Sức sống của những tác phẩm về người bạn bốn chân

Lần đầu tiên tôi biết Buck qua cuốn truyện - món quà tặng nhân dịp đạt học sinh giỏi năm lớp 4 mà bố mua cho tôi. Tôi đã say mê, đã thao thức, quên ăn quên ngủ, đã khóc, đã cười cùng chú chó trong câu

Từ những trang sách

Người Việt Nam ham đọc sách những năm đó bị Buck tác động mạnh đến nỗi nhà nào nuôi chó cũng đặt tên cho chú chó của mình là “Bấc” - cách phiên âm nôm na từ cái tên nguyên bản. Sách ngoại văn lúc đó cũng phiên âm theo cách ấy nên ai cũng chỉ nhớ mỗi chú chó có cái tên Bấc “có dấu” thân thương, gần gũi giống hệt con Vện, con Vàng, con Mực… của làng quê Việt Nam, nên cũng không ít người lạ lẫm với tên gọi Buck như trong nguyên bản câu chuyện. Trào lưu đặt tên Bấc cho người bạn bốn chân của mỗi nhà còn đến dăm bảy năm sau đó, nó vừa gửi gắm ao ước cho chú chó nhà mình đức tính thông minh, trung thành cứu giúp chủ giống như của Bấc, lại vừa phần nào thể hiện văn hóa đọc sách của người chủ nuôi chó.

Rồi Bấc cũng được dựng thành phim nhưng dường như chính số phận quá nổi tiếng của chú chó này đã “làm hại” các nhà làm phim bởi vì không có diễn viên 4 chân nào có thể lột tả được đầy đủ mọi tính cách của Bấc, nhất là giai đoạn ở những năm đầu tiên của thế kỷ 20 điện ảnh còn nhiều hạn chế về kỹ thuật.

Cuộc sống hiện đại với những dòng chảy hướng mạnh vào đời sống bình dị đã cho ra đời thêm những câu chuyện thực về người bạn bốn chân và chính chúng đã trở thành tư liệu của những tác phẩm văn học và điện ảnh về những chú chó thông minh, trung thành, đáng yêu có số phận “nhẹ nhàng” hơn Bấc. Đó là Rex trong phim “Rex chú chó thám tử” hay Uggie trong phim “The artist” hoặc Capi trong truyện “Không gia đình”, Hachiko trong phim “Hachiko”, Akita trong phim “Chú chó Wasao”…

Bước bốn chân vào điện ảnh

Seri phim “Rex chú chó thám tử” là một bộ phim thuộc thể loại hình sự - phá án có sức hấp dẫn khán giả màn ảnh nhỏ không kể tuổi tác, giới tính. Dạo đầu thập niên 2000, bộ phim từng được phát sóng trên kênh VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam đã làm đảo lộn nhịp sinh hoạt của không ít các gia đình. Nhà nào cũng cơm nước nhanh chóng để mải mê cùng theo dõi Rex và đội đặc nhiệm phá án. Bộ phim kể về một chú chó chăn cừu giống Đức trong vai trò là một chú chó cảnh sát tên Rex chuyên điều tra các vụ án giết người đáng chú ý, họ làm việc cùng nhau và truy tìm ra hung thủ. Tính giải trí cao của bộ phim khiến người xem yêu thích cậu diễn viên điện ảnh bốn chân vô cùng, lại có những chú chó con được đặt tên là Rex ra đời.

Nhưng đi vào đời sống trước cả Rex, trước cả Bấc chính là Capi - chú chó thông minh, tình nghĩa trong Không gia đình -tiểu thuyết nổi tiếng nhất của văn hào Pháp Hector Malot, được xuất bản năm 1878. Tác phẩm đã được giải thưởng của Viện Hàn lâm Văn học Pháp. Có thể nói Capi là một chú chó tiêu biểu cho câu ngạn ngữ “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nhà nghèo”. Thế giới đã có đến 10 bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm này và hầu hết đều được khán giả đón nhận vì tính nhân văn ấm áp cùng sự dễ chịu, thoải mái trong cách diễn của dàn diễn viên và đặc biệt là nhân vật chú chó Capi do một diễn viên bốn chân được huấn luyện chuyên nghiệp thủ vai khiến cho các em nhỏ say mê thưởng thức.

