Tác động phát triển tài chính đến tăng trưởng kinh tế - bằng chứng thực nghiệm tại các quốc gia đang phát triển châu Á

ThS. Nguyễn Chi Thảo (Khoa Kế toán Tài chính, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhằm kiểm định tác động và xác định giá trị ngưỡng của mức độ phát triển tài chính lên tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia và vùng lãnh thổ đang phát triển ở châu Á. Từ đó, đề xuất các giải pháp định hướng phát triển hệ thống tài chính cho các quốc gia này. Nghiên cứu sử dụng hồi quy ngưỡng Fixed Effect Model dựa trên dữ liệu của 33 quốc gia và vùng lãnh thổ đang phát triển ở châu Á giai đoạn 2008 - 2021. Phát triển tài chính được đánh giá trên cả 2 phương diện: dựa trên số liệu của khu vực ngân hàng (tín dụng khu vực tư nhân/GDP và nợ thanh khoản/GDP), dựa trên số liệu của thị trường chứng khoán (vốn hóa thị trường chứng khoán/GDP). Kết quả nghiên cứu cho thấy tăng trưởng dân số và lạm phát, chi tiêu công tác động nghịch biến đến tăng trưởng kinh tế, ngược lại đầu tư và độ mở thương mại tác động đồng biến đến tăng trưởng kinh tế.

Từ khóa: tài chính, tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng dân số, lạm phát, đầu tư, chỉ số phát triển con người, độ mở thương mại, chi tiêu Chính phủ.

 1. Đặt vấn đề

Lĩnh vực tài chính về cơ bản bao gồm các cơ sở là trung gian giữa các đơn vị kinh tế với thặng dư quỹ và các đơn vị kinh tế có quỹ. Các công cụ tài chính và trung gian tài chính đã phát triển đáng kể theo thời gian song song với tiến bộ công nghệ và phát triển kinh tế. Do đó, ngành Tài chính đã trở thành một thành phần chính của các nền kinh tế theo thời gian. Tuy nhiên, mức độ phát triển của ngành Tài chính thay đổi đáng kể tùy thuộc vào mức độ phát triển kinh tế của các quốc gia. Liên kết quốc tế trong lĩnh vực phát triển tài chính và tăng trưởng kinh tế đã trở nên quan trọng hàng đầu trong thời hiện đại. Do tính lưu động hoàn hảo của vốn trên toàn thế giới, các nhà đầu tư sẽ cố gắng đầu tư vào tài sản ở bất kỳ quốc gia nào mang lại lợi nhuận cao nhất. Điều này khuyến khích quá trình huy động nguồn lực dẫn đến tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Vì vậy, chủ đề này được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm: Guru và Yadav (2019) kiểm tra tác động của phát triển tài chính và tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế mới nổi là: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc từ năm 1993 đến năm 2014 sử dụng các chỉ số phát triển khu vực ngân hàng và thị trường chứng khoán. Các chỉ số phát triển khu vực ngân hàng được sử dụng trong nghiên cứu bao gồm quy mô của các trung gian tài chính, tỷ lệ tín dụng trên tiền gửi (CDR) và tín dụng trong nước cho khu vực tư nhân (CPS), trong khi các chỉ số phát triển thị trường chứng khoán là giá trị cổ phiếu giao dịch và tỷ lệ doanh thu. Dimitrios Asteriou, Konstantinos Spanosv (2019) xem xét tác động phát triển tài chính đến tăng trưởng kinh tế của 26 quốc gia châu Âu giai đoạn 1990 - 2016. Bằng phương pháp FEM, kết quả nghiên cứu cho thấy phát triển tài chính đo lường bằng: tài sản ngân hàng thương mại/tổng tài sản ngân hàng thương mại và ngân hàng trung ương, vốn hóa thị trường chứng khoán/GDP, qui mô giao dịch thị trường chứng khoán/GDP có tác động tích cực đến tăng trưởng GDP. Muazu Ibrahim, Paul Alagidede (2018) xem xét ảnh hưởng của phát triển tài chính đối với tăng trưởng kinh tế ở 29 nước châu Phi cận Sahara giai đoạn 1980 - 2014. Kết quả nghiên cứu từ phương pháp system GMM cho thấy tác động phát triển tài chính được đo lường bằng tín dụng tư nhân có tác động phi tuyến đến tăng trưởng GDP bình quân đầu người. Nghiên cứu cho thấy độ mở thương mại, vốn đầu tư cũng có tác động đồng biến đến tăng trưởng kinh tế. Law và Singh (2014), Ibrahim và Alagidede (2018), Cecchetti và Kharroubi (2012) cho thấy tác động đồng biến của tự do hóa thương mại đến tăng trưởng kinh tế.

