Sẽ ban hành Nghị quyết của Quốc hội về áp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo thuế tối thiểu toàn cầu

Sáng 10/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội xem xét dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ trình Quốc hội xem xét dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ trình Quốc hội xem xét dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu

Tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam

Thẩm tra về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, các quy định về việc áp dụng Thuế Tối thiểu toàn cầu của OECD, hay còn được gọi là quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, được OECD đề xuất và bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. Nội dung thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu này đã đạt được sự thoả thuận tham gia của hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Hiện nhiều nước đã nội luật hoá các quy định này để áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. Nếu Việt Nam không nội luật hoá các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu thì các nước xuất khẩu đầu tư sẽ được thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế dưới 15%.

Vì vậy, để giữ quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh các nước xuất khẩu đầu tư sang Việt Nam sẽ thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, cần thiết phải sớm nội luật hóa bằng cách ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu có thể kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam, thay vì để các nhà đầu tư nước ngoài nộp khoản thuế bổ sung này tại nước mẹ.

Mặt khác, việc sớm ban hành Nghị quyết sẽ thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu

Trong bối cảnh Chính phủ chưa triển khai kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để quy định vào Luật các nội dung liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, đa số ý kiến nhất trí cần tạm thời ban hành Nghị quyết (thí điểm) của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD trước khi tiến hành sửa Luật để bảo đảm quyền thu thuế của Việt Nam, phù hợp với xu thế và chuẩn mực quốc tế trong quản lý thuế; đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về kế hoạch, thời gian sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để bảo đảm các nội dung về thuế phải được quy định một cách thống nhất trong Luật.

Vẫn sẽ tiến hành sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp một cách tổng thể 

Trong Tờ trình, Cơ quan soạn thảo cũng thể hiện quan điểm tiếp tục “giữ nguyên các chính sách ưu đãi hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu”.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với quan điểm này, song đề nghị cần xác định đây chỉ là cách xử lý trong thời gian áp dụng tạm thời, trước khi tiến hành sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp một cách tổng thể.

Trong bối cảnh và xu thế mới về thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, việc tiếp tục duy trì hệ thống ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành là không phù hợp và không còn có tác dụng trên thực tế, trong khi chi phí về miễn giảm thuế làm giảm thu NSNN hàng năm hàng chục nghìn tỷ đồng.

Các chuyên gia đều cho rằng việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu mở ra cơ hội để Việt Nam tiến hành rà soát, đánh giá lại hiệu quả của hệ thống ưu đãi thuế hiện hành.

Vì vậy, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ tác động đối với môi trường đầu tư do việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, để khi tiến hành sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, ngoài việc đưa vào Luật các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ đồng thời cần nghiên cứu, cải cách hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế một cách tổng thể và phù hợp, để có hướng xử lý về chính sách đối với các nhà đầu tư mới và bảo đảm hiệu quả thực tế của các ưu đãi thuế; theo đó, cần nghiên cứu thay thế chính sách ưu đãi hiện hành dựa trên lợi nhuận (thông qua việc miễn, giảm thuế) bằng các biện pháp ưu đãi dựa trên chi phí một cách phù hợp.

Đánh giá đúng số lượng doanh nghiệp sẽ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết

Việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu là một nội dung hoàn toàn mới, khác với các quy định hiện hành của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và một số luật liên quan khác. Vì vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung này cần được quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong trường hợp ban hành Nghị quyết thì tên gọi của Nghị quyết phải là Nghị quyết thí điểm. Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng đây không phải là nghị quyết thí điểm.

Đa số ý kiến nhất trí cần tạm thời ban hành Nghị quyết (thí điểm) của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD trước khi tiến hành sửa Luật
Đa số ý kiến nhất trí cần tạm thời ban hành Nghị quyết (thí điểm) của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD trước khi tiến hành sửa Luật

Cập nhật thông tin về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Chính phủ đề nghị tên gọi của Nghị quyết không có chữ “thí điểm” để bảo đảm sự chắc chắn cho văn bản đạt chuẩn khi OECD hoặc các nước có quyền lợi liên quan thực hiện rà soát đồng cấp. Đây là vấn đề về hình thức văn bản. Tuy nhiên, để giảm tối đa các vướng mắc có thể có cho các nhà đầu tư khi thực hiện kê khai thuế tại nước mẹ, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với việc không có chữ “thí điểm” trong tên gọi của Nghị quyết, song về bản chất, Nghị quyết này vẫn là một Nghị quyết thí điểm do có những quy định về chính sách mới, khác với các quy định của các luật hiện hành. Theo đó, cần có các quy định cụ thể về thời hạn áp dụng và kết thúc theo đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL.

Về đánh giá tác động, Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ đã tính toán dựa trên số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 và dự kiến có khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài sẽ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết. Đối với các tập đoàn trong nước, Báo cáo của Chính phủ dự kiến có 6 tập đoàn sẽ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết.

Tuy nhiên, theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, ngay cả đối với phần thu nhập trong nước của các tập đoàn này đang có thuế suất thực tế dưới 15% cũng sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa (QDMTT) để tránh việc các nước thứ 3 sẽ được quyền thu khoản thuế này của Việt Nam từ năm 2025. Đây sẽ có thể là ảnh hưởng đáng kể đối với các tập đoàn trong nước.

Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ hiện còn chưa đánh giá hết những tác động này, bao gồm cả khả năng số tập đoàn trong nước bị ảnh hưởng sẽ thay đổi hàng năm và có thể là nhiều hơn số lượng đang dự kiến. Vì vậy, Chính phủ cần tính đến các tác động này để chuẩn bị phương án, quan điểm xử lý phù hợp.

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ trình Quốc hội xem xét dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu

Bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện Nghị quyết

Dự thảo Nghị quyết quy định việc thu thuế tối thiểu toàn cầu của Việt Nam và cũng liên quan trực tiếp đến nội dung phân chia quyền đánh thuế quốc tế đối với các tập đoàn đa quốc gia thuộc diện điều chỉnh của nhiều nước có liên quan. Vì vậy, khi thực hiện có thể dẫn đến khả năng vướng mắc, khiếu nại về số thuế phải nộp, về cách tính toán,… của các doanh nghiệp là thành viên tập đoàn đa quốc gia.

Do đó, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị các cơ quan quản lý liên quan chuẩn bị các giải pháp để bảo đảm việc triển khai thực hiện các quy định của Nghị quyết được thuận lợi, tránh phát sinh các mâu thuẫn, tranh chấp quốc tế như Cơ chế trao đổi thông tin hoặc phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện với các quốc gia hoặc doanh nghiệp có liên quan,…

Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là một nhiệm vụ khó khăn và phức tạp đối với cơ quan quản lý thuế khi thực hiện quản lý thu từ các cơ chế thuế khác nhau, trong đó cần chuyển hoá các Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD thành các quy trình quản lý thuế thực tiễn, thiết kế các thủ tục hành chính, biểu mẫu mới, điều chỉnh hệ thống công nghệ thông tin, phân tích tác động kinh tế, dự báo thu,... và đặc biệt là nhận diện những tập đoàn nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thay đổi hàng năm.

Các nội dung này đòi hỏi sự phối hợp với tổ chức thuế quốc tế và cơ quan thuế các nước, triển khai các hoạt động hợp tác đa phương về trao đổi thông tin tự động phục vụ thu thuế tối thiểu toàn cầu cũng như từ góc độ tổ chức bộ máy, cơ chế thực hiện trong nước. Do đó, Ủy ban Tài chính, Chính sách đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các nội dung này để bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện Nghị quyết; xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai chính thức, làm rõ về các công việc cụ thể, phân công trách nhiệm, tổ chức bộ máy và nguồn lực để kịp thời đáp ứng năng lực thực hiện cho cơ quan thuế cũng như người nộp thuế.

Phương Chi