Chú chó Uggie, 10 tuổi, thuộc nòi Jack Russell, từng tham gia rất nhiều bộ phim nhưng được yêu mến qua bộ phimThe artist. Huấn luyện viên Sarah Clifford kể lại khi nhận được kịch bảnThe artist, chú chó mà cô nghĩ ngay đến chính là Uggie. Kỷ niệm mà cô không thể quên trong quá trình đóng phim chính là cảnh quay Jean - nhân vật chính cũng là chủ của chú chó cầm khẩu súng gí vào đầu định tự sát, lúc này Uggie chạy đến, dùng mõm cố gắng kéo khẩu súng ra khỏi tay Jean.“Lúc đó tôi rất choáng. Tôi chưa bao giờ dạy Uggie làm vậy. Có lẽ Uggie thấy Jean run lẩy bẩy và nghĩ rằng anh ta đang gặp nguy hiểm nên cố gắng cứu chủ nhân của mình. Uggie đã làm nên một cảnh quay thật cảm động” - Sarah Clifford chia sẻ.

Biểu tượng thủy chung

Một trong những câu chuyện xúc động nhất về loài chó khiến cho nhân loại thổn thức mãi khôn nguôi chính là chú chó chung thành Hachiko. Chuyện xảy ra ở nước Nhật, chó Hachiko là một chú chó có thật, câu chuyện về tình bạn giữa Hachiko và người chủ là giáo sư Eisaburo Ueno là câu chuyện có thật, do một học sinh của giáo sư chứng kiến tình cảm trung thành, yêu thương chờ đợi của Hachiko trong suốt những năm ròng rã đã viết thành bài báo và từ đó Hachiko được dựng thành phim. Giáo sư Eisaburo Ueno coi Hachiko là một người bạn tri kỷ, đi làm thì thôi còn về đến nhà là ông lại chuyện trò vui chơi cùng Hachiko như hình với bóng. Hàng ngày, Hachiko đều chạy bộ ra ga tầu tiễn ông đi làm rồi đến chiều nó lại “xem giờ” để ra ga tầu đón ông. Rồi đến một chiều như thường lệ Hachiko lại ra đón ông nhưng người bạn già của nó không bao giờ trở về nữa. Ông đã qua đời bởi một cơn đột quỵ.

Ngay kể cả khi vợ con giáo sư đã bằng lòng để nỗi nhớ ngủ quên thì Hachiko vẫn không. Đã 9 mùa đông trôi qua, vật đổi sao dời, lòng người cũng đổi thay, chỉ có lòng thương nhớ chủ của Hachiko là không hề phai nhạt. Ngày nắng cũng như ngày mưa, bão tuyết hay mưa rào, Hachiko vẫn kiên gan chờ đợi cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời.

Hachiko đã trở thành một hình tượng nổi tiếng về lòng trung thành tại đất nước Nhật Bản và bức tượng của Hachiko đã được đặt trang trọng ở sân ga Shibuya nơi chú đã đợi chủ nhân suốt gần mười năm. Tôi đã xem bộ phim “Hachiko - Dog’s story”do Richarch Gere đóng vai giáo sư thật sự cảm phục tình cảm của chú chó thủy chung, tình nghĩa. Được biết năm 2008, “Hachiko - Dog’s story” được mang đi dự Liên hoan phim Rome. Trước đó, Richard Gere đã xuất hiện trên thảm đỏ Liên hoan phim Rome cùng với Hachiko - người bạn diễn bốn chân mang tên Akita - "diễn viên chính" của bộ phim. Với Hachiko, điện ảnh lúc này có vẻ rất nhàn hạ vì chỉ việc lột tả đời sống với những góc khuất tình yêu một cách chân thực và sâu sắc nhất.