    Ở Việt Nam, Hoàng Thị Phương Anh và Đinh Tấn Danh (2016) xem xét mối quan hệ giữa phát triển tài chính và phát triển kinh tế của 29 quốc gia trong khu vực châu Á từ năm 1996 - 2013 sử dụng mô hình Dynamic OLS. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy phát triển tài chính có tác động tích cực lên phát triển kinh tế và mối quan hệ này thì mạnh mẽ hơn tại các quốc gia có thu nhập cao. Phan Thị Bích Nguyệt, Phạm Dương Phương Thảo (2016) nghiên cứu cung cấp bằng chứng thực nghiệm về mối quan hệ phi tuyến giữa phát triển tài chính và tăng trưởng kinh tế quốc gia, sử dụng kỹ thuật hồi quy ngưỡng trên dữ liệu bảng với mẫu nghiên cứu là 33 quốc gia châu Á trong giai đoạn 2004 - 2016. Kết quả nghiên cứu này xác định rằng mối quan hệ giữa mức độ phát triển của hệ thống tài chính - ngân hàng trong nền kinh tế lên tăng trưởng kinh tế không phải là tuyến tính mà tồn tại giá trị ngưỡng giới hạn. Khi hệ thống tài chính - ngân hàng chưa vượt mức ngưỡng giới hạn này thì khu vực tài chính có ảnh hưởng tích cực, thúc đẩy tăng trưởng GDP.

2. Mô hình nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu

Dựa trên các công trình nghiên thực nghiệm trước, bám sát nghiên cứu của Law và Singh (2014), nghiên cứu thực hiện phân tích tác động của phát triển tài chính đến tăng trưởng kinh tế, vì nghiên cứu này không chỉ xem xét tác động phát triển tài chính đến tăng trưởng kinh tế mà còn bao gồm các yếu tố vĩ mô phù hợp với tình hình nghiên cứu chung của công trình nghiên cứu trước và các yêu cầu thực tiễn ở các quốc gia đang phát triển hiện nay như: lao động, đầu tư, độ mở thương mại và vốn con người… Phát triển tài chính trong nghiên cứu này xét trên cả 2 cách tiếp cận thông qua thị trường chứng khoán và hệ thống ngân hàng theo mô hình sau:  

cong-thuc

Trong đó:

  • Biến phụ thuộc

GDP incomeit: tăng trưởng GDP thu nhập bình quân đầu người đại diện cho tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của nước i thời gian t

  • Biến độc lập (vừa là biến ngưỡng)

FDit: phát triển tài chính, đo lường bằng các chỉ tiêu dựa trên dữ liệu ngân hàng và dữ liệu thị trường chứng khoán:

  • CREGDP: tín dụng tư nhân/GDP của nước i thời gian t
  • LIQ: nợ thanh khoản/GDP của nước i thời gian t
  • MARKET: vốn hóa thị trường chứng khoán/GDP của nước i thời gian t
  • Biến kiểm soát
  • POPULATION: tốc độ tăng dân số (%) của nước i thời gian t
  • INVEST: tỷ lệ đầu tư nội địa gộp/GDP (%)của nước i thời gian t
  • INF: chỉ số lạm phát tính theo CPI (%) của nước i thời gian t
  • HDI: chỉ số phát triển con người của nước i thời gian t
  • TRADE: độ mở thương mại /GDP (%) của nước i thời gian t
  • GOVERN: chi tiêu chính phủ/GDP (%) của nước i thời gian t
  • cong-thuc-tinh sai số hồi quy

