Lãi ròng Ngân hàng VPBank năm 2023 giảm 48%, NIM dự kiến phục hồi nhẹ
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Ngân hàng VPBank, mã cổ phiếu VPB - sàn HoSE) vừa tổ chức Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân, công bố kết quả kinh doanh năm 2023.
Tính chung cả năm 2023, Ngân hàng VPBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động 49.743 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2022. Trong khi đó, tổng chi phí hoạt động chỉ giảm 1,4%. Kết quả, ngân hàng này ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế 10.987 tỷ đồng, giảm 48% so với năm 2022. Con số này cách khá xa so với mục tiêu lợi nhuận hơn 24.000 tỷ đồng được giao tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Điểm sáng là quy mô huy động và tín dụng của Ngân hàng VPBank vẫn tăng trưởng ổn định trong năm 2023 mặc dù cầu tiêu dùng trong nước phục hồi yếu, sản xuất kinh doanh đình trệ và thị trường bất động sản ảm đạm.
Trong đó, tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng mẹ trong năm 2023 đạt hơn 527 nghìn tỷ đồng, tăng 31,8% so với năm 2022 và cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung toàn ngành. Riêng dư nợ tín dụng đối với khách hàng cá nhân - phân khúc chiến lược của Ngân hàng VPBank đạt hơn 245.000 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cuối năm 2022, với động lực sản phẩm cho vay kinh doanh và thẻ tín dụng.
Đáng chú ý, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Ngân hàng VPBank trong năm 2023 đã tăng 33% so với thời điểm đầu năm, giúp nâng tỷ lệ CASA trong cơ cấu huy động lên đến 17,6%.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Ngân hàng VPBank, trong năm 2024, Ngân hàng lên kế hoạch tăng trưởng huy động đạt 25%, trong đó ưu tiên huy động từ khối khách hàng cá nhân, đặc biệt khuyến khích huy động từ CASA. Với chiến lược mới, Ngân hàng VPBank kỳ vọng tăng trưởng CASA năm nay sẽ cao gấp đôi năm 2023.
Ngoài ra, Ngân hàng VPBank cũng sẽ làm việc với các ngân hàng quốc tế, các tổ chức tài chính phi chính phủ cũng như các tổ chức tài chính đa quốc gia để tiếp cận những khoản vay bổ sung cho nguồn vốn trung và dài hạn. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của ngân hàng này đạt 25,3%, thấp hơn mức 30% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Về triển vọng NIM, ban lãnh đạo Ngân hàng VPBank kỳ vọng các yếu tố vĩ mô thuận lợi hơn và nguồn vốn huy động có chi phí rẻ hơn so với thời gian trước đây. Các khoản huy động ở mức cao trong giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023 sẽ đến hạn trong thời gian cuối năm 2023, đầu năm 2024. Chi phí vốn của Ngân hàng VPBank dự kiến có thể hạ 1-1,5% so với năm 2023.
Ngoài ra, Ngân hàng VPBank sẽ đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, thu hồi lãi treo và kiểm soát chính sách tín dụng, từ đó hạ tỷ lệ chuyển dịch nợ quá hạn của ngân hàng. Kết hợp 2 yếu tố chi phí vốn và kiểm soát chất lượng nợ, NIM được kỳ vọng sẽ cải thiện so với năm 2023.
"Tuy nhiên, mức tăng trưởng của NIM sẽ không quá lớn vì Ngân hàng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức của thị trường đối với hoạt động cho vay, công tác quản trị chất lượng nợ đối với các khoản nợ của danh mục cũ mà Ngân hàng đã giải ngân", ban lãnh đạo Ngân hàng VPBank chia sẻ.
FE Credit thoát lỗ, kỳ vọng mảng bảo hiểm tăng trưởng dương trở lại
Đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, ban lãnh đạo Ngân hàng VPBank nhận định 2023 là năm khó khăn nhất của ngành bảo hiểm trước các sự cố khủng hoảng cùng với sự thắt chặt của hành lang pháp lý.
Ban lãnh đạo Ngân hàng VPBank cho rằng, ngành bảo hiểm trong năm 2024 sẽ ổn định trở lại khi khách hàng đã ý thức được sự cần thiết của việc mua sản phẩm bảo hiểm để bảo vệ cho những hoạch định tài chính của cá nhân cũng như gia đình. Ngân hàng VPBank xây dựng kế hoạch cho năm 2024 với mục tiêu tăng trưởng dương trong mảng kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt đối với sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
Về tài chính tiêu dùng, đây là mảng từng đóng góp tích cực vào kết quả của Ngân hàng VPBank trong những năm trước đây. Tuy nhiên, giai đoạn 2022-2023, phân khúc tài chính tiêu dùng chịu tổn thương rất nặng nề khi nền kinh tế phục hồi chậm, gây ảnh hưởng vào kết quả kinh doanh của FE Credit cũng như kết quả hợp nhất của Ngân hàng VPBank.
Trong năm 2023, FE Credit đã triển khai kế hoạch tái cấu trúc, rà soát tổng thể và điều chỉnh hình thức, mô hình kinh doanh, mô hình quản trị rủi ro, tập trung vào phân khúc ít rủi ro hơn để kiểm soát nợ xấu.
Ban lãnh đạo Ngân hàng VPBank cho biết, tài chính tiêu dùng vẫn là mảng chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng. Dù còn nhiều dư địa phát triển, nhưng bức tranh về thị trường tài chính tiêu dùng trong thời gian tới vẫn còn nhiều thách thức.
Tuy nhiên, FE Credit cũng cho thấy một vài tín hiệu tích cực sau quá trình tái cơ cấu. Theo đó, giá trị giải ngân trong quý 4/2023 tăng 26% so với các quý trước khi phải dừng giải ngân để kiện toàn bộ máy.
"Năm 2023, FE Credit dù chưa đóng góp về lợi nhuận cho ngân hàng, tuy nhiên 6 tháng cuối năm đã có chuyển biến tích cực, giải ngân hồi phục và không còn ghi nhận lỗ. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, công ty tài chính này ghi nhận khoản lỗ sau thuế tới 2.996 tỷ đồng, vượt xa tổng lỗ sau thuế cả năm 2022 là 2.376 tỷ đồng", ban lãnh đạo Ngân hàng VPBank chia sẻ.
Hoạt động kinh doanh của FE Credit được kỳ vọng sẽ chuyển biến tích cực hơn khi nền kinh tế dần phục hồi, thúc đẩy nhu cầu tài chính tiêu dùng.