Tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản

Tại Văn bản đề nghị xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản năm 2010 nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau hơn 10 năm thi hành Luật Khoáng sản, ý thức của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản được nâng cao thông qua việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao để thu hồi tối đa khoáng sản, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường.

hình ảnh về khai thác khoáng sản luyện kim
Tại Văn bản đề nghị xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản năm 2010 nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường.

Tuy nhiên, các quy định của Luật Khoáng sản hiện hành đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập trong thực thi, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin về khoáng sản, khai thác khoáng sản, giảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

Cùng với đó, một số Luật mới được ban hành như Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch…, một số Luật được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế như Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Đầu tư,… thì Luật Khoáng sản vẫn chưa được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp và đồng bộ thống nhất giữa các Luật.

Quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể hóa với chương trình hành động tại Nghị quyết 88/NQ-CP ngày 22/7/2022 (Nghị quyết 88) đã nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm mà các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện, đó là: Tổ chức quán triệt Nghị quyết số 10-NQ/TW; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.

Một trong các nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết 88 đưa ra là hoàn thành xây dựng Dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi). Theo đó, Chính phủ yêu cầu tổng kết đánh giá đầy đủ kết quả sau 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010; thể chế hóa đầy đủ các chính sách mới đối với công tác điều tra cơ bản địa chất, về tài nguyên địa chất; sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nội dung các chính sách trong lĩnh vực khoáng sản và công nghiệp khai khoáng của Nghị quyết số 10-NQ/TW để đề xuất theo hướng xây dựng dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi).

Nghị quyết 88 yêu cẩu Luật sửa đổi tập trung vào các nội dung:
Quy định rõ nội dung điều tra cơ bản tài nguyên địa chất (tài nguyên khoáng sản; tài nguyên vị thế, di sản địa chất, công viên địa chất); các điều kiện địa chất khác: tai biến địa chất, địa chất môi trường, địa chất thủy văn - địa chất công trình, địa mạo...); công tác điều tra cơ bản địa chất chủ yếu do nhà nước thực hiện và nguồn xã hội hóa; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản (là cơ sở dữ liệu quốc gia) phải được nộp vào lưu trữ địa chất để quản lý tập trung, thống nhất; quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc hoàn trả kinh phí khi khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản.

Quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản; việc tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội... cho địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác…;

Rà soát các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 2010 đã ban hành, đề xuất bổ sung trong đề cương dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) để hoàn thiện: quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; trình tự, thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (gồm cát, sỏi lòng sông) phù hợp với thực tiễn; ưu tiên cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là công trình trọng điểm quốc gia; Đồng thời hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành ngay sau khi Luật Khoáng sản (sửa đổi) ban hành.

Chính phủ yêu cầu rà soát, điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên một số khoáng sản nhằm khuyến khích đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại để khai thác, chế biến các mỏ khoáng sản có điều kiện địa chất, khai thác mỏ phức tạp, hàm lượng thấp, hạ tầng kỹ thuật thấp kém. Hoàn thiện chính sách xuất - nhập khẩu và dự trữ khoáng sản, bảo đảm cân đối nhu cầu trước mắt với dự trữ khoáng sản lâu dài;

Hoàn thiện chính sách khuyến khích hợp tác, đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khai thác, chế biến khoáng sản nhằm làm chủ công nghệ tiên tiến chuyển giao từ các nước phát triển, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước tiên tiến về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực địa chất…

Ngoài các nhiệm vụ trên, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần phải xây dựng và quản lý tập trung, thống nhất cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên địa chất, khoáng sản trước năm 2025; thiết lập nền tảng tài nguyên số, thực hiện chuyển đối số trong quản lý, khai thác khoáng sản bảo đảm công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.

Hoàn thành chuyển đổi toàn diện công nghệ, thiết bị các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản quy mô nhỏ lẻ, nhất là khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường không hiệu quả kinh tế - xã hội, gây lãng phí nhiều tài nguyên, năng lượng nhằm bảo đảm an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trước năm 2030… Nghiên cứu các mô hình quản trị khoáng sản minh bạch, hiệu quả của thế giới để áp dụng vào Việt Nam theo hướng tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của địa phương, người dân nơi khai thác khoáng sản.

Chính phủ cũng yêu cầu trước năm 2025 phải thống kê, kiểm kê đánh giá thực trạng nguồn lực tài nguyên khoáng sản để lượng hóa và hạch toán đầy đủ giá trị tài nguyên khoáng sản vào nền kinh tế; Hoàn thành đầu tư dự án khai thác, chế biến quặng crômit tại Cổ Định (Thanh Hóa), luyện cán thép tại mỏ sắt Quý Xa (Lào Cai);

Nghiên cứu, lựa chọn công nghệ tiệm cận trình độ thế giới để đầu tư khai thác than nâu vùng đồng bằng sông Hồng; đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến: sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh); titan (Bình Thuận), hoàn thành trước năm 2030;

Duy trì hoạt động hiệu quả các dự án khai thác, chế biến các dự án bôxít - alumin - nhôm, đất hiếm, xi măng, sắt - thép, đồng, đá hoa trắng để trở thành ngành công nghiệp chủ đạo, phát triển bền vững tương xứng với quy mô khoáng sản; sử dụng công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến tiên tiến, hiện đại theo mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng than hợp lý hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” trước năm 2050;…

Thực hiện Nghị quyết 88, theo đó sẽ: Tăng cường năng lực lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên địa chất, khoáng sản; bảo vệ môi trường, sinh thái, an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản. Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về địa chất, khoáng sản; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng khoáng sản và các hoạt động liên quan đến địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng.

Môi trường Công nghiệp xanh