Tăng giá trần, vé phổ thông khứ hồi Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh có thể lên đến gần 7 triệu đồng

Từ ngày 1/3/2024, giá vé máy bay phổ thông nội địa sẽ tăng trung bình 3,75%, với mức tăng từ 50 đến 250 nghìn đồng.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 03/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Theo đó, giá trần vé máy bay hạng phổ thông trên 4 nhóm đường bay nội địa sẽ tăng từ 2,27% đến 6,67%, tăng trung bình 3,75% (bằng mức giá trần của năm 2014).

Khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản mới nhất

Giá vé máy bay

Khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản trước khi điều chỉnh

Giá vé máy bay

Mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không.

Như vậy, đường bay Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh với chiều dài khoảng 1.190km đến 1.276km (tùy hãng hàng không lựa chọn lộ trình bay qua không phận Campuchia và Lào hay chỉ bay trên không phận Việt Nam) sẽ có mức giá tối đa là 3,4 triệu đồng/một chiều và 6,8 triệu đồng/khứ hồi. Đây không chỉ là đường bay bận rộn nhất Việt Nam mà còn được tất cả các hãng hàng không nội địa khai thác.

Giá vé máy bay
Giá vé khứ hồi Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh có thể lên đến gần 7 triệu đồng đối với hạng phổ thông

 

Theo Bộ Giao thông Vận tải, giá trần vé máy bay nội địa tăng do sự thay đổi của các yếu tố hình thành giá vé, đặc biệt là giá nhiên liệu và tỷ giá hiện nay đều tăng cao so với tháng 9/2015 – thời điểm Bộ Giao thông vận tải xây dựng Thông tư số 17.

Cục Hàng không Việt Nam tính toán, với giả định tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí, các yếu tố chi phí khác không biến động thì với giá Jet A1 và tỷ giá USD/VND biến động hiện nay, chi phí nhiên liệu tháng 6/2023 của các hãng hàng không đã tăng 23,14% so với tháng 9/2015. Tác động của giá nhiên liệu làm tổng chi phí tăng 10,92% so với tháng 8/2015.

Giá vé máy bay
Theo Cục Hàng không Việt Nam, mức tăng giá trần vé máy bay nội địa trung bình 3,75% so với hiện hành là phù hợp

 

Trước đó Cục Hàng không Việt Nam nhận được đề xuất tăng giá vé máy bay nội địa của các hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Pacific Airlines, Bamboo Airways.

Hãng Vietnam Airlines cho biết, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 36% chi phí vận chuyển của hãng. Giá nhiên liệu trung bình năm 2022 tăng khoảng 85% so với năm 2015 (từ 67,37 USD/thùng lên 124,46 USD/thùng) khiến chi phí của hãng tăng khoảng 30,5%.

Bên cạnh đó, hơn 70% chi phí vận chuyển hàng không thực hiện bằng ngoại tệ, trong khi doanh thu bán vé tại Việt Nam lại bằng tiền đồng (VNĐ). Từ năm 2015 đến năm 2022, tỷ giá đã tăng 6,6% (bình quân từ 21.900 VNĐ/USD lên 23.350 VNĐ/USD) làm chi phí của hãng tăng tương ứng 4,35%. Do đó, chi phí vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines năm 2022 lên mức 2.769 đồng/km, cao hơn 43% so với năm 2015 (1.933 đồng/km).

Căn cứ trên thực tế biến động, Cục Hàng không Việt Nam nhận định, để tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không, đồng thời hạn chế tác động đến xã hội trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch, mức tăng giá trần vé máy bay nội địa trung bình 3,75% so với hiện hành là phù hợp.

Ngọc Châm