Đối mặt nhiều khó khăn khi giá cao su giảm mạnh, hết quỹ đất công nghiệp sạch
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu: GVR - sàn: HoSE) vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Theo đó, cổ đông tập đoàn đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 27.527 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.264 tỷ đồng, lần lượt giảm 2,8% và giảm 10,3% so với mức thực hiện của năm 2022.
Chia sẻ với cổ đông tham dự Đại hội, ông Lê Thanh Hưng - Tổng Giám đốc Tập đoàn, cho biết kế hoạch kinh doanh năm nay điều chỉnh giảm so với năm ngoái trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Trong đó, giá bán mủ cao su, sản phẩm chính của Tập đoàn liên tục suy giảm và khó tiêu thụ; khối công nghiệp cao su hoạt động khó khăn và không có khả năng tăng trưởng do giới hạn về công suất thiết kế, chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, khối thủy điện tuy hoạt động thuận lợi nhưng quy mô nhỏ, giới hạn bởi công suất thiết kế, nguồn nước, giờ phát điện (phụ thuộc vào khách hàng) nên mảng này được nhận định sẽ ghi nhận mức tăng trưởng không lớn trong năm nay.
Ông Lê Thanh Hưng cũng cho biết khối các công ty khu công nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hoạt động khá thuận lợi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, chia cổ tức cho Tập đoàn cao nhưng quy mô các công ty này nhỏ và hiện nay cơ bản đã hết quỹ đất sạch để cho thuê nên khó có thể tạo sự đột biến về kết quả kinh doanh trong ngắn hạn.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, việc tiêu thụ gỗ, sản phẩm từ gỗ cao su tuy đem lại doanh thu và lợi nhuận khá lớn cho các công ty cao su khi thực hiện thanh lý vườn cây và các công ty chế biến gỗ của Tập đoàn.
Tuy nhiên, lĩnh vực này được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới do chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi thị trường bất động sản trong nước ngưng trệ và suy thoái kinh tế tại các nước lớn nên dự báo nhu cầu, giá bán sẽ chưa có dấu tích cực trong ngắn hạn. Hơn nữa, chi phí đầu vào của doanh nghiệp như tiền thuê đất, chi phí nhiên liệu, năng lượng, tiền lương,… liên tục tăng, ông Lê Thanh Hưng chia sẻ.
Xét về cơ cấu doanh thu, doanh thu từ mủ cao su luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng trên 60%, trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Doanh thu từ gỗ và chế phẩm từ gỗ, cao su công nghiệp, kinh doanh bất động sản cơ sở hạ tầng chỉ chiếm lần lượt 16%, 7% và khoảng 3% tổng doanh thu hàng năm của tập đoàn.
Được biết, giá cao su từ đầu năm 2023 đến nay đã tăng gần 3% nhưng vẫn thấp hơn tới 30% so với cùng kỳ năm trước.
Kỳ vọng nhu cầu cao su từ Trung Quốc tăng trở lại
Trong quý 1/2023 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần 4.135 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 755,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 15,5% và giảm 42,6% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm nay, Tập đoàn mới chỉ hoàn thành 15% mục tiêu doanh thu và gần 18% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Ban lãnh đạo Tập đoàn cho biết lợi nhuận sau thuế sụt giảm mạnh chủ yếu do giá bán các mặt hàng đều giảm so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó, giá nhiều loại chi phí đầu vào tăng mạnh, khiến biên lợi nhuận gộp giảm đáng kể, từ mức 30% trong quý 1/2022 xuống còn 24,3% trong quý 1/2023.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch 20/6, giá cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đạt 18.800 đồng/cổ phiếu.
Hoạt động xuất khẩu của ngành cao su Việt Nam hiện đang có tín hiệu phục hồi và các doanh nghiệp ngành cao su như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được kỳ vọng sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực hơn trong nửa cuối năm nay.
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 5 vừa qua đạt 117.080 tấn, trị giá 158,17 triệu USD, tăng hơn 33% về lượng và gần 30% về kim ngạch so với tháng 4.
Đáng chú ý, nhu cầu cao su từ Trung Quốc đang tăng trở lại. Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường này trong tháng 5 vừa qua đạt 87.285 tấn, tăng 36% so với tháng 4. Luỹ kế 5 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu 443.683 tấn cao su của Việt Nam, trị giá hơn 600 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 10,2% về lượng nhưng giảm 12,6% về trị giá. Thị trường Trung Quốc hiện chiếm tỷ trọng hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam.
Hiện nay với diện tích trồng cây cao su lên đến hơn 400.000 ha, ước tính Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vẫn đang duy trì sản lượng cao, ở mức hơn 400.000 tấn cao su/năm; qua đó, bù đắp cho sự suy giảm về giá cao su hiện tại, duy trì mức doanh thu khai thác cao su 16.000 đến 17.000 tỷ đồng/năm.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sẽ chia cổ tức năm 2022 ở mức 3,5% vốn điều lệ (tương ứng 1.400 tỷ đồng). Đối với cổ tức năm 2023, tập đoàn cho biết nếu thực hiện trích tối đa 30% quỹ đầu tư phát triển và trích quỹ khen thưởng – phúc lợi theo quy định thì lợi nhuận còn lại để chia cổ tức chỉ còn khoảng 2,4%/vốn điều lệ (tương đương 960,5 tỷ đồng).
Do đó, tập đoàn đề xuất thực hiện theo hướng ưu tiên nâng mức chia cổ tức cho các cổ đông với tỷ lệ 3% vốn điều lệ (tương đương 1.200 tỷ đồng), sau đó trích đầy đủ quỹ khen thưởng phúc lợi rồi mới trích quỹ đầu tư phát triển. Số liệu chuẩn xác về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 sẽ được tính toán dựa trên báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán.