2 tháng mở rộng điều tra, tìm ra kết quả
Sau hơn 2 tháng mở rộng điều tra, làm việc với các đơn vị liên quan, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Cục QLTT Hưng Yên vừa chấm dứt điều tra và kết thúc vụ án bắt giữ xưởng sản xuất áo khoác hai lớp “nhái” thương hiệu The North Face - một mặt hàng thời trang nổi tiếng và được ưa chuộng tại Mỹ.
Hiện nay, Cục QLTT tỉnh Hưng Yên đã chuyển giao hồ sơ có dấu hiệu tội phạm, tang vật, phương tiện tạm giữ của hộ kinh doanh Đào Văn Củ (địa chỉ tại Thôn Tân Mỹ I, xã Phú Cường, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) làm chủ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) - Công an tỉnh Hưng Yên để thụ lý, điều tra xác minh làm rõ theo quy định của Pháp luật.
Như đã đưa tin trước đây, chiều ngày 9/9/2019, Cục QLTT Hưng Yên dưới sự chỉ đạo của Tổng cục QLTT đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên bất ngờ kiểm tra xưởng sản xuất do ông Đào Văn Củ làm chủ, có địa chỉ tại xã Phú Cường, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
Bất ngờ ập đến, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang sản xuất mặt hàng may mặc gồm áo khoác hai lớp mang nhãn hiệu “The North Face” trong đó có phương tiện, nguyên liệu, phụ liệu để phục vụ cho sản xuất tại cơ sở.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hợp đồng gia công hàng hoá và các hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của toàn bộ nguyên liệu, phụ liệu.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ 903 chiếc áo khoác hai lớp mang nhãn hiệu “The North Face”; 323kg phụ liệu; 27.525 cái tem, nhãn, mác các loại; 18.113kg vải cuộn và 58 chiếc máy móc các loại phục vụ cho việc sản xuất hàng hoá có dấu hiệu giả mạo và vi phạm nhãn hiệu “The North Face” của Công ty The North Face Apparel Corp có địa chỉ tại 3411 Silverside Road, Wilmington, Delaware, 19810, Hoa Kỳ đã được bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam.
Chưa có đại lý chính hãng tại Việt Nam
Làm việc với đại diện pháp lý The North Face Apparel Corp tại Việt Nam là Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN, lực lượng QLTT Hưng Yên xác nhận “toàn bộ 903 chiếc áo khoác hai lớp mang nhãn hiệu The North Face đang bị tạm giữ là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu”.
Đó cũng chính là kết luận được Cục sở hữu trí tuệ đưa ra. “Hàng hóa là áo khoác hai lớp mang dấu hiệu “The North Face” trùng với nhãn hiệu: The North Face, hình” bị coi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ” Công văn do Cục sở hữu trí tuệ nêu rõ.
Tiếp tục làm việc với Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN yêu cầu cung cấp giá của sản phẩm áo khoác hai lớp của Công ty The North Face đang được xuất bán cho hệ thống phân phối chính hãng tại Việt Nam, lực lượng QLTT Hưng Yên được biết, các sản phẩm bị thu giữ trong vụ việc nói trên được sản xuất theo mẫu cũ của Công ty The North Face, trong khi đó Công ty The North Face không còn sản xuất hay phân phối các mẫu sản phẩm cũ này tại thị trường.
“Công ty The North Face hiện chưa có bất cứ cửa hàng hay nhà phân phối/ đại lý chính hãng nào ở Việt Nam”, đại diện Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN khẳng định.
Do vậy, Đoàn kiểm tra không đủ căn cứ để xác định giá của 903 chiếc áo đang được cơ quan chức năng tạm giữ. Đoàn kiểm tra đã thành lập Hội đồng định giá theo quy định để xác định giá trị tang vật, trị giá lô hàng là 108.360.000 đồng.
Thời điểm hiện tại, Cục QLTT Hưng Yên đã có văn bản xin ý kiến chuyên môn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên giải quyết vụ việc có dấu hiệu hình sự là sản xuất hàng hoá giả mạo nhãn hiệu The North Face, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên đã đề nghị Cục QLTT Hưng Yên chuyển giao toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) – Công an tỉnh Hưng Yên để thụ lý và điều tra làm rõ.
Bài trừ các sản phẩm giả, nhái thương hiệu ra khỏi thị trường
Trong thời gian qua, bằng hàng loạt các chuyên đề, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục QLTT các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ người dân cũng như thương hiệu của doanh nghiệp.
Không ít vụ việc đã được lực lượng QLTT lôi ra ánh sáng, tiếp tục được điều tra, mở rộng và làm rõ các vi phạm. Điển hình như vụ thu giữ hàng nghìn sản phẩm “hàng hiệu” tại Thương trường Quốc tế Hồng Nguyên và Trung tâm thương mại Asean tại Móng Cái, Quảng Ninh; truy quét hàng chục nghìn chiếc đồng hồ nhái thương hiệu Thuỵ Sỹ tại Khánh Hoà, Nha Trang, Đà Nẵng, TP.HCM.
Hàng trăm tấn đường cát đã bị “chặn đứng” khi đang trên đường phân phối; Vụ tóm gọn hàng chục nghìn sản phẩm thời trang đang được cắt mác, làm giả xuất xứ để đưa vào các cửa hàng tại Hà Nội. Gần đây nhất, lực lượng QLTT đang vào cuộc làm rõ những vi phạm “nếu có” của thương hiệu thời trang Seven.AM theo phản ánh của báo chí…
Chưa dừng lại ở đó, nắm chắc thời điểm cuối năm, các đối tượng buôn lậu sẽ lợi dụng những kẻ hở để thẩm lậu hàng hoá vào tiêu thụ tại thị trường nội địa, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục QLTT trực thuộc tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát thị trường, hạn chế tối đa việc thẩm lậu hàng hoá không đảm bảo vào thị trường, ảnh hưởng đến doanh nghiệp chân chính và sức khoẻ của người dân.