Cụ thể, trong văn bản gửi tới Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố ngày 04/11/2022, Bộ Công Thương cho biết, trước diễn biến phức tạp của nguồn cung và giá cả xăng dầu thế giới, thời gian gần đây, thị trường xăng dầu trong nước có hiện tượng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại một số tỉnh, thành phố đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế đã gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân cũng như nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp.
Theo đó, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cung ứng kịp thời nguồn xăng dầu cho nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Công an, chính quyền các địa phương xem xét, có phương án phân luồng, tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển xăng dầu được lưu thông, tiếp cận, cung ứng nguồn hàng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm.
Cũng trong ngày 04/11/2022, Bộ Công Thương có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam về việc bảo đảm duy trì việc cung ứng xăng dầu đầy đủ và liên tục cho thị trường trong nước, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo 2 thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu (Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn) cần:
(i) Duy trì hoạt động sản xuất ổn định của nhà máy lọc dầu, tăng công suất ở mức tối đa có thể để cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước;
(ii) Có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký, hỗ trợ cung ứng cho các thương nhân đầu mối (kể cả các thương nhân đầu mối không ký kết hợp đồng dài hạn với Nhà máy) để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt tại các khu vực bị thiếu hàng cục bộ;
(iii) Điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất mặt hàng xăng để cung ứng cho thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chỉ đạo Tổng công ty dầu Việt Nam - Công ty cổ phần (PVOil) các nhiệm vụ, gồm:
(i) Chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu, mua trong nước để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Tổng công ty và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của Tổng công ty;
(ii) Chia sẻ nguồn cung, chiết khấu cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị chỉ đạo cụ thể các ngân hàng thương mại xem xét giải quyết cụ thể đối với từng doanh nghiệp mà đang khó khăn trong việc tiếp cận vốn bảo lãnh và thanh khoản; đồng thời có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường quản lý nhà nước theo thẩm quyền và phối hợp với Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành để giải quyết một cách khẩn trương, hiệu quả.
Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề chiết khấu, định mức lợi nhuận, chiều ngày 4/11/2022, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công Thương. Và cũng ngay trong chiều 4/11, Bộ Công Thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính. Như vậy, nếu không có gì thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành ngày 11/11, những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cùng ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước phối hợp các cơ quan chức năng tại địa bàn khẩn trương thực hiện các chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương trong kiểm tra xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình; yêu cầu các đơn vị hoạt động theo đúng nội dung giấy xác nhận đủ điều kiện đã được cấp, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên địa bàn.
Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; hành vi bán xăng dầu có các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác, trừ trường hợp thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật đã được UBND tỉnh, thành phố cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó; đối với trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, cần kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng, kiên quyết xử lý nghiêm khắc theo quy định; kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù là bất kể thương nhân ở loại hình nào.
Thủ trưởng cơ quan quản lý thị trường chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức công tác giám sát, kiểm tra xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm.