Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước. Tính chung 7 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,6%; ngành khai khoáng tăng 4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,3%.
Tính chung 7 tháng năm 2023, IIP ước tính giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,6%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,5%), làm giảm 0,7 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 1,2%, làm giảm 0,2 điểm phần trăm.
Chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 12,2%; khai thác quặng kim loại và sản xuất sản phẩm thuốc lá cùng tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 7,6%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu tăng 7,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 6,4%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 6,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 6,8%; sản xuất xe có động cơ giảm 6,2%; sản xuất trang phục giảm 5,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học và sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác cùng giảm 4,3%.
Sản xuất công nghiệp tăng ở 49 địa phương
Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 7 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Đường kính tăng 32,3%; phân hỗn hợp N.P.K tăng 15,9%; xăng dầu tăng 13,2%; ti vi tăng 11,4%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 8,9%; thuốc lá điếu tăng 8,6%; sơn hóa học và sữa tươi cùng tăng 6%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 19,6%; điện thoại di động giảm 19,3%; thép thanh, thép góc giảm 16,7%; xe máy và xi măng cùng giảm 5,8%; quần áo mặc thường giảm 5,7%; phân u rê giảm 4,4%.
Cũng theo cập nhật của Tổng cục Thống kê, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2023 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 3,9% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% và giảm 1,1%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,3% và giảm 3,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,2% và giảm 4,4%.
Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,1% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,9% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,9% và giảm 4,2%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không đổi so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,9% so với cùng thời điểm năm trước; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và tăng 1,7%.
Tình hình sản xuất công nghiệp tháng 7/2023 khởi sắc hơn phù hợp với những dự báo của giới phân tích.
Thời điểm kết thúc nửa đầu năm, nhiều chuyên gia cho rằng, trong những tháng cuối năm 2023 bối cảnh thế giới dự báo tiếp tục có nhiều biến động khó lường, xung đột Nga-Ucraina còn tiếp diễn. Trong nước, sức chống chịu của các doanh nghiệp sản xuất sau thời gian dài chịu tác động của dịch Covid-19 vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do khó khăn về vốn trong khi đơn hàng giảm… Tuy nhiên, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và nỗ lực, linh hoạt của doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp các tháng cuối năm sẽ khởi sắc hơn các tháng đầu năm.
Kết quả khảo sát mới nhất của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II/2023 tuy vẫn gặp khó khăn nhưng đã có dấu hiệu phục hồi.
Về xu hướng, 64,2% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2023 khởi sắc hơn quý I/2023 với 27,5% đánh giá tốt hơn 36,7% đánh giá giữ ổn định, trong khi 35,8% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
72,6% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý III/2023 so với quý II/2023 tốt hơn và giữ ổn định (trong đó 34,3% dự báo sẽ tốt hơn và 38,3% dự báo giữ ổn định), trong khi 27,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn hơn.