- Giáo hoàng Francis ngày 1/9 nói ông đến muộn buổi thánh lễ chủ nhật hàng tuần ở Vatican vì bị kẹt trong thang máy và phải nhờ đến lính cứu hỏa giải thoát. Đây được cho là lần đầu tiên người đứng đầu Vatican, lãnh đạo của 1,2 tỷ tín đồ Công giáo trên toàn thế giới bị kẹt trong thang máy.
- Hơn 100 người được cho là đã thiệt mạng khi liên quân do Saudi Arabia đứng đầu chống lại phiến quân Huthi đã không kích trúng vào một nhà tù ở thành phố Dhamar, phía Nam thủ đô Sanaa của Yemen.
- Lãnh đạo các nước tới dự kỷ niệm 80 năm thế chiến 2 bắt đầu ở Ba Lan. Một số vấn đề quá khứ đang bị các nước khơi lại. Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tới Ba Lan. Nhưng ông Trump đã hủy chuyến đi vào phút cuối, với lý do bão Dorian sắp đổ bộ vào Florida.
- Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề xuất gói ngân sách quốc phòng mới sẽ bao gồm chi phí mua các máy bay chiến đấu F-35B, nâng cấp các tàu sân bay trực thăng Izumo để có thể mang theo các máy bay F-35 và phát triển dòng máy bay chiến đấu thế hệ 6. Gói ngân sách 38 triệu USD mà Bộ Quốc phòng Nhật đề xuất cũng nhằm tăng cường năng lực quân sự của nước này trên không gian vũ trụ và không gian mạng.
- Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố nước này và Ba Lan hoàn toàn thống nhất về việc Liên minh châu Âu (EU) cần duy trì và thắt chặt các biện pháp trừng phạt Nga cho đến khi thoả thuận Minsk được thực thi. Ukraine nhiều lần cáo buộc Nga can thiệp vào nội bộ nước này khi ủng hộ phe đòi độc lập ở miền Đông và đưa quân cũng như khí tài hạng nặng tới Donbass.
- Hàng nghìn người tập trung bên ngoài phố Downing ở London để phản đối quyết định đình chỉ quốc hội của Boris Johnson. Biểu tình cũng diễn ra ở khoảng 10 thành phố khác như Exeter, Oxford, Manchester, York và Newcastle.
- Phát biểu trước báo giới tại một sự kiện ở khu định cư Elkana, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định, Israel sẽ mở rộng chủ quyền của người Israel tới tất cả các khu định cư. Tuy nhiên, ông Netanyahu không cho biết thời điểm sẽ thực hiện kế hoạch này.
- 6 nghị sĩ Hàn Quốc đến nhóm đảo Dokdo/Takeshima và tuyên bố đây là động thái nhằm phản đối Tokyo. Bộ Ngoại giao Nhật Bản sau đó lên tiếng phản đối, chỉ trích chuyến thăm là hành động "cực kỳ đáng tiếc và không thể chấp nhận", khẳng định Takeshima là một phần lãnh thổ Nhật Bản.