Cổ phiếu FRT bứt phá bất chấp kết quả kinh doanh kém tích cực
Kết thúc ngày 5/10, cổ phiếu FRT của Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) giảm 0,8% xuống còn 94.400 đồng/cổ phiếu trong bối cảnh thị trường chung chịu áp lực giảm. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch, cổ phiếu FRT đã có lúc đạt tới 96.000 đồng/cổ phiếu - mức cao nhất trong lịch sử niêm yết của FPT Retail.
So với loạt cổ phiếu bán lẻ lĩnh vực công nghệ khác, cổ phiếu FRT đang cho thấy sự bứt phá vượt trội. Cụ thể, chỉ trong vòng 30 ngày giao dịch gần nhất, cổ phiếu FRT đã tăng hơn 39%; trong khi đó, cổ phiếu DGW của Thế Giới Số chỉ tăng 15% và cổ phiếu MWG của Thế giới Di động gần như đi ngang. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá cổ phiếu FRT đã tăng hơn 59%.
Đà tăng của cổ phiếu FRT trong thời vừa qua phần nào được hỗ trợ bởi dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình, nhóm quỹ Dragon Capital đã gom mua thêm khoảng 1,5 triệu cổ phiếu FRT trong tháng 9 vừa qua, nâng tỷ lệ sở hữu lên 9,01% vốn điều lệ FPT Retail (tương đương 12,28 triệu cổ phần).
FPT Retail hiện đang sở hữu (1) chuỗi bán lẻ điện tử điện máy FPT Shop và (2) chuỗi nhà thuốc Long Châu bao phủ trên toàn quốc.
Xét về hoạt động kinh doanh, luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, FPT Retail ghi nhận doanh thu đạt 14.924 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ, nhưng báo lỗ ròng gần 213 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi 216 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này còn cách rất xa mục tiêu doanh thu 34.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 240 tỷ đồng cả năm nay.
Nguyên nhân chủ yếu do sức mua yếu và cuộc chiến cạnh tranh giá khốc liệt giữa các nhà bán lẻ trong giai đoạn vừa qua, buộc chuỗi FPT Shop cũng phải thực hiện chiến lược giảm giá bán để giữ thị phần. Động thái này đã khiến chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của FPT Retail tăng tới 40% nhưng doanh thu chỉ tăng 15% trong quý 2/2023.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo FPT Retail, mục tiêu chính của FPT Shop là gia tăng thị phần nhằm đạt mục tiêu trong dài hạn; do đó, công ty chấp nhận hy sinh lợi nhuận trong ngắn hạn để đặt nền móng cho tương lai. Về mạng lưới cửa hàng, tính đến cuối tháng 6/2023, FPT Shop đạt mốc 800 cửa hàng, trong đó hiện có 585 cửa hàng bán hàng gia dụng (tăng 285 cửa hàng so với đầu năm).
Kỳ vọng chuỗi nhà thuốc Long Châu chiếm lĩnh thị phần bán lẻ dược phẩm
Điểm sáng lớn nhất của FPT Retail trong nửa đầu năm nay là chuỗi nhà thuốc Long Châu với doanh thu đạt gần 6.900 tỷ đồng, chiếm 46% tổng doanh thu, nhưng tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 6 tháng đầu năm nay, chuỗi nhà thuốc Long Châu đã mở thêm 306 cửa hàng (hoàn thành 77% kế hoạch mở mới cả năm), nâng tổng số cửa hàng lên 1.243 cửa hàng, trở thành chuỗi bán lẻ nhà thuốc hiện đại có số lượng cửa hàng nhiều nhất Việt Nam.
Đáng chú ý, Long Châu là chuỗi nhà thuốc bán lẻ lớn có mô hình hoạt động hiệu quả nhất hiện nay khi duy trì được mức doanh thu/cửa hàng là 1 tỷ đồng/tháng, và có biên lợi nhuận gộp trên 23%. Chỉ sau 2 năm về với FPT Retail, chuỗi nhà thuốc Long Châu đã đạt độ phủ sóng mạnh mẽ trên toàn quốc với tốc độ tăng trưởng lên đến 23,4%/quý kể từ năm 2020, vượt xa các đối thủ cùng ngành khác về quy mô.
Điểm khác biệt của Long Châu so với các cửa hàng nhà thuốc còn lại là việc tích cực áp dụng số hóa vào việc bán hàng. Trong 5 tháng đầu năm 2022, Long Châu đã áp dụng công nghệ Trí thông minh Nhân tạo (AI) vào gần 300 cửa hàng nhằm tối ưu trải nghiệm chăm sóc khách hàng. Điều này giúp cho chuỗi nhà thuốc này có được tỷ lệ khách hàng quay trở lại đạt 70%; và 100% cửa hàng áp dụng AI đều ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu. Cho thấy được bước đầu áp dụng AI vào việc bán hàng và quản lý hàng hóa là hướng đi đúng của FPT Retail.
Quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam hiện ước đạt 6 - 7 tỷ USD trong năm 2022 với khoảng 30% doanh thu là từ kênh OTC (thuốc bán không cần kê đơn). Hiện cả nước có gần 60.000 nhà thuốc nhưng chỉ có hơn 2.400 cửa hàng bán theo mô hình chuỗi hiện đại (khoảng 4% tổng số nhà thuốc), bao gồm 1.243 cửa hàng Long Châu. Long Châu cũng đang đẩy mạnh quảng bá việc phân phối thuốc theo đơn bác sĩ (kênh ETC) đến người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, chuỗi nhà thuốc Long Châu liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi, kích thích mua sắm dựa trên thế mạnh về giá bán, nguồn cung sản phẩm đầy đủ và áp dụng công nghệ mới để tối ưu trải nghiệm cho khách hàng, từ đó dần giành thị phần của các cửa hàng thuốc truyền thống cũng như các đối thủ trong phân khúc nhà thuốc hiện đại.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất lớn do chưa có đơn vị dẫn đầu thị trường về thị phần; cơ cấu già hóa dân số ngày càng gia tăng; và nhu cầu quan tâm về sức khỏe tăng mạnh sau đại dịch COVID-19, đặc biệt là nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng, hỗ trợ sức khoẻ.
Theo đánh giá gần đây của MBS Research, doanh thu của chuỗi Long Châu có thể đạt 15.257 tỷ đồng trong cả năm 2023 với kỳ vọng tổng số cửa hàng đạt 1.450 vào cuối năm nay, và công nghệ AI được áp dụng tại 500 cửa hàng.