàng hóa và quy định về kiểm dịch đối với hàng nhập khẩu của Úc. Vì vậy, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này còn gặp khó khăn ở khâu thâm nhập thị trường và kiểm dịch. Một số lô hàng xuất khẩu vẫn vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của phía Bạn.
- Thương hiệu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa được các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư và phát triển xứng tầm. Thực tế cho thấy, hầu hết những mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu vẫn chỉ ở dạng xuất thô, xuất khẩu nguyên liệu, sản phẩm đã qua chế biến thì phần lớn lại mang tên của đối tác nước ngoài. Giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam so với các nước có trình độ tương đương thấp hơn nhiều. Một trong những nguyên nhân là việc xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế, người tiêu dùng Úc chỉ biết một số ít thương hiệu hàng xuất khẩu Việt Nam.
Với thực trạng thương mại Việt - Úc như hiện nay, vấn đề đặt ra là Việt Nam phải khắc phục các mặt tồn tại, hạn chế để thúc đẩy hoạt động này phát triển tương xứng với tiềm năng xuất khẩu của nước ta và nhu cầu nhập khẩu của phía Bạn, hay nói cách khác là mở rộng, nâng cao hiệu quả của hoạt động thương mại song phương.
Xin mời xem tiếp phần 2: Giải pháp phát triển quan hệ thương mại Việt-Úc giai đoạn 2015-2025