Đặt mục tiêu biên lợi nhuận gói thầu EPC1#1 ở mức 4%
Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HNX) vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024.
Tại Đại hội, ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí nhấn mạnh mảng cơ khí & xây dựng (M&C) tiếp tục là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi trong thời gian tới và đặt mục tiêu doanh thu riêng từ mảng M&C ở mức 13.000 tỷ đồng, bao gồm 4.500 tỷ đồng từ các phần việc liên quan đến Dự án phát triển mỏ Lô B.
Hiện hãng chứng khoán Vietcap (VCSC) dự phóng doanh thu mảng M&C của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong năm 2024 có thể lên đến 19.000 tỷ đồng, bao gồm 6.600 tỷ đồng từ Lô B - Ô Môn.
Cũng tại Đại hội, cổ đông Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã chấp thuận các điều khoản chính của hợp đồng gói thầu EPCI#1 của Dự án phát triển mỏ Lô B. Gói thầu EPCI#1 bao gồm việc thiết kế, xây dựng, lắp đặt 01 giàn xử lý trung tâm (CPP), giàn nhà ở và tháp đuốc cho Dự án phát triển mỏ Lô B, có tổng giá trị gần 1,1 tỷ USD. Trong đó, phần việc dành cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trị giá 493 triệu USD.
Ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đặt mục tiêu biên lợi nhuận ròng từ gói thầu EPCI#1 là 4%, tương ứng mức lợi nhuận dự kiến là 20 triệu USD.
Đây được xem là mức biên lợi nhuận cao khi biên lợi nhuận gộp của mảng M&C nhiều năm qua của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đạt mức thấp 1,6%-2% do giá nguyên vật liệu tăng và cạnh tranh trong giá đấu thầu các dự án.
Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư bày tỏ lo ngại về việc hết hạn của trao thầu hạn chế (LLOA) cho các gói thầu EPCI#1-3 của Dự án phát triển mỏ Lô B, thuộc chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn mà Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang tham gia thực hiện.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí có quan điểm lạc quan rằng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đối tác nước ngoài sẽ tiếp tục triển khai dự án bằng cách gia hạn thời gian thực hiện của LLOA hoặc trao thầu chính thức (LOA) cho các nhà thầu.
Ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí tin rằng việc trao LLOA cho các hợp đồng EPCI#1-3 đã thể hiện cam kết chung mạnh mẽ của Petrovietnam và các đối tác nước ngoài trong việc thực hiện chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn. Đồng thời, chuỗi dự án này đóng vai trò rất quan trọng với sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam nói riêng, toàn bộ nền kinh tế Việt Nam nói chung trong thời gian tới.
Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cũng đã nhận được các khoản thanh toán sau khi hoàn thành từng giai đoạn của LLOA như đã nêu trong mốc thời gian của LLOA.
Có thể giành được thêm một số hợp đồng điện gió giá trị cao
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cho biết, công ty đang tham gia đấu thầu một số hợp đồng xây lắp điện gió ngoài khơi và kỳ vọng sẽ giành được 1-2 hợp đồng trong thời gian tới với tổng giá trị ước tính từ 700 triệu USD - 1,1 tỷ USD (tương đương 350-500 triệu USD/dự án).
Theo đánh giá của hãng chứng khoán Vietcombank Securities (VCBS), loạt dự án điện gió ngoài khơi mà Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang tham gia thực hiện như Hải Long 2&3 và Greater Changhua (Đài Loan, Trung Quốc) và Baltica 2 (Ba Lan) đủ đảm bảo công việc cho công ty tới năm 2026.
Dù mới thâm nhập lĩnh vực này, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang có vị thế khá vững chắc khi số lượng đối thủ cạnh tranh trong ngành hạn chế; trong khi, uy tín và năng lực của công ty đã được khẳng định qua nhiều dự án xây lắp công trình dầu khí trên thế giới.
Với hệ thống cảng kết hợp nhà xưởng có diện tích lên đến hơn 200 ha, cùng cầu cảng dài 1.000m lớn nhất trong khu vực, các cảng khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ là nơi Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí thực hiện gia công chế tạo chi tiết cho các dự án điện gió ngoài khơi. Hiện các đối thủ cạnh tranh chính tại khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia không có bãi cảng phù hợp, còn Thái Lan có bãi cảng nhưng quy mô nhỏ hơn đáng kể so với Việt Nam.
Trong năm 2023, tổng doanh thu thuần của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đạt 19.349 tỷ đồng, tăng 18% so năm 2022, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 12% về còn 866 tỷ đồng.