[Quốc tế nổi bật] Hạ viện Mỹ phê chuẩn trần nợ công

Với 314 phiếu thuận và 117 phiếu chống, sáng 1/6 (giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã chính thức phê chuẩn thỏa thuận về trần nợ công, trước khi đưa lên xem xét tại Thượng viện - việc chỉ còn là khâu mang tính thủ tục - và sau đó sẽ được Tổng thống Joe Biden ký ban hành trước ngày 5/6.

Hạ viện Mỹ phê chuẩn trần nợ công

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy trả lời báo chí tại Điện Capitol về dự luật trần nợ công ngày 30/5 - Ảnh: Reuters
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy trả lời báo chí tại Điện Capitol về dự luật trần nợ công ngày 30/5 - Ảnh: Reuters

Với 314 phiếu thuận và 117 phiếu chống, sáng 1/6 (giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã chính thức phê chuẩn thỏa thuận về trần nợ công. Vượt "ải" Hạ viện, việc xem xét văn kiện về trần nợ công tại Thượng viện chỉ còn là khâu mang tính thủ tục và sau đó sẽ được Tổng thống Joe Biden ký ban hành trước ngày 5/6 - thời điểm Bộ Tài chính Mỹ có thể cạn kiện ngân sách để thanh toán các nghĩa vụ tài chính.

Thỏa thuận lưỡng đảng sẽ đình chỉ áp dụng mức trần nợ công 31.400 tỷ USD đến tháng 1/2025, qua đó "bật đèn xanh" cho Bộ Tài chính Mỹ vay thêm tiền để thanh toán các hóa đơn của quốc gia trong khoảng thời gian trên; đồng thời giới hạn cấp 886 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng và 704 tỷ USD cho chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng trong năm tài chính 2024. Với thời hạn thực hiện thỏa thuận kéo dài đến tháng 1/2025, vấn đề trần nợ công sẽ không gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ năm 2024.

Tên lửa của Triều Tiên phóng thử thất bại

Tên lửa "Chollima-1" mới của Triều Tiên mang theo vệ tinh trinh sát quân sự, "Malligyong-1" từ bãi phóng Tongchang-ri trên bờ biển phía tây của Triều Tiên ngày 31/5. Ảnh: Yonhap
Tên lửa "Chollima-1" mới của Triều Tiên mang theo vệ tinh trinh sát quân sự, "Malligyong-1" từ bãi phóng Tongchang-ri trên bờ biển phía tây của Triều Tiên ngày 31/5. Ảnh: Yonhap

Hôm 31/5, Triều Tiên đã xác nhận tên lửa đẩy có tên Chollima-1 đã thất bại trong lần thử phóng đầu tiên trong vòng ba giờ sau vụ thử. Hãng tin KCNA nói rằng tên lửa đã cất cánh thành công nhưng giai đoạn hai bị mất lực đẩy do trục trặc động cơ. Các bức ảnh do Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố cho thấy tên lửa Chollima-1 mới của Bình Nhưỡng mang theo vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1 cất cánh từ trạm phóng tên lửa ở bờ biển phía Tây của nước này. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết dù vụ phóng thất bại, Triều Tiên có thể đã công bố những bức ảnh này để khẳng định rằng vụ phóng hôm 31/5 nhằm mục đích đưa vệ tinh vào quỹ đạo, không phải thử nghiệm hệ thống vũ khí.

Đức nói NATO không thể kết nạp Ukraine vào thời điểm hiện tại

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tại cuộc họp không chính thức của các Bộ trưởng Ngoại giao NATO tại Tòa thị chính Oslo ở Oslo, Na Uy ngày 1/6
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tại cuộc họp không chính thức của các Bộ trưởng Ngoại giao NATO tại Tòa thị chính Oslo ở Oslo, Na Uy ngày 1/6. Ảnh: tagesschau.de

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn mở rộng cánh cửa cho các thành viên mới tiềm năng. Điều này không chỉ áp dụng cho Thụy Điển mà còn cho Ukraine. Tuy nhiên bà Baerbock khẳng định Ukraine không thể gia nhập NATO khi nước này vẫn đang vướng vào cuộc xung đột với Nga. 