Các giả thuyết nghiên cứu

Giả thuyết 1: Tồn tại một giá trị ngưỡng của phát triển tài chính, mà trước và sau giá trị ngưỡng này, tác động của phát triển tài chính lên tăng trưởng kinh tế có thay đổi.

Giả thuyết 2: Tác động nghịch biến của tăng trưởng dân số lên tăng trưởng kinh tế.

Giả thuyết 3: Tác động đồng biến của đầu tư lên tăng trưởng kinh tế.

Giả thuyết 4: Tác động đồng biến của tự do hóa thương mại lên tăng trưởng kinh tế.

Giả thuyết 5: Tác động nghịch biến của lạm phát lên tăng trưởng kinh tế.

Giả thuyết 6: Tác động đồng biến của chỉ số phát triển con người (HDI) lên tăng trưởng kinh tế.

Giả thuyết 7: Tác động nghịch biến của chi tiêu chính phủ lên tăng trưởng kinh tế.

3. Phương pháp nghiên cứu

    • Phương pháp thu thập dữ liệu

Mẫu nghiên cứu gồm 31 quốc gia châu Á và vùng lãnh thổ đang phát triển trong giai đoạn 2008 - 2021. Khi phân tích về mức độ phát triển tài chính (đối với các biến: tín dụng tư nhân/GDP, nợ thanh khoản/GDP) mẫu nghiên cứu loại trừ 7 quốc gia: Maldives, Myanmar, Lao, Iran, Afghanistan, Yemen, Syrian Arab Republic, vì các quốc gia này không đầy đủ theo phương pháp hồi quy ngưỡng Fixed Effect do yêu cầu dữ liệu phải là dạng bảng cân. Vì thế, các phân tích mức độ phát triển tài chính (đối với các biến: tín dụng tư nhân/GDP, nợ thanh khoản) chỉ còn 23 quốc gia và vùng lãnh thổ trong giai đoạn 2008 - 2021 với 322 quan sát.

Phân tích về mức độ phát triển tài chính (với biến: vốn hóa thị trường chứng khoán/GDP) mẫu nghiên cứu tiếp tục loại trừ thêm quốc gia: Armenia, Azerbaijan, Bhutan, Iraq, Cambodia, Georgia, Kyrgyz Republic, Mongolia, Nepal, Timor-Leste, vì các quốc gia này không có thị trường chứng khoán và Bangladesh vì không có dữ liệu từ 2012 - 2015. Chính vì thế, phân tích mức độ phát triển tài chính (đối với biến: vốn hóa thị trường chứng khoán/GDP) chỉ còn 13 quốc gia và vùng lãnh thổ trong giai đoạn 2008 - 2021 với 182 quan sát.

Dữ  liệu được  thu  thập  từ  các  tổ  chức  quốc  tế  uy  tín:  World Development Indicators (WDI), Global Financial Development Database (GFDD), và World Governance Indicators (WGI) của Ngân hàng thế giới (World Bank), Thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

  • Phương pháp phân tích dữ liệu

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu bản và mô hình hồi quy ngưỡng trên dữ liệu bảng của Hansen (1999) được lựa chọn sử dụng trong luận án này để phục vụ cho phân tích. Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản nhưng xác định cụ thể giá trị của ngưỡng trong mối quan hệ phi tuyến. Để khắc phục vấn đề sự tồn tại của các tham số nhiễu, Hansen (1999), đề xuất một mô hình ngưỡng với ước lượng tác động cố định. Tuy nhiên, phương pháp ước lượng này chưa xem xét một số tồn tại có thể trong mô hình như: vấn đề nội sinh, phương sai sai số thay đổi và tự tương quan.

