Sắp vào mùa cao điểm, doanh nghiệp bán lẻ vẫn cần nỗ lực để duy trì tăng trưởng doanh thu

Mặc dù sắp bước vào mùa cao điểm nhưng nhóm phân tích VDSC đánh giá các doanh nghiệp bán lẻ vẫn cần nỗ lực nhiều hơn để duy trì tăng trưởng doanh thu với nhận định doanh thu quý 4/2023 có thể sẽ vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.
Mua hàng siêu thị
Mặc dù các điều kiện thị trường đã được cải thiện, VDSC nhận định các doanh thu của các doanh nghiệp bán lẻ trong quý 4/2023 vẫn có khả năng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đánh giá của nhóm phân tích thuộc hãng chứng khoán Rồng Việt Securities (VDSC), dữ liệu quá khứ cho thấy, ngoại trừ thời kỳ đại dịch Covid-19 (2020-2022), doanh số bán hàng của các nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam thường đạt mức cao nhất trong quý 4 và quý 1. Đối với năm nay, VDSC nhận định người tiêu dùng sẽ quay lại thói quen mua sắm như trước đây.

Cùng với sự hạ nhiệt của lạm phát, lãi suất thấp hơn, sự phục hồi kinh tế, và các chính sách kích cầu của Chính phủ (như chính sách giảm VAT), doanh số bán hàng trong quý 4/2023 của các doanh nghiệp bán lẻ niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ ở mức cao hơn so với quý 3/2023. 

Đáng chú ý, trong nửa đầu năm nay, mặc dù sức mua toàn thị trường suy yếu nhưng các nhà bán lẻ đầu ngành lại tận dụng cơ hội để mở rộng quy mô hoạt động, gia tăng chiếm lĩnh thị phần từ các đối thủ có mức độ cạnh tranh thấp hơn. Điển hình, tính đến cuối quý 2/2023,  Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã cổ phiếu MWG) công bố đang vận hành 5.605 cửa hàng, tương đương với 54 cửa hàng mới đã được mở (chủ yếu là từ chuỗi Điện Máy Xanh) so với cuối năm 2022. Tương tự, nhà bán lẻ thực phẩm - WinMart thuộc Tập đoàn Masan (mã cổ phiếu MSN) đã nâng tổng số cửa hàng lên 3.511 cửa hàng vào cuối tháng 6/2023, tăng 113 cửa hàng so với thời điểm đầu năm nay.

Số cửa hàng bán lẻ
Tổng số cửa hàng của Thế giới Di động (bên trái) và của FRT Retail (bên phải). (Nguồn: Thế giới Di động, FRT Retail, VDSC)
Số cửa hàng bán lẻ
Tổng số cửa hàng của Vàng Phú Nhuận (bên trái) và của WinCommerce bên phải). (Nguồn: Vàng Phú Nhuậnt, Tập đoàn Masan, VDSC)

Những bước mở rộng này sẽ giúp các nhà bán lẻ gia tăng phạm vi hoạt động, tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Với việc nền kinh tế dự kiến phục hồi rõ rệt hơn kể từ quý 4/2023, các nhà bán lẻ có khả năng ghi nhận lưu lượng khách hàng tăng đáng kể, hỗ trợ tích cực doanh số bán hàng, theo VDSC.  

Xem thêm: "Chuỗi Bách Hoá Xanh của Thế giới Di động (MWG) được định giá 1,5 tỷ USD liệu có hợp lý?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Mặc dù nghiêng về mặt tích cực rằng lượng khách đến các cửa hàng sẽ dần tăng trở lại nhưng VDSC cho rằng các nhà bán lẻ sẽ cần rất nhiều nỗ lực để tăng doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng trong trung hạn. Nền kinh tế được nhận định sẽ cần thời gian để phục hồi dần về mức bình thường, vì vậy thu nhập của các hộ gia đình cũng sẽ không tăng mạnh, phần nào hạn chế khả năng chi trả cho các sản phẩm có giá trị lớn.

Do đó, mặc dù doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng trong quý 4/2023 được dự kiến sẽ phục hồi so với quý 3/2023, nhưng có thể sẽ không vượt quá mức của quý 4/2022, theo đánh giá của VDSC.

Giá cổ phiếu ngành bán lẻ
Diễn biến giá cổ phiếu MWG, FRT, MSN, và PNJ từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Tuy nhiên, VDSC cũng lưu ý, tâm lý chi tiêu của người tiêu dùng rất khó dự đoán. Vẫn có khả năng các nhà bán lẻ tiếp tục tung ra nhiều chiến dịch quảng cáo, khuyến mại hấp dẫn với cường độ cao như giai đoạn đầu năm nay, điều có thể thúc đẩy người tiêu dùng tăng mạnh chi tiêu, dẫn đến doanh thu trên mỗi cửa hàng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong giai đoạn nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp bán lẻ đầu ngành đã chấp nhận hy sinh lợi nhuận để thực hiện các biện pháp kích cầu, giữ thị phần khi sức mua yếu khiến mức độ cạnh tranh trở nên gay gắt hơn.

Quỳnh Trang