Trước đó cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng tuyên bố tất cả các quốc gia trong liên minh đều đồng ý “Ukraine sẽ trở thành một thành viên” của khối, và Moskva không có quyền phủ quyết phản đối NATO mở rộng. Ông Jens Stoltenberg cho biết thêm NATO đang nỗ lực thúc đẩy việc kết nạp Thụy Điển càng sớm càng tốt, và ông sẽ sớm đến Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận việc kết nạp này.

Nga cảnh báo đáp trả việc Đức đóng cửa 4 tổng lãnh sự quán

Cổng vào đại sứ quán Nga ở Berlin, Đức. Ảnh: AP
Cổng vào đại sứ quán Nga ở Berlin, Đức. Ảnh: AP

Nga coi yêu cầu của Bộ Ngoại giao Đức đóng cửa các tổng lãnh sự quán Nga tại các thành phố Hamburg, Leipzig, Munich và Frankfurt trước ngày 31/12 năm nay là "bước đi không thân thiện" nhằm làm xấu đi quan hệ song phương Nga - Đức nhiều thập niên qua, và Đức phải hoàn toàn chịu trách nhiệm khi quan hệ song phương bị xuống cấp.

Trước đó, Chính phủ Đức đã rút giấy phép của 4 trong số 5 tổng lãnh sự quán Nga tại Đức, chỉ còn Đại sứ quán Đức tại Moskva và Lãnh sự quán tại Saint Petersburg hoạt động. Đây là phản ứng đối với quyết định của chính quyền Nga nhằm hạn chế số lượng nhân viên Đức ở Nga ở mức 350 người.

Nỗ lực thoát khỏi SWIFT

Biểu tượng của SWIFT tại hội nghị tài chính ngân hàng ở Toronto, Canada tháng 10/2017. Ảnh: Reuters
Biểu tượng của SWIFT tại Hội nghị Tài chính ngân hàng ở Toronto, Canada tháng 10/2017. Ảnh: Reuters

Liên minh thanh toán bù trừ châu Á (ACU) - một nhóm 9 thành viên gồm các ngân hàng trung ương bao gồm cả Ấn Độ, Pakistan và Iran - đã quyết định ra mắt một hệ thống tài chính xuyên quốc gia mới vào tháng 6 như một giải pháp thay thế cho hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, trong những nỗ lực thay đổi nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào SWIFT và thúc đẩy quá trình phi USD hóa toàn cầu, sau khi một số ngân hàng của Nga bị loại khỏi SWIFT. Hệ thống tài chính mới sẽ chỉ được sử dụng bởi các quốc gia thành viên ACU, nhưng những quốc gia khác, bao gồm cả các quốc gia bị trừng phạt như Syria, có thể đăng ký làm thành viên. Belarus và Mauritius đã được cho là đã liên hệ với liên minh.

Lạm phát của Eurozone hạ nhiệt

Biểu tượng đồng euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng trung ương châu Âu tại Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Biểu tượng đồng euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng trung ương châu Âu tại Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat), lạm phát tháng 5 của 20 quốc gia thuộc Eurozone đã giảm đáng kể xuống còn 6,1%, so với mức 7% của tháng 4. Mức giảm chủ yếu do giá năng lượng trong tháng 5 giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 2,4% trong tháng 4. Đây được xem là dấu hiệu tích cực cho thấy giá cả hàng hóa có thể sẽ đi xuống sau khi chạm đỉnh ở mức hai chữ số vào tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng có thể phải nhiều tháng nữa người tiêu dùng mới cảm thấy thực sự "nhẹ gánh" khi mua sắm tại các cửa hàng, và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách ngày 15/6.

Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong vấn đề Kosovo

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Serbian Aleksandar Vucic trong cuộc gặp tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ hồi 18/1/2022.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (bên phải) và Tổng thống Serbian Aleksandar Vucic (bên trái) trong cuộc gặp tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ hồi 18/1/2022.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và người đứng đầu cơ quan hành pháp Kosovo Albin Kurti trong nỗ lực nhằm giúp giải quyết mâu thuẫn gần đây ở phía Bắc vùng lãnh thổ này. Tổng thống Erdogan nhấn mạnh cách duy nhất để thiết lập hòa bình và ổn định lâu dài ở vùng lãnh thổ Kosovo là thông qua đối thoại, và Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đóng góp vào việc thiết lập đối thoại.

Căng thẳng leo thang vào ngày 26/5 sau khi khoảng 30 binh sĩ thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình do liên minh NATO đứng đầu tại Kosovo (KFOR) vốn có nhiệm vụ bảo vệ các trụ sở hành chính của 3 thị trấn ở phía Bắc Kosovo, bị thương trong các vụ đụng độ mới với người biểu tình sắc tộc Serbia.

IMF kêu gọi định giá carbon để hỗ trợ chuyển đổi năng lượng

Bà Gita Gopinath phát biểu trong cuộc họp báo ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Bà Gita Gopinath phát biểu trong cuộc họp báo ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Phó Tổng Giám đốc điều hành thứ nhất Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gita Gopinath nhấn mạnh các nước cần thiết lập cơ chế định giá carbon để có nguồn thu tài trợ quá trình chuyển sang năng lượng tái tạo. Nguồn thu ngân sách từ việc định giá carbon sẽ hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp hướng tới chuyển dịch năng lượng, giảm nợ, cũng như kết nối hiệu quả đầu tư và các sáng kiến năng lượng. Định giá carbon tương đương với việc mua “giấy phép ô nhiễm” phát thải CO2 hiện nay.

Cựu Tổng thống Brazil bị phạt tù do tham nhũng

Ông Fernando Collor de Mello - Ảnh: Reuters
Ông Fernando Collor de Mello - Ảnh: Reuters

Tòa án tối cao Brazil đã tuyên án cựu Tổng thống nước này, ông Fernando Collor de Mello 8 năm 10 tháng tù giam vì tội tham nhũng và rửa tiền. Thẩm phán cho biết ông Collor đã lợi dụng ảnh hưởng chính trị để thúc đẩy việc bổ nhiệm ban giám đốc công ty con của Petrobas là Distribuidora và tạo cơ sở để thiết lập các hợp đồng. Trong khi đó, việc rửa tiền được thực hiện thông qua hơn 40 khoản tiền gửi vào tài khoản mang tên Collor và trong 65 tài khoản của các công ty do ông sở hữu.

Quan chức Fed nêu khả năng tạm dừng tăng lãi suất

Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Philip Jefferson vào tháng 9/2022. Ảnh: Bloomberg
Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Philip Jefferson vào tháng 9/2022. Ảnh: Bloomberg

Thống đốc Fed Philip Jefferson và Chủ tịch Fed chi nhánh bang Philadelphia Patrick Harker nêu khả năng họ có thể ủng hộ phương án không tăng lãi suất trong tháng 6, theo đó giúp ngân hàng trung ương Mỹ có thêm thời gian để đánh giá kỹ lưỡng thực trạng sức khỏe của nền kinh tế. Ông Philip Jefferson cho rằng việc không tăng lãi suất trong tháng 6 sẽ tạo điều kiện cho Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thu thập và đánh giá thêm dữ liệu trước khi đưa ra quyết định hợp lý nhất về động thái chính sách tiếp theo.

Mỹ phê duyệt vaccine phòng virus RSV của Pfizer

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ đã phê duyệt vaccine Abrysvo phòng virus hợp bào hô hấp (RSV) do hãng này sản xuất
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ đã phê duyệt vaccine Abrysvo phòng virus hợp bào hô hấp (RSV) do hãng này sản xuất

Hãng dược phẩm Pfizer cho biết Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ đã phê duyệt vaccine Abrysvo phòng virus hợp bào hô hấp (RSV) do hãng này sản xuất. Như vậy, đây là vaccine thứ hai phòng RSV được Mỹ phê duyệt. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ sẽ họp bàn trong ngày 21/6 để đưa ra các khuyến nghị về việc sử dụng vaccine Abrysvo cho người cao tuổi. Pfizer dự định đưa vaccine Abrysvo ra thị trường vào quý III năm nay, trước thời điểm số ca viêm tiểu phế quản - viêm phổi do virus RSV gây ra có thể gia tăng.

Khánh Chi