Sau khi xác định điểm ngưỡng thì nghiên cứu dùng phương pháp System - GMM theo Arellano và Bond (1991) được sử dụng để ước lượng các hệ số hồi quy nhằm phân tích tác động của phát triển tài chính lên tăng trưởng kinh tế trước và sau điểm chuyển tiếp. Do tăng trưởng kinh tế có thể tác động đến phát triển tài chính theo giả thuyết tăng trưởng kinh tế thúc đẩy phát triển tài chính của Patrick (1966). Vì thế, nghiên cứu áp dụng phương pháp ước lượng GMM góp phần giải quyết các vấn đề có thể phát sinh trong hồi quy dữ liệu bảng như vấn đề nội sinh, phương sai thay đổi và tự tương quan. Ngoài ra, phương pháp GMM xem xét kết quả nghiên cứu có nhất quán và vững hay không. Đồng thời dựa vào sự hỗ trợ của phần mềm Stata 14.0.

4. Kết quả và thảo luận

Bảng 1. Ma trận hệ số tương quan giữa biến phụ thuộc và biến độc lập

ma-tran-he-so-tuong-quan-giua-bien-phu-thuoc-va-bien-oc-lap         Nguồn: Tác giả tính toán, 2023

Qua phân tích hệ số tương quan cho thấy hệ số tương quan giữa các biến tương đối nhỏ, không có hệ số tương quan lớn hơn 0,8. Hiện tượng đa cộng tuyến có thể không xảy ra trong mô hình. (Bảng 1)

Kết quả hồi quy ngưỡng

Kiểm định sự tồn tại của ngưỡng được thực hiện bằng mô hình hồi quy ngưỡng Fixed Effect với boostrap 200, mức ý nghĩa 5%. Biến tỷ lệ tín dụng cho khu vực tư nhân/GDP đại diện cho phát triển tài chính, mô hình lần lượt thêm các biến kiểm soát hdi, trade, govern, để xem xét tính chính xác của điểm ngưỡng khi mô hình thay đổi biến kiểm soát.

Bảng 2. Tổng hợp kết quả nghiên cứu tín dụng khu vực tư nhân/GDP

đến tăng trưởng kinh tế

tong-hop-ket-qua-nghien-cuu-tin-dung-khu-vuc-tu-nhan

Nguồn: Dữ liệu và tính toán của tác giả

Kết quả p-value = 0,005 < 0,05 cho thấy tồn tại ngưỡng, mối quan hệ giữa biến tỷ lệ tín dụng cho khu vực tư nhân so với GDP và tăng trưởng GDP thu nhập bình quân đầu người là phi tuyến. Kết quả ngưỡng tìm thấy đối với tín dụng cho khu vực tư nhân là 11,6353% so với GDP, vượt qua giá trị này sự phát triển mạnh hơn của khu vực tài chính lại gây ra tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế.

Bảng 3: Tổng hợp kết quả nghiên cứu nợ thanh khoản/GDP

đến tăng trưởng kinh tế

tong-hop-ket-qua-nghien-cuu-no-thanh-khoan

Nguồn: Dữ liệu và tính toán của tác giả

Bảng 4. Tổng hợp kết quả nghiên cứu vốn hóa thị trường chứng khoán/GDP

đến tăng trưởng kinh tế

tong-hop-ket-qua-nghien-cuu-von-hoa-thi-truong-chung-khoan

Nguồn: Dữ liệu và tính toán của tác giả

Kết quả p-value = 0,400 > 0,05 cho thấy không tồn tại ngưỡng tác động tài chính được đo lường bằng vốn hóa thị trường/GDP lên tăng trưởng GDP thu nhập bình quân đầu người.

Bảng 5. Tổng hợp kết quả nghiên cứu phát triển tài chính

đến tăng trưởng kinh tế

tong-hop-ket-qua-nghien-cuu-phat-trien-tai-chinh-en-tang-truong-kinh-te Nguồn: Dữ liệu và tính toán của tác giả

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trước giá trị ngưỡng các biến đo lường phát triển tài chính (tín dụng tư nhân/GDP, nợ thanh khoản/GDP) đều tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Sau giá trị ngưỡng, tác động của biến đo lường phát triển tài chính (tín dụng tư nhân/GDP, nợ thanh khoản/GDP) đều tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế được xác định là β* = β1 + β2. (Bảng 5)

 Đối với biến liq: β* = 1.00674 + (-1.002195) = - 0,001521

Đối với biến cregdp: β* = 2.221815 + (-2.275556) = - 0,053741

Kết quả ước lượng bằng system-GMM giúp khẳng định sự tồn tại của giá trị ngưỡng và tác động phi tuyến của phát triển tài chính và tăng trưởng kinh tế. Điều đó thể hiện mối quan hệ phi tuyến giữa phát triển tài chính và tăng trưởng kinh tế. Trước giá trị ngưỡng, phát triển tài chính có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vượt quá giá trị ngưỡng thì nó lại gây ra tác động tiêu cực, cản trở tăng trưởng kinh tế.

5. Kết luận

Nghiên cứu cho thấy tín dụng tư nhân /GDP có tác động ngưỡng đến tăng trưởng kinh tế là 11,6353%. Ngưỡng tìm thấy đối với nợ thanh khoản/GDP là 21,9524%. Điều này cho thấy khi tín dụng tư nhân/GDP vượt qua 11,6353% và nợ thanh khoản/GDP hơn 21,9524% thì sự phát triển mạnh hơn của khu vực tài chính lại làm cản trở tăng trưởng của nền kinh tế. Đối với quy mô chứng khoán/GDP vượt giá trị ngưỡng 38,0617%, thị trường chứng khoán vẫn có tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế nhưng mức tăng của nền kinh tế sụt giảm chỉ còn tăng thêm 0,031285% so với 0,0547% của tác động trước ngưỡng. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy tăng trưởng dân số và chi tiêu công tác động nghịch biến đến tăng trưởng kinh tế. Kiểm soát chi tiêu công không hiệu quả sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí, nguồn lực tài chính quốc gia được phân bổ. Đầu tư, độ mở thương mại có tác động đồng biến đến tăng trưởng kinh tế. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia và vùng lãnh thổ đang phát triển châu Á xây dựng nền kinh tế mở kích thích sự tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và cải thiện công nghệ trong nước. Đầu tư giúp tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế trong nước, tạo ra cơ hội việc làm, gia tăng sự tiếp cận thị trường toàn cầu cho hàng hóa xuất nhập khẩu…

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hoàng Thị Phương Anh và Đinh Tấn Danh (2016). Tác động của phát triển tài chính đến phát triển kinh tế: Bằng chứng tại các quốc gia khu vực châu Á. Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 26 (36), Tháng 1-2/2016.
  2. Phan Thị Bích Nguyệt, Phạm Dương Phương Thảo (2018). Giới hạn phát triển hệ thống tài chính ngân hàng tại các quốc gia châu Á. Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, Số 199, 55-65.
  3. Trần Thị Tuấn Anh (2015). Mối quan hệ giữa chi tiêu chính phủ và tăng trưởng kinh tế, bằng chứng thực nghiệm ở ASEAN. Kỷ yếu hội thảo: "An ninh tài chính tiền tệ Việt Nam: Những vấn đề mới trong bối cảnh toàn cầu hóa", Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
  4. Trương Văn Phước (2017). Vai trò của hệ thống tài chính Việt Nam đối với tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 9/2017. ISSN: 1013-4238.
  5. Anwar, S., Lan Phi Nguyen (2011). Financial development and economic growth in Vietnam. Journal of Economics and Finance, 35, 348-360.
  6. Arcand, J., Berkes, ,  Panizza,  U (2012).  Too Much Finance?  International Monetary Fund. Research Department. Available at: https://www.imf.org/external/pubs/ft/wp/2012/wp12161.pdf.
  7. Bayar, Y (2014). Financial Development and Economic Growth in Emerging Asian Countries. Asian Social Science, 10(9).
  8. Boyd, J.H. & A.M. Jalal (2012). A new measure of financial development: Theory leads measurement. Journal of Development Economics, 99, 341-357.
  9. Cecchetti, G. & Kharroubi, E (2012). Reassesing the impact of finance on growth. BIS Working Paper No. 381. Bank for International Settlements.
  10. Cihak, M., A. Demirgüç-Kunt, E. Feyen, R.  Levine (2012). Benchmarking Financial  Development  Around  the  World,  World  Bank  Policy  Research,  Working Paper 6175, August 2012, World Bank, Washington, DC.
  11. Durusu, D., Serdar, I.M, Yetkiner, H (2016). Financial Development and Economic Growth: Some Theory and More Evidence. Journal of Policy Modeling, 39, 290-306.
  1. Estrada, G., D. Park, & A.  Ramayandi (2010). Financial Development and Economic Growth in Developing Asia, ADB Working Economic Series, No.233.
  2. Hansen, B.E. (2000). Sample splitting and threshold estimation. Econometrica, 68 (3), 575–603.
  3. Hsueh, Shun-Jen, Yu-Hau Hu, Chien-Heng Tu (2013). Economic growth and financial development in Asian countries: A bootstrap panel Granger causality analysis. Economic Modelling, 32, 294-301.
  4. Jalil, A. and Feridun, M (2011). Impact of financial development on economic growth: Empirical evidence from Pakistan. Journal of the Asia Pacific Economy, 16(1), 71-80.
  5. Johannes, T.A., Njong, A.M., Cletus, N (2011). Financial development and economic growth in Cameroon, 1970-2005. Journal of Economics and International.
  6. Khan, M. S., & Senhadji, A. S (2003). Financial development and economic growth: A review and new evidence. Journal of African Economies, 12(2), 89-110.
  7. Law, S. H., & Singh, N (2014). Does too much finance harm economic growth?. Journal of Banking and Finance, 41, 36–44.
  8. Levine, R (2005). Finance  and  Growth:  Theory  and  Evidence,  Handbook  of Economic  Growth,  in:  Philippe  Aghion  &  Steven  Durlauf  (ed.),  Handbook  of Economic Growth, edition 1, volume 1, chapter 12, pages 865-934 Elsevier.
  9. Noureen, A. (2011). Measurement of Financial Development: A Fresh Approach. 8th International Conference on Islamic Economics and Finance.
  10. Patrick, H.T (1966). Financial development and economic growth in underdeveloped countries. Economic Development and Cultural Change, 14, 174-189.
  11. Samargandi, N., J. Fidrmuc, S. Ghosh (2014). Is the relationship between Financial Development and Economic Growth monotonic?. Evidence from a sample of Middle-income countries. World Development, 68, 66-81.

 

Impacts of the financial development on the economic growth:

Empirical evidence from developing Asian countries

 Nguyen Chi Thao

Dong Nai University of Technology

Abstract:

This study is to test the impact and determine the threshold value of the financial development on the economic growth of developing Asian countries. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to orient the development of developing Asian countries’ financial systems. The study uses the Fixed Effect Model threshold regression analysis based on data from 33 developing countries in Asia over the period from 2008 to 2021. The financial development is assessed from both perspectives of the banking sector (private credit growth/GDP, and liquid debt/GDP) and the stock market (stock market capitalization/GDP). The study finds out that the factors of population growth, inflation and government spendings have a negative correlation with the economic growth. Meanwhile, the factors of investment and trade openness have a positive correlation with the economic growth.

Keywords: finance, economic growth, impact, population growth, inflation, investment, human development index, trade openness, government spendings.