09 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép lớn của Việt Nam vừa tiếp tục có công văn kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), và Hiệp hội thép Việt Nam liên quan đến đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc của Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG) và Formosa Hà Tĩnh.
09 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép trên gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG), Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG), Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (mã cổ phiếu GDA), Công ty Cổ phần Thép TVP, Công ty Tôn Phương Nam, Công ty Cổ phần Tôn Pomina, Công ty Cổ phần Sản xuất thép Vina One, Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Thép Việt Nhật, và Công ty Cổ phần Kim khí Nam Hưng.
Theo các doanh nghiệp trên, không có căn cứ pháp lý để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc. Đồng thời, phân tích những tác động đến ngành thép Việt Nam nói riêng và toàn bộ nền kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung nếu Việt Nam quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Cụ thể, 09 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép dẫn quy định của Luật Quản lý Ngoại Thương 2017 thì lượng nhập khẩu thép HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh không phải là điều kiện để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá.
Các điều kiện được nêu ra là (1) Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể; (2) Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước; (3): Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá ở Điều kiện 1 với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước quy định ở Điều kiện 2.
Theo các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam thì lượng thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng là điều tất yếu vì nguồn cung thép HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu.
Dữ liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, tổng nhu cầu thép HRC tại Việt Nam trong các năm 2022 và 2023 ổn định ở quanh mức 11,5 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, lượng thép HRC mà Tập đoàn Hoà Phát và Formosa Hà Tĩnh bán cho các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam tại thị trường nội địa trong năm 2022 là 4,88 triệu tấn và chỉ còn 3,4 triệu tấn trong năm 2023.
“Trong khi tổng nhu cầu HRC tại Việt Nam qua 2 năm 2022 và 2023 gần như không đổi, cung HRC nội địa năm 2023 lại giảm 1,48 triệu tấn, thì lượng HRC nhập khẩu bắt buộc phải tăng tương ứng với lượng giảm của cung HRC nội địa để đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam”, 09 doanh nghiệp nhấn mạnh.
Cụ thể, lượng thép HRC nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 là 6,6 triệu tấn và tăng thêm 1,55 triệu tấn, đạt 8,19 triệu tấn trong năm 2023.
09 doanh nghiệp trên cũng cho biết, do lượng nhập khẩu thép HRC từ các quốc gia khác trong năm 2023 giảm đến 1,16 triệu tấn so với năm 2022 nên các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam bắt buộc phải tăng cường nhập khẩu thép HRC từ Trung Quốc để (1) bù đắp cho mức giảm nhập khẩu thép HRC từ các quốc gia khác (1,16 triệu tấn) và (2) đáp ứng nhu cầu tăng nhập khẩu (1,55 triệu tấn) do cung thép HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu.
“Hệ quả tất yếu là lượng nhập khẩu thép HRC từ Trung Quốc năm 2023 đã tăng 2,7 triệu tấn so với năm 2022 để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam”, 09 doanh nghiệp phân tích.
Đồng thời, nhóm các doanh nghiệp trên nhấn mạnh, theo quy luật cung cầu của thị trường, quốc gia nào sản xuất được thép HRC chất lượng tốt với giá bán hợp lý sẽ xuất khẩu được nhiều thép HRC hơn các quốc gia khác. Trong năm 2023, thép HRC do các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất có chất lượng tốt, giá bán hợp lý, nên lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc tăng nhiều hơn so với nhập khẩu thép HRC từ các quốc gia khác là hoàn toàn phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường.
Trước đó, đại diện Tập đoàn Hoà Phát cho biết đã nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam nêu 3 lý do để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá.
Thứ nhất lượng nhập khẩu thép HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh. Thứ hai, giá bán thép HRC của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý 1/2023 xuống còn 557 USD/tấn trong quý 4/2023 có dấu hiệu bán phá giá. Và lý do thứ ba, một số doanh nghiệp Trung Quốc bán thép HRC vào Việt Nam dưới giá thành, chấp nhận bán lỗ để bán được hàng, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp Việt Nam.
Tại Họp báo Thường kỳ tháng 3/2024, trả lời về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, trên thực tế, sẽ có rất nhiều luồng ý kiến thể hiện những quan điểm khác nhau đối với vụ việc.
Căn cứ theo các quy định hiện hành, Bộ Công Thương sẽ thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục từ khâu tiếp nhận hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ, yêu cầu bổ sung hồ sơ, đánh giá tính hợp lệ,... để xem xét nếu đầy đủ thì mới tiến hành khởi xướng điều tra. Quá trình điều tra cũng được triển khai chặt chẽ để đi đến quyết định có hay không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
“Như vậy, cần phải có đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn, các chứng cứ chứng minh cho việc nên hay không nên thực hiện các biện pháp. Trong vụ việc này, Bộ Công Thương hiện vẫn đang xem xét, tiếp tục yêu cầu các bên liên quan cung cấp, bổ sung thêm hồ sơ và chưa đưa ra kết luận cuối cùng là có khởi xướng điều tra hay không.” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin.