Đẩy mạnh sản xuất than, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Trong suốt quá trình phát triển, Tập đoàn TKV đã giữ vững vai trò nền tảng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. Sau 22 năm xây
dựng và phát triển, Tập đoàn đã sản xuất được 579 triệu tấn than; bóc xúc 2 tỷ
657 triệu m3 đất đá; đào 4.170 km đường lò.
Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản
Sau khi Tập đoàn TKV thành lập, Tổng công ty Khoáng sản trở thành Công ty con của Tập đoàn và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Kết quả nổi bật nhất là Tổng công ty đã đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu, đưa các công trình, dự án lớn vào sản xuất: Năm 2006, Nhà máy Kẽm Điện phân Thái Nguyên; Tổ hợp Mỏ - Tuyển đồng Sin Quyền - Lào Cai đi vào hoạt động; Năm 2008, khánh thành, đưa Nhà máy Luyện đồng Lào Cai công suất 10.000 tấn/năm đi vào hoạt động; Năm 2016, khánh thành Khu liên hợp Gang thép Cao Bằng công suất 221.600 tấn phôi thép/năm.
* Đầu tư phát triển các dự án khoáng sản
Dự án sắt Thạch Khê - Hà Tĩnh
Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, do Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư.
Dự án Cromit Cổ Định - Thanh Hóa
Công ty CP Cromit Cổ Định - Thanh Hóa đầu tư hai dự án trọng điểm là Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ferocrom cacbon cao công suất 20.000 tấn/năm; Dự án đầu tư điều chỉnh khai thác và tuyển quặng mỏ Cromit Cổ Định, công suất từ 40.000 tấn lên 80.000 tấn Cr2O3.
* Phát triển công nghiệp bauxite - nhôm ở Tây Nguyên
Tại Lâm Đồng:
- Dự án tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng có công suất 650.000 tấn alumina/năm; Nhà máy tuyển quặng công suất 1.700.000 tấn quặng tinh/năm và khai thác 4.300.000 tấn quặng nguyên khai/năm. Tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng.
Tại Đăk Nông:
Dự án Nhà máy Sản xuất Alumina Nhân Cơ (Đăk Nông) có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 650.000 tấn alumina/năm, gồm các hạng mục chính: Khai thác mỏ bauxite; Nhà máy tuyển quặng bauxite và Nhà máy Sản xuất Alumina.
Lò luyện đồngPhát triển công nghiệp điện lựcTrên nền công nghiệp than, TKV đã phát triển thành công các lĩnh vực nhiệt điện, thủy điện. Khi Tổng công ty Than Việt Nam (TVN) được thành lập (1994), Tổng công ty đã chủ trương kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than, trong đó có chủ trương xây dựng các nhà máy nhiệt điện. Trước tiên, TVN lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Na Dương. Cùng thời điểm, Than Việt Nam xây dựng mới Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn. Từ nhiệt điện Na Dương, Cao Ngạn, hiện Tập đoàn TKV có cả Tổng công ty Điện lực, được thành lập theo Quyết định số: 5211/QĐ - BCT, ngày 21/10/2009 của Bộ Công Thương quản lý hàng chục nhà máy điện và các dự án xây dựng nhà máy điện. Tổng công ty Điện lực-TKV hiện có trên 2.600 người, quản lý vận hành 6 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 1.550MW. Đó là: Na Dương, Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả 1 & 2, Đông Triều, Nông Sơn và Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 5.
Phát triển công nghiệp hóa chất mỏ
Ngày 23/11/2010, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ ra Thông báo số 2162/TTG-ĐMDN v/v thành lập Tổng công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ - Vinacomin hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con. Tổng công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ - Vinacomin (MICCO), đi vào hoạt động từ 01/01/2011. Thành tựu nổi bật nhất của Tổng công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ là đã sản xuất được thuốc nổ ANFO chịu nước; thuốc nổ nhũ tương rời, nhũ tương hầm lò v.v… Đặc biệt, Nhà máy sản xuất AmoNitrat của MICCO xây dựng tại Thái Thụy (Thái Bình) đã sản xuất được nguyên liệu AmoNitrat để sản xuất thuốc nổ công nghiệp, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhà máy có công suất 200.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư 5.761 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 5/2011, chính thức đi vào hoạt động thương mại vào đầu năm 2015.
Hiện đại hóa ngành cơ khí mỏ
Sau khi sáp nhập vào TVN, ngành Cơ khí mỏ đã được củng cố theo hướng đẩy mạnh cơ khí chế tạo, hiện đại hóa cơ khí sửa chữa thiết bị mỏ. Nhiều đơn vị với các sản phẩm cơ khí vượt trội đã khẳng định được thương hiệu của mình theo hướng chuyên môn hóa, sản phẩm độc quyền. Doanh thu của khối Cơ khí TKV hiện tại đã đạt gấp khoảng 15 lần so với năm 2001 (thời điểm Tổng Công ty Cơ khí sáp nhập vào ngành Than), chiếm 3,63 doanh thu của Tập đoàn, đảm bảo gần 100% khối lượng sửa chữa lớn thiết bị và xấp xỉ 50% khối lượng phụ tùng, thiết bị bổ sung cho Tập đoàn.
Phát triển các ngành nghề khác
Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất kinh doanh các ngành nghề chính, Tập đoàn TKV còn phát triển kinh doanh đa ngành trên nền than - khoáng sản đúng hướng theo chuyển dịch cơ cấu kinh doanh và mô hình tăng trưởng dựa trên giá trị gia tăng và chuỗi sản phẩm trên nền than - khoáng sản. Ngoài ra, xi măng, dầu nhờn, bột manhetit siêu mịn, các dịch vụ thương mại, du lịch, tài chính, bảo hiểm, v.v... đều tăng cao và tổng doanh thu đã tăng trên 4,6 lần so với khi thành lập Tập đoàn TKV (năm 2006).
Quan tâm thực hiện công tác bảo vệ môi trường
Sau khi thành lập, TVN đã chủ động quy hoạch sắp xếp các công trình sản xuất; đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để di chuyển Nhà máy Cơ khí Hòn Gai; Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả; Nhà máy Tuyển than Hòn Gai; các kho than; các cảng than; hệ thống đường sắt v.v... ra khỏi các đô thị và khu dân cư để đảm bảo môi trường Vùng mỏ. Tiếp đó, TKV đầu tư hàng loạt hệ thống băng tải than, chấm dứt việc vận chuyển than trên Quốc lộ 18 bằng ô tô. TKV là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên trong cả nước thành lập Quỹ môi trường với trên 3.000 tỷ đồng. TKV đã sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại, xây dựng hệ thống quan trắc môi trường tại tất cả các khu vực nhạy cảm các mỏ, thực hiện đo đạc thông số môi trường hàng quý để nắm bắt thông tin và xử lý kịp thời.
Xây dựng lực lượng hùng mạnh
Đến nay, lực lượng CBCNV của TKV có trên 123 ngàn công nhân, cán bộ viên chức; trong đó 19,9% lao động có trình độ đại học, trên đại học; 13,9% có trình độ cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp; lực lượng lao động trẻ dưới 31 tuổi chiếm 62,6%; công nhân có tay nghề bậc cao chiếm 30,5%. Đây là thế mạnh và yếu tố cơ bản giúp TKV phát triến ổn định trong nhiều năm qua và những năm tiếp theo.
Chú trọng nâng cao đời sống người lao động
Cùng với sự gia tăng năng suất lao động, thu nhập của người lao động của TKV không ngừng được nâng cao. Tất cả các đơn vị đều tổ chức ăn giữa ca cho cán bộ CNVC, nhiều đơn vị tổ chức ăn tự chọn.CNVC đi làm đều có xe ô tô máy lạnh đưa đón; có nước nóng tắm sau mỗi ca làm việc; quần áo, BHLĐ được giặt sấy; hàng chục lô nhà chung cư, nhà tập thể với hàng vạn mét vuông được xây dựng, đáp ứng về nhà ở cho công nhân. Hầu hết các đơn vị đều có nhà văn hoá, nhà sinh hoạt công nhân, thư viện, nhà rèn luyện thể chất. Hằng năm, các đơn vị đều tổ chức khám sức khoẻ, chữa bệnh, thăm quan nghỉ mát, điều dưỡng cho người lao động. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên...
Tích cực hoạt động xã hội - từ thiện
Những năm qua, Tập đoàn TKV cùng các đơn vị thành viên tích cực tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện; xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn mới, phát triển kinh tế biển đảo, đền ơn đáp nghĩa, bảo trợ trẻ em, người tàn tật. v.v... Tập đoàn đã hỗ trợ cho 3 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a là Ba Bể (Bắc Kạn), Mèo Vạc (Hà Giang), Đam Rông (Lâm Đồng), xóa hàng nghìn nhà dột nát, xây dựng chợ, mua thiết bị y tế, xây dựng trường học, trạm y tế, hỗ trợ tổ chức đào tạo nghề công nhân kỹ thuật cho con em đồng bào. Đặc biệt, trong năm 2013 và 2014 đã tích cực góp phần đưa điện lưới ra đảo Cô Tô (Quảng Ninh) với kinh phí 150 tỉ đồng và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 150 tỉ đồng.
Xây dựng và mở rộng quan hệ hợp tác với đối tác, bạn hàng
Cùng với tiến trình hội nhập quốc tế của cả nước, trong 20 năm qua, TKV đã có quan hệ hợp tác và là bạn hàng thân thiết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế của Việt Nam. TKV cũng là bạn hàng, đối tác tin cậy của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và định chế tài chính lớn trên thế giới.