Lãi ròng của các ngân hàng kỳ vọng phục hồi mạnh trong năm nay
Theo nhận định của các hãng chứng khoán việc Ngân hàng Nhà nước giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cả năm 2024 cho các ngân hàng thương mại cổ phần ngay từ những ngày đầu năm, thay vì cấp theo từng đợt như các năm trước, đang phản ánh sự hỗ trợ tăng trưởng trong việc điều hành chính sách tiền tệ của cơ quan quản lý.
Với việc sớm được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm, các ngân hàng sẽ linh hoạt hơn trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ có chất lượng tốt hơn năm 2023, không bị dồn nén, tăng đột biến vào thời điểm cuối năm như đã xảy ra trong năm vừa qua.
Trong năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế ước đạt 13,7%. Dựa trên các điều kiện vĩ mô hiện tại, hãng chứng khoán Vietcap và BSC Equity Research nhận định, tăng trưởng tín dụng năm nay hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 15%.
“Động lực tăng trưởng tín dụng sẽ đến từ các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu, đầu tư công, bất động sản, ... Dù vậy, chúng tôi nhận thấy rủi ro từ việc nền kinh tế phục hồi chậm hơn dự kiến, từ đó khiến nhu cầu tín dụng, nhất là từ phía người tiêu dùng có thể sẽ bị dồn nén về nửa cuối năm”, các chuyên gia phân tích tại BSC Equity Research cho biết.
Yếu tố chính cần theo dõi sẽ là sự phục hồi thanh khoản trên thị trường bất động sản khi dư nợ bất động sản hiện chiếm hơn 21% tổng dư nợ nền kinh tế; trong đó, 64% là mục đích tiêu dùng và 36% là mục đích kinh doanh. Từ đó, mảng bất động sản sẽ quyết định tốc độ phục hồi của nhu cầu tín dụng.
BSC Equity Research cho biết, tín dụng tiêu dùng bất động sản đã có dấu hiệu tạo đáy trong tháng 9/2023 và bật tăng trong tháng 10/2023, trong khi lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà đang tiếp tục xu hướng giảm về trung bình khoảng 8% (đầu năm 2024).
Bên cạnh đó, theo Vietcap, chi phí huy động vốn đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, sẽ là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại trong năm nay.
Tuy nhiên, sẽ có sự phân hoá về mức độ phục hồi NIM giữa các ngân hàng trong năm 2024. Theo BSC Equity Research, các ngân hàng chịu ảnh hưởng nhất trong 2023 khi chi phí huy động tăng đột biến vào đầu năm được kỳ vọng sẽ có mức độ phục hồi NIM đáng kể nhất, điển hình như: Ngân hàng Techcombank, Ngân hàng VPBank.
Trong khi, các ngân hàng có lợi thế về CASA ổn định như Ngân hàng MBBank, hay có danh mục cho vay đẩy mạnh mảng bán lẻ như các ngân hàng ACB, Sacombank, VIB, VietinBank, BIDV được kỳ vọng sẽ duy trì NIM ổn định và có xu hướng cải thiện nhẹ.
Về các thu nhập ngoài lãi, hãng chứng khoán Vietcap cho rằng thu nhập từ bán bảo hiểm trong năm 2024 sẽ cải thiện hơn năm 2023 sau những cuộc thanh tra của Bộ Tài chính và sự chấn chỉnh của Ngân hàng Nhà nước. Sự cải thiện này dù không quá mạnh mẽ nhưng cũng sẽ đóng góp cho phần thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng.
Trong kịch bản cơ sở với nền lãi suất huy động được duy trì thấp và tăng trưởng tín dụng dần cải thiện, BSC Equity Research dự báo thu nhập lãi thuần của các ngân hàng có thể tăng trưởng 19% trong năm 2024, giúp lãi ròng dự kiến tăng trưởng 20% so với năm 2023.
Thương vụ bán vốn của ngân hàng BIDV và Vietcombank
Đáng chú ý, điểm sáng của ngành ngân hàng trong năm 2024 còn đến từ thương vụ bán vốn của 2 ngân hàng lớn là Ngân hàng Vietcombank (mã cổ phiếu VCB) và Ngân hàng BIDV (mã cổ phiếu BID).
Kế hoạch này đã được lãnh đạo của hai ngân hàng trên đề cập từ năm 2022; tuy nhiên, chưa được triển khai trong năm 2023. Nguyên nhân có thể là do điều kiện kinh tế năm 2023 chưa thuận lợi cho việc triển khai các thương vụ, hãng chứng khoán Vietcap nhận định.
Theo đó, Ngân hàng BIDV dự kiến chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu (tương đương 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022). Còn Ngân hàng Vietcombank dự kiến phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Với kỳ vọng kinh tế phục hồi trong năm 2024, cộng thêm môi trường lãi suất thấp, hai thương vụ này dự kiến sẽ được triển khai trong thời gian tới. Hồi tháng 4/2023, đại diện Ngân hàng Vietcombank cho biết đang triển khai các bước theo thủ tục và đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn, với dự kiến sớm hoàn tất thương vụ.
Theo đánh giá hiện tại của chứng khoán Vietcap, giá bán kỳ vọng cho thương vụ của Ngân hàng Vietcombank là 100.000 đồng/cổ phiếu VCB, cao hơn khoảng 12% so với thị giá hiện tại của cổ phiếu VCB. Trong khi đó, giá bán kỳ vọng cho thương vụ của Ngân hàng BIDV là 49.000 - 50.000 đồng/cổ phiếu BID, tương đương với mức thị giá hiện nay của cổ phiếu BID.
Nhìn lại quá khứ, hồi tháng 11/2019, ngân hàng KEB Hana Bank (Hàn Quốc) đã chi ra khoảng 20.300 tỷ đồng để sở hữu 603,3 triệu cổ phần tương ứng 15% vốn của Ngân hàng BIDV. Như vậy, KEB Hana Bank đã trả khoảng 33.650 đồng/cổ phiếu BID để trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng BIDV.
Trước đó, vào tháng 1/2019, Ngân hàng Vietcombank đã phát hành riêng lẻ hơn 94,4 triệu cổ phần (tương ứng 2,55% vốn) cho GIC Private Limited (GIC) - Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore và hơn 16,6 triệu cổ phần (tương ứng 0,4% vốn) cho ngân hàng Mizuho Bank (Nhật Bản). Qua đó, thu về tổng cộng khoảng 6.200 tỷ đồng tương đương mức giá 55.800 đồng/cổ phiếu